Nhiệm "Sa Pa "

TTCN - Nhiệm yêu những khoảnh khắc như chợt có chợt không, đổi thay của thiên nhiên Sa Pa, 27 lần đến với Sapa, Nhiệm vẫn chưa chán. Với “Sắc màu Sa Pa”, anh biến mình thành người hát rong đang căng cảm xúc trên dây đàn độc nhất để hát về những buổi hoàng hôn, những ngọn núi xa mờ, những bông hoa khoe sắc, những thửa ruộng bậc thang tựa nếp nhăn của thời gian trong ánh chiều của miền sơn cước.

Phóng to
Hoàng Thế Nhiệm trong một ghi ảnh về Sapa
TTCN - Nhiệm yêu những khoảnh khắc như chợt có chợt không, đổi thay của thiên nhiên Sa Pa, 27 lần đến với Sapa, Nhiệm vẫn chưa chán. Với “Sắc màu Sa Pa”, anh biến mình thành người hát rong đang căng cảm xúc trên dây đàn độc nhất để hát về những buổi hoàng hôn, những ngọn núi xa mờ, những bông hoa khoe sắc, những thửa ruộng bậc thang tựa nếp nhăn của thời gian trong ánh chiều của miền sơn cước.

Có ai đó nói rằng để chụp ảnh một ngọn núi không nhất thiết phải leo lên một ngọn núi khác, nhưng để có được một tấm ảnh phong cảnh nghệ thuật, người nghệ sĩ cần phải lên núi. Tôi thích tấm ảnh Bá Hân chụp Hoàng Thế Nhiệm đang lui cui với đồ nghề lỉnh kỉnh trên một ngọn núi trong ráng chiều của Hoàng Liên Sơn để chờ một khoảnh khắc vàng bấm máy.

Không lời lẽ nhưng hình ảnh này lột tả được lòng say mê thiên nhiên và sự lựa chọn của Nhiệm. 10 năm cầm máy, trong đó hai năm đầu chỉ chơi một cách tài tử, chàng nhiếp ảnh này đã tạo được cho mình một chỗ đứng vững vàng trong làng nhiếp ảnh dù mới chỉ 43 tuổi. Bạn bè trong nghề của anh biết rằng với Sa Pa, sau Võ An Ninh lừng lẫy, chưa có ai khác ngoài Hoàng Thế Nhiệm.

Để có ngày hôm nay Nhiệm cũng phải trèo lên và vượt qua một “ngọn núi” trong cuộc đời riêng của mình. Xuất thân là “lính tàu viễn dương”, anh đi nhiều và biết nhiều, nhất là Nhật Bản; và chính tình yêu cùng sự tôn trọng thiên nhiên của dân tộc này đã ảnh hưởng đến con đường tương lai của anh. Anh học rất nhiều từ những sách kỹ thuật ảnh phong cảnh của họ.

1983-1993, khoảng thời gian 10 năm này là thời hoàng kim của thủy thủ viễn dương, khi “mỗi con tàu là một công ty xuất nhập khẩu”. Nhưng rồi khi “Những việc cần làm ngay” đi vào đời sống, chuyện mua bán quota của các công ty để gom hàng nước ngoài lên tàu chở về nuớc không còn được phép nữa, “lính viễn dưong” lâm vào thế khó khăn: muốn tiếp tục làm giàu thì phải... buôn lậu.

Cảm thấy mình không có máu liều mạng, anh bỏ nghề để cầm máy với công việc đầu tiên là... chụp hình quảng cáo cho một cửa hàng ảnh! Thời buổi ấy do có điều kiện anh đã sưu tầm đủ các loại máy ảnh đời mới nhất của Nhật mà dân nhiếp ảnh thấy cũng phải thèm.

1994, sau chuyến xuyên Việt đầu tiên anh quyết định chọn nhiếp ảnh phong cảnh làm con đường sống, dù lúc đó việc chụp ảnh con người trong lao động là xu hướng rất mạnh chi phối đời sống nhiếp ảnh nghệ thuật và người chụp ảnh phong cảnh không được coi là nghệ sĩ vì không có sáng tạo do thiên nhiên không thể dàn dựng! Trong các cuộc thi ảnh thời đó, ảnh phong cảnh giỏi lắm thì được giải treo, còn may mắn hơn thì được giải khuyến khích.

Phóng to
Sapa qua ống kính của Nhiệm "Sapa"
Mặc kệ, anh thích và mê nên cứ chơi không một áo khoác nghệ sĩ nào! (Khi bị bạn bè thách thức giành tước hiệu A.FIAP- tiêu chuẩn 10 tấm ảnh đoạt giải hoặc triển lãm quốc tế, anh chỉ cần bỏ ra một năm là có). Đó cũng là điều may mắn vì anh không phải chịu áp lực của ai để dồn sức cho cuộc chơi ảnh phong cảnh.

Trong hai năm đầu, mỗi năm đi Sa Pa ba lần, về chỉ bán được vài bức ảnh, anh thấy túi mình có nguy cơ bị “viêm” bèn chuyển qua kinh doanh phim slide để bổ sung kinh phí, chơi tiếp. Năm 1995 loại phim này còn quá mới mẻ trên thị trường, anh lỗ vốn nặng. Năm sau anh dồn hết tài sản kinh doanh tiếp và dự định nếu thất bại sẽ chuyển sang nghề… chụp ảnh cưới. Bây giờ thì anh sống được cả hai nghề, vừa bán phim vừa bán ảnh.

* Bây giờ, ảnh phong cảnh đã được công nhận là nghệ thuật và anh được người ta gọi là “nghệ sĩ nhiếp ảnh phong cảnh chuyên nghiệp” , anh có nghĩ rằng mình có đóng góp công sức cho việc công nhận đó?

- Tôi nghĩ đó là xu hướng chung. Người ta phải trả lại giá trị nghệ thuật cho ảnh phong cảnh bởi khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên không phải dễ tìm và cũng không dễ thấy, chưa nói đến cách đo sáng và đặt khẩu độ như thế nào để các lớp cảnh của bức ảnh lên nhiều chi tiết nhất.

Năm 1993, khi tôi được hai huy tượng về ảnh phong cảnh tại cuộc thi ảnh quận 5, nhiều người bất ngờ. Từ đó tôi có nhiều giải khác. Năm 2000 tôi gửi một bức ảnh duy nhất về Sa Pa chụp ngôi nhà nguyện hiện ra diễm ảo giữa biển mây để dự cuộc thi ảnh ở California (Mỹ) và được giải. Và tại cuộc thi ảnh TP.HCM mới đây giải ba đã thuộc về ảnh phong cảnh của một tác giả trẻ.

* Anh bỏ ra 70 triệu đồng để tổ chức cuộc triển lãm ảnh (ngày 6-9-2003) và in một tập sách ảnh Sa Pa để tự kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố mù mây này. Vì anh hay vì Sa Pa ? Mà tại sao là Sa Pa?

- Đơn giản vì tôi yêu Sa Pa.Vì Sa Pa trước, vì tôi sau. Tôi muốn chứng minh với người trong nước và khách du lịch nước ngoài rằng Sa Pa không lạnh lẽo và đìu hiu một chút nào như đã từng có nhiều nhận xét như vậy.

Nó đầy sắc màu nồng ấm, cả phong cảnh và con người.Ít có nơi nào mây bay lang thang rồi đọng lại như ở Sa Pa bởi vì nó là một thung lũng được bao quanh bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Chỉ có ở Sa Pa con người mới sống chung với mây.

Tôi yêu những khoảnh khắc như chợt có chợt không, đổi thay của thiên nhiên Sa Pa, mà mỗi lần không bấm được khoảnh khắc tuyệt đẹp nào thì tôi ấm ức để càng cố lên. Chính vì vậy tôi đã đến Sa Pa 27 lần.

“Phong cảnh làm con người giảm stress cực tốt mặc dù kẻ chụp ảnh phong cảnh chuyên nghiệp cực kỳ gian khổ. Còn nhiếp ảnh, với tôi, là phương tiện tốt nhất để nhận diện được thiên nhiên”

Nhiếp ảnh gia nào cũng đã từng chụp Sa Pa nhưng không nhiều, không chuyên sâu nên chưa lột tả được hết vẻ đẹp của Sa Pa vì họ không chịu mất nhiều thời gian cho nó. Ngay bác Võ An Ninh cũng chỉ có vài tấm ảnh về Sa Pa chứ không nhiều. Nhưng không chỉ có Sa Pa.

Tôi yêu phong cảnh của cả đất nước mình và đã lê bước hết 61 tỉnh thành, chỉ ngoại trừ Trường Sa, nhưng Sa Pa là đặc biệt đối với tôi, đặc biệt đến mức đau lòng mà không nói được như chuyện vườn đào Bác Hồ. Vườn đào này được trồng phủ kín một quả đồi theo ý của Bác Hồ, nó tuyệt đẹp nhưng bây giờ đã bị chặt phá gần trụi.

* Anh đã từng tìm thầy nhưng không có thầy để học về kỹ thuật ảnh phong cảnh trong những năm chập chững cầm máy. Nếu bây giờ tuyển học trò anh sẽ dạy họ điều gì?

- Tôi sẽ dạy họ biết leo trèo!

Hoàng Thế Nhiệm nói anh sẽ còn chụp mãi về Sa Pa dù đó là đề tài cũ, ít bán được. Anh chỉ chụp nó cho riêng mình mà không tiếc thời gian, công sức và tiền bạc. Xem sắc màu của Sa Pa qua 40 tấm ảnh triển lãm lần này, tâm hồn người xem chắc dịu ngay lại.

Ai đó coi anh là một nghệ sĩ lãng tử chuyên định hình thiên nhiên là phải. Qua ống kính của anh, sắc màu đẹp đẽ của phong cảnh Sa Pa, của VN còn tiếp tục được nhận diện mãi mãi qua từng khoảnh khắc!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận