13/09/2003 18:58 GMT+7

Cổ vật Đền thờ Hai Bà Trưng (Hà Tây) "không cánh mà bay"

THU HÀ - N.V.HẢI
THU HÀ - N.V.HẢI

TT (Hà Nội) - Lại thêm một vụ mất cổ vật. Mặc dù các nhà chuyên môn đánh giá rằng trộm đồ cổ ở VN hầu hết là trộm nghiệp dư, chưa phải là loại “trộm theo đơn đặt hàng” của các “trùm” buôn đồ cổ; nhưng dẫu vậy, nếu không có các biện pháp bảo vệ cấp bách thì các ngôi chùa, ngôi đình ở làng quê VN sẽ chẳng còn gì quí mà mất nữa.

R2rad4uC.jpgPhóng to
Đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây, nơi có một loạt cổ vật vừa "không cánh mà bay".
TT (Hà Nội) - Lại thêm một vụ mất cổ vật. Mặc dù các nhà chuyên môn đánh giá rằng trộm đồ cổ ở VN hầu hết là trộm nghiệp dư, chưa phải là loại “trộm theo đơn đặt hàng” của các “trùm” buôn đồ cổ; nhưng dẫu vậy, nếu không có các biện pháp bảo vệ cấp bách thì các ngôi chùa, ngôi đình ở làng quê VN sẽ chẳng còn gì quí mà mất nữa.

Chiều 12-9, trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ “mất tích” của một loạt cổ vật tại đền thờ Hai Bà Trưng (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Tây), chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Đạt cho biết ông vừa có ý kiến chỉ đạo các ngành nội chính huyện “cố gắng bằng mọi cách” tìm lại các cổ vật này.

Ông Đạt nói rằng từ trước tới nay trên địa bàn Phúc Thọ chưa từng xảy ra vụ mất mát tượng cổ, cổ vật nào, do vậy sự việc một số cổ vật có niên đại lâu đời thờ tại đền Hai Bà Trưng đột nhiên “mất tích” đang là mối quan tâm giải quyết chung của chính quyền, nhân dân huyện này.

Đêm 25-8, lợi dụng trời mưa và gió to (ảnh hưởng của bão số 5), kẻ gian đã đột nhập đền lấy đi một số đồ thờ quí: sáu thanh kiếm thờ sơn son thiếp vàng niên đại thế kỷ 17 (thờ ở ban Thượng), hai lư hương cổ bằng đồng mun và một số đạo sắc phong từ năm Cảnh Hưng thứ nhất triều Lê (1740) đến năm Khải Định thứ chín triều Nguyễn (1925).

Tối 25-8, khi sự việc xảy ra, trong đền chỉ có cụ từ Nguyễn Đăng Mạo (70 tuổi) và một người bảo vệ Nguyễn Thế Quý. Do trời mưa, hai người đóng cửa đi ngủ lúc 21g, nhưng khoảng hơn 6g sáng hôm sau thức dậy đã phát hiện cửa đại bái bị bẻ khóa và mở hé, trước kiệu thờ còn lại hai đống cát để cắm chân hương do kẻ gian đổ ra nhằm lấy lư đồng.

Một số đạo sắc phong cất kỹ trong hai hòm ở hậu cung cũng được phát hiện không cánh mà bay. Chủ tịch huyện Phúc Thọ cho biết: căn cứ theo hiện trường để lại, kẻ gian là người biết rất rõ về ngôi đền (biết cả đạo sắc phong cất ở đâu trong hậu cung, nơi vốn ít người được lui tới), biết có mấy người trông đền mỗi tối, khả năng thủ phạm vụ đánh cắp là “có tổ chức” (bố trí theo dõi, chọn đúng thời điểm mưa bão để ra tay lấy cắp, lấy xong đưa đi không ai hay biết…).

qAyn7FVP.jpgPhóng to
Cụ từ đền thờ Hai Bà Trưng chỉ cho phóng viên xem cánh cửa với ổ khóa bị kẻ gian phá đêm 25-8
Đây không phải là vụ đánh cắp cổ vật đầu tiên ở các đền, chùa. Trước đó, trong tháng 6 và 7-2003, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng đã xảy ra bốn vụ với 24 pho tượng cổ, một bát hương cổ, một đạo sắc phong bị đánh cắp. Đặc biệt, đêm 23-7 cũng ở Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) đã bị mất liền một lúc tới sáu pho tượng cổ.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, trưởng Phòng quản lý di tích (Cục Di sản - Bộ VH-TT), trao đổi với Tuổi Trẻ cho biết: 100% các vụ trộm cắp cổ vật thuộc các di tích lịch sử - văn hóa (đình, chùa, miếu, phủ, nhà thờ họ...) đều chỉ xảy ra ở các di tích do địa phương và các tổ chức tín ngưỡng trực tiếp chịu trách nhiệm trông nom.

Ở các khu di tích lớn, chịu sự quản lý của các cơ quan văn hóa, chưa có vụ mất trộm cổ vật nào xảy ra. Trên cả nước chỉ có vài trăm khu di tích do các cơ quan văn hóa quản lý, còn lại là đình chùa của làng xã, nhà thờ của dòng họ, địa phương nào chịu trách nhiệm quản lý di tích trên đất địa phương ấy.

Số lượng di tích cũng như cổ vật thuộc các di tích do địa phương quản lý lớn gấp nhiều chục lần so với các khu di tích quốc gia. Nhưng cũng theo tiến sĩ Hùng, nghịch lý ở đây là di sản chỉ có thể thể hiện hết giá trị của nó khi được đặt đúng vào môi trường, không gian văn hóa tâm linh của nó.

Tượng phải ở chùa, các bức phù điêu không thể mang vào kho mà khóa lại cho an toàn. Không gian đình, chùa VN lại được thiết kế rất... thoáng, tức là chỉ phục vụ các sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng mà không tính toán đến thuận lợi cho việc cất giữ, bảo quản đồ quí.

THU HÀ - N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên