09/09/2003 11:15 GMT+7

Phải chặn đứng cho được nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài

ĐỒNG HƯNG
ĐỒNG HƯNG

TT(TP.HCM) - Ngày 8-9-2003, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì hội nghị bàn các giải pháp khắc phục tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt buôn bán ra nước ngoài với sự tham dự của 18 bộ, ủy ban liên quan và 142 đại diện 35 tỉnh thành trong cả nước. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết tệ nạn này đang trong xu hướng phát triển hết sức phức tạp và rất khó kiểm soát.

K47xoUYS.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm
TT(TP.HCM) - Ngày 8-9-2003, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì hội nghị bàn các giải pháp khắc phục tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt buôn bán ra nước ngoài với sự tham dự của 18 bộ, ủy ban liên quan và 142 đại diện 35 tỉnh thành trong cả nước. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho biết tệ nạn này đang trong xu hướng phát triển hết sức phức tạp và rất khó kiểm soát.

Đa số hôn nhân mang tính chất thương mại

Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay đã có rất nhiều phụ nữ, trẻ em VN bị lừa bán ra nước ngoài để làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp. Đa số hôn nhân với người nước ngoài mang tính chất thương mại, thông qua các dịch vụ môi giới hôn nhân và có một bộ phận bị lừa.

Theo ông Lê Thế Tiệm, công tác đấu tranh với các loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn, hạn chế: do tâm lý không muốn tố giác tội phạm, xa lánh cộng đồng; việc phối hợp triển khai phòng ngừa đấu tranh còn thiếu đồng bộ; công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, kịp thời, mang tính thụ động; ngay cả việc quản lý nhân hộ khẩu cũng vậy, có nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em đi khỏi thời gian dài mà địa phương hoàn toàn không biết.

Về thủ đoạn của những tội phạm này, theo ông Tiệm, qua điều tra cho thấy hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em rất đa dạng. Cụ thể: lựa chọn những cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn, không có công ăn việc làm ở các vùng nông thôn, hoặc thông qua gia đình của họ để dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ rồi bán ra nước ngoài; dùng thủ đoạn đẩy phụ nữ, trẻ em vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép; một số trường hợp trẻ không người trông coi, phụ nữ lang thang cơ nhỡ ở bến xe bến tàu đã bị bắt cóc đem đi bán ở nước ngoài, thậm chí có cả trường hợp các bà mẹ bán con ruột của mình...

Theo tham luận của đại diện Bộ Tư pháp tại hội nghị, có một thực trạng hiện nay là tổ chức môi giới hôn nhân hoạt động rất mạnh, có đường dây thu gom phụ nữ ở các địa phương tập kết về TP lo giấy tờ đưa đi qua con đường hôn nhân, kiếm lời bất chính. Qua kiểm tra khảo sát tại TP.HCM có 27 cơ sở môi giới hôn nhân. Thậm chí khi đã có qui định không cho hoạt động loại hình này, vẫn còn bốn công ty tiếp tục hoạt động ì xèo, đưa cả lên mạng Internet để quảng cáo.

Thậm chí tại TP đã xuất hiện đường dây làm giấy tờ kết hôn giả, bị cán bộ công chứng phát hiện nhưng sau đó vụ việc đã rơi vào im lặng... Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Tư pháp, là do khâu làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài đã làm “tắt” như: không phỏng vấn trực tiếp; không làm lễ trao giấy đăng ký kết hôn, thiếu sổ thụ lý hồ sơ...

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cho rằng luật tuy có cấm lợi dụng hình thức hôn nhân để buôn bán phụ nữ và trẻ em nhưng không có cơ chế bảo đảm thực hiện, cũng như chế tài không đủ nghiêm minh, do đó đấu tranh sẽ không hiệu quả...

Cần một giải pháp toàn diện

Bàn về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm đưa ra sáu đề xuất với Chính phủ: có biện pháp làm chuyển biến cuộc sống của người dân ở những vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc, có biện pháp hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán trở về; tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phát hiện đối tượng, phối hợp với cơ quan chức năng; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống luật pháp, khắc phục các sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài; nâng cao công tác điều tra nắm tình hình, xử lý nghiêm minh bọn tội phạm và các tổ chức tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là tổ chức xuyên quốc gia; tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế...

Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay ở các địa phương thời gian tới, hướng tới mục tiêu năm 2010 phải chặn đứng cho được nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Trong đó, cốt lõi nhất là phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo...

Về công tác chỉ đạo điều hành, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu đề xuất sớm một chương trình dài hơi, căn cơ để giải quyết vấn đề này và phải có một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm từ trung ương xuống tới địa phương. Phó thủ tướng lưu ý đây phải là một chương trình toàn diện, chống tội phạm nhưng cái nền là phát triển đời sống kinh tế - xã hội...

ĐỒNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên