16/09/2003 16:40 GMT+7

Campuchia vào WTO, VN được gì?

TS LÊ ĐĂNG DOANH
TS LÊ ĐĂNG DOANH

TT - Ngày 11-9-2003, tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Campuchia (CPC) và Nepal đã được chính thức tiếp nhận là hai thành viên mới, đại diện cho những nền kinh tế kém phát triển nhất. Sự kiện này tác động như thế nào đến VN? Dưới đây là baì viết của TS Lê Đăng Doanh và chuyên gia kinh tế Mai Kim Đỉnh.

UKoBkwqY.jpgPhóng to
Nữ công nhân CPC đang đóng gói hàng may mặc tại một công ty do Hong Kong đầu tư vào đây - đầu tư nước ngoài.
TT - Ngày 11-9-2003, tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Campuchia (CPC) và Nepal đã được chính thức tiếp nhận là hai thành viên mới, đại diện cho những nền kinh tế kém phát triển nhất. Sự kiện này tác động như thế nào đến VN? Dưới đây là baì viết của TS Lê Đăng Doanh và chuyên gia kinh tế Mai Kim Đỉnh.

Một thắng lợi của CPC

Đối với CPC, một nền kinh tế có GDP (năm 2001) đạt 3,4 tỉ USD (khoảng 1/10 GDP VN), GDP bình quân đầu người đạt 278 USD, theo sức mua tương đương (PPP, viết tắt của Purchasing Power Parity) là 1.860 USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 2,1% (2001), việc gia nhập WTO là một kết thúc thắng lợi của quá trình đàm phán từ 1994, cùng thời gian mà VN nộp đơn gia nhập WTO.

Bộ trưởng Thương mại CPC Cham Prasith đã tuyên bố tại Cancun: “Chúng tôi chấp nhận thách thức, vì chúng tôi hiểu rõ lợi ích gia nhập hệ thống thương mại thế giới này”. Đó là nhận định đúng đắn, vì bất chấp mọi bất công và khuyết tật mà WTO vẫn chưa khắc phục được, tham gia WTO vẫn còn có lợi hơn nhiều so với không tham gia. Và tham gia WTO rồi sẽ phát sinh những khó khăn mới chứ hoàn toàn không phải vào WTO rồi thì hết thách thức.

Chỉ có thể chúc mừng CPC về bước phát triển quan trọng này. Có thể dự báo một cách chắc chắn rằng năng lực cạnh tranh quốc gia của CPC sẽ được cải thiện, và như mọi người đều biết, năng lực cạnh tranh quốc gia không phụ thuộc nhiều vào độ lớn của nền kinh tế mà phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng lâu bền của mỗi một quốc gia và khả năng thu lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh ở quốc gia đó.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài của CPC sẽ được cải thiện. Với đồng lương thấp và lao động trẻ, CPC sẽ cạnh tranh có hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư vào những ngành cần nhiều lao động. Do mở rộng các dịch vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, xây dựng... chắc chắn là lợi thế thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ tăng lên nhanh và môi trường đầu tư của CPC sẽ hấp dẫn hơn.

Ltf4nrtR.jpgPhóng to

TS Lê Đăng Doanh

Với tư cách là thành viên của WTO, CPC sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan và xuất khẩu sẽ tăng lên. Đặc biệt, dệt may là thế mạnh của CPC và việc hiệp định da sợi dự kiến sẽ hết hạn đối với các nước thành viên WTO vào năm 2005 sẽ tạo cho CPC lợi thế rõ rệt trước ngành dệt may của các nước không phải thành viên vẫn phải chịu hạn ngạch định lượng (quota). Lợi thế của ngành dệt may của VN sẽ bị thách thức nếu như vào lúc đó VN chưa trở thành thành viên của WTO.

Vị thế đàm phán của CPC trên trường quốc tế cũng sẽ được nâng cao. Đặc biệt là việc xử lý tranh chấp thương mại với CPC là nước thành viên WTO sẽ được xem xét ở WTO, tại Geneva (Thụy Sĩ), theo đúng luật pháp quốc tế, công bằng hơn rất nhiều so với sự áp đặt vô lối của một cường quốc.

Đó là một cải thiện rất đáng kể so với các nước không phải thành viên. Qua đó, CPC sẽ ít bị lép vế và ít chịu thiệt thòi hơn như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc gần đây đã lưu ý về trường hợp cá ba sa và cá tra của VN.

Thách thức trưởng thành

Không có bông hồng nào là không có gai và bông hồng WTO rất gai góc: không có nước nào nhường nhịn gì ở đây cả. Cũng không có ai biếu quà bánh gì ở đây. Trong quá trình mở cửa, CPC sẽ chịu nhiều thách thức. Sẽ có những ngành bị lao đao, sẽ có doanh nghiệp bị phá sản, song nhìn chung lợi vẫn lớn hơn rất nhiều so với những cái thiệt chắc chắn sẽ không tránh khỏi.

Cũng xin lưu ý là không nền kinh tế nào không chịu thách thức, kinh tế Mỹ cũng phải chịu thiệt khi mở cửa và phải viện đến cái vỏ “chống bán phá giá” phi lý nọ. Những thách thức đó là thách thức của sự trưởng thành, khác với khó khăn của một nền kinh tế nằm ngoài dòng chảy lớn của hội nhập.

Khó khăn và cơ hội cho VN

Đối với VN, có một nền kinh tế CPC cải cách nhanh, là láng giềng vừa là cơ hội, vừa thách thức. Cơ hội là nền kinh tế CPC tăng trưởng sẽ cần nhập khẩu, mậu dịch sẽ mở rộng, giao thông vận tải, dịch vụ sẽ phát triển tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp của nước nào năng động hơn, có điều kiện kinh doanh tốt hơn.

Kinh nghiệm đàm phán và gia nhập WTO của CPC (một nền kinh tế rất bé và có nhiều khó khăn) cùng với kinh nghiệm của Trung Quốc (một nền kinh tế năng động nhất hành tinh, với dân số 1,3 tỉ người, cũng đang trong quá trình cải cách và mở cửa như nước ta, đã trở thành thành viên WTO từ tháng 11-2001) là những kinh nghiệm đáng tham khảo. Đó là những gợi ý từ hai thái cực của kinh tế thế giới để chúng ta suy ngẫm.

Thách thức vì CPC sẽ cạnh tranh có hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong xuất khẩu sang thị trường thứ ba. Và hàng hóa tràn vào CPC với giá rẻ do được giảm thuế nhập khẩu sẽ có cơ hội tràn vào VN thông qua đường biên giới dài vào mùa nước nổi.Bây giờ chính là lúc VN cần tăng tốc vì đã chậm hơn cả Trung Quốc lẫn CPC, hai nước láng giềng của chúng ta.

SrWFOInF.jpg

Ông Mai Kim Đỉnh

Campuchia (CPC) những năm gần đây đã tiến hành cải cách sâu rộng nền kinh tế. Nổi bật là việc ban hành Luật sở hữu đất đai, trực tiếp tác động gia tăng sản lượng nông nghiệp. Tiếp theo là hai bộ luật thuế và đầu tư nước ngoài đồng loạt thông qua, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tăng định mức hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế cho CPC từ 32 triệu USD lên 95 triệu USD; chưa kể kinh phí 120 triệu USD bổ sung của Chương trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế. Lạm phát được khống chế từ 120% năm 1993 còn 18,8% vào tháng 6-1994, tiếp tục giảm còn một chỉ số cuối thập niên 1990.

Thập niên 1990 ghi nhận kinh tế CPC tăng trưởng khá ổn định, nếu không nói là tương đối cao ở khu vực Đông Nam Á - cao nhất là 8% năm 1996. Tuy nhiên từ sau khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á 1997-1998, kim ngạch xuất khẩu CPC giảm 20%; trong khi nhập khẩu ngày càng tăng, đẩy lệch cán cân ngoại thương theo hướng bất lợi.

Với qui mô kinh tế nhỏ, CPC sẽ không tạo bất kỳ ảnh hưởng nào đối với thương mại toàn cầu như sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO trước đó hai năm. Hơn nữa, Phnom Penh cũng đã thừa hưởng ưu đãi xuất khẩu nông sản, đặc biệt hàng may mặc, giày da qua các hiệp định thương mại với Mỹ và Liên hiệp châu Âu. Kinh tế CPC vẫn còn phải tiếp tục cuộc hành trình dài lâu mới thiết đặt được nền tảng phát triển bền vững.

Với tư thế thành viên WTO, CPC có thêm điều kiện thuận lợi cạnh tranh với VN trong giao thương quốc tế. Thuận lợi cho CPC sau khi gia nhập WTO là sẽ không chịu định mức phân bổ hạn ngạch như Mỹ, EU đang áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ VN.

Mặt khác, cơ cấu xuất khẩu hai nước khá đồng dạng, đa phần ở dạng nguyên liệu thô hoặc sơ chế nên sẽ có cạnh tranh nhưng không diễn ra gay gắt, do qui mô sản xuất nhỏ và trình độ công nghệ chưa tinh xảo của CPC. Các doanh nghiệp VN có thể khai thác vị thế mới của CPC qua đầu tư các ngành khai thác chế biến nông lâm hải sản (kể cả du lịch - dịch vụ) và xuất khẩu trong hành lang qui chế WTO.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên