27/09/2003 10:08 GMT+7

Cuộc chiến giá thuốc chống các nước nghèo

TRANG ANH (tổng hợp)
TRANG ANH (tổng hợp)

TT - Trước vô số thủ đoạn của các công ty dược đa quốc gia (CTDĐQG) nhằm ngăn cản việc hạ giá thuốc, một số nước thuộc Thế giới thứ ba đã có lời đáp trả của họ khiến các CTDĐQG phải nhiều phen xính vính.

OdVfuJKE.jpgPhóng to

Kenya công bố thuốc nhái trị AIDS của nước này ngày 20-9-2003

TT - Trước vô số thủ đoạn của các công ty dược đa quốc gia (CTDĐQG) nhằm ngăn cản việc hạ giá thuốc, một số nước thuộc Thế giới thứ ba đã có lời đáp trả của họ khiến các CTDĐQG phải nhiều phen xính vính.

Cuộc chiến của Nam Phi

Nam Phi có lẽ là một trong những nước bức xúc nhất về vấn đề giá thuốc: điều tra gần đây cho thấy tuổi thọ bình quân ở Nam Phi được dự kiến sẽ giảm gần 20 tuổi đến năm 2010 do HIV/Aids. Muốn chống HIV/Aids thì phải có thuốc rẻ.

Chính vì vậy mà năm 1997, Nam Phi đã thông qua một điều luật bản quyền về dược phẩm cho phép các công ty trong nước sản xuất thuốc “nhái” từ các loại thuốc mà các CTDĐQG nắm bản quyền và dĩ nhiên với giá rẻ hơn.

Nhờ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giá thuốc đã giảm một cách đáng kể. Đồng thời Nam Phi cũng tiến hành nhập khẩu các loại thuốc rẻ tiền (không có bản quyền của các CTDĐQG) từ các công ty của Ấn Độ chẳng hạn để phân phối trong nước. Điều này cũng giúp giá thuốc rẻ được thêm chút nữa.

Thực tế cho thấy hai biện pháp này của Nam Phi đã tác động một cách rất tích cực lên việc hạ giá thuốc. Thế nhưng ngày 19-4-2001, 39 CTDĐQG đã phát đơn kiện chính phủ về luật bản quyền. Điều thú vị là một trong số các bị đơn của vụ kiện này có cả Nelson Mandela, vốn là tổng thống Nam Phi lúc điều luật được thông qua. Lý lẽ của bên nguyên là điều luật của Nam Phi đã vi phạm “Các khía cạnh liên quan đến kinh doanh của Luật sở hữu bản quyền trí tuệ” (TRIPS) do WTO ban hành. Bên Nam Phi thì nại rằng trong TRIPS cũng có những điều khoản cho phép các chính phủ có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ sức khỏe của công dân mình.

Cuộc chiến tranh giá thuốc Aids giữa các CTDĐQG và Cipla

Cuộc chiến về giá thuốc Aids khởi đầu khi công ty Cipla Limited của Ấn Độ chào hàng với Tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” ba món thuốc hỗn hợp để chống Aids (lamivudine, stavudine và nevirapine) với giá thuốc mỗi năm chỉ 350 USD.

Lời chào hàng này đã làm chấn động thị trường thuốc thế giới bởi lẽ giá thuốc trị Aids lúc đó ở các nước phát triển là 10.000-15.000 USD/người/năm.

Ở Ấn Độ, Cipla đã giúp giảm giá thuốc một cách đáng kể và cung cấp miễn phí cho chính phủ các loại thuốc phòng ngừa lây HIV từ mẹ sang con. Thế nhưng, phải nhấn mạnh rằng Cipla không hề làm từ thiện và họ vẫn thu lời rất lớn dù bán thuốc với giá rẻ hơn. Cipla cũng buộc được các CTDĐQG giảm đáng kể giá thuốc của mình.

Công ty Merck, trước đây từ chối tham gia chương trình của Liên Hiệp Quốc cung cấp thuốc điều trị HIV giá rẻ cho nhiều nước đang phát triển, đã phải thực hiện hạ giá thuốc mạnh. Tiếp đó là hàng loạt công ty khác cũng theo đuôi như Roche, Pfizer, Glaxo SmithKline, Abbott Lab...

Rốt cuộc, các CTDĐQG đã phải rút đơn vô điều kiện, không phải là do lòng hảo tâm đột ngột đối với 4,7 triệu người Nam Phi bị Aids (số liệu lúc điều luật được thông qua), mà là do một chiến dịch đấu tranh bền bỉ mang tên “Bỏ vụ kiện” (“Drop the case”) của Tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” và “Chiến dịch hành động điều trị” (một tổ chức của Nam Phi, do bệnh nhân nhiễm HIV Zackie Achmat thành lập. Achmat đã từ chối dùng thuốc điều trị HIV khi nào toàn bộ người Nam Phi còn chưa tiếp cận được nó). Tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” đã xin được 285.000 chữ ký từ 130 nước đòi các CTDĐQG bỏ vụ kiện (trong đó có chữ ký của nhiều nhân vật nổi tiếng).

Cái bóng của Mỹ sau các CTDĐQG

Thật ra, trong vụ này các CTDĐQG không chỉ lo ngại đối với thuốc điều trị Aids, vốn chỉ chiếm 1% doanh số bán thuốc toàn cầu. Họ lo lắng rằng điều luật này sẽ lan rộng ra các loại thuốc khác (tim mạch, ung thư...), và trở thành tiền lệ trên thế giới.

Đặc biệt, các CTDĐQG rất lo lắng tác động ngược lên thị trường dược phẩm Mỹ nơi họ đang vớ bở: khi giá thuốc ở các nước Thế giới thứ ba giảm, dân Mỹ cũng sẽ đòi giảm giá thuốc hoặc mua thuốc ở nước ngoài.

Những năm gần đây, chính quyền Mỹ tỏ ra rất tích cực bảo vệ quyền lợi của các CTDĐQG (đặc biệt là các CTDĐQG Mỹ) trong các thỏa thuận song phương và đa phương. Chính quyền Mỹ đã thúc đẩy việc tăng cường chế độ độc quyền toàn cầu đối với bản quyền, đồng thời tìm cách hạn chế khả năng các quốc gia triển khai thuốc nhái và tiến hành nhập khẩu song song. Ví dụ như thỏa thuận Mỹ - Jordan về Thương mại tự do đã thiết lập các hạn chế gay gắt đối với thuốc nhái bằng các biện pháp như nới rộng thời hạn hiệu lực của các bản quyền thuốc, can thiệp vào việc ban hành các loại thuốc nhái ở các nước.

Trong những năm gần đây, nhiều nước như Ấn Độ, Brazil, Argentina, CH Dominica đã bị đe dọa trừng phạt kinh tế theo “điều 301” luật thương mại Mỹ do chính Văn phòng đại diện thương mại Mỹ soạn thảo.

Mỹ còn tìm cách “hối lộ” các quốc gia châu Phi để họ từ bỏ các chủ trương làm thuốc nhái. Tháng 6-2000, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ tuyên bố sẽ cho các quốc gia châu Phi vay 500 triệu USD mỗi năm để họ mua thuốc điều trị Aids, nhưng với điều kiện là các quốc gia này chỉ được mua thuốc từ các CTDĐQG Mỹ.

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của Mỹ đã bị nao núng phần nào trước cuộc đấu tranh quyết liệt của các nhóm, các tổ chức và các quốc gia đang phát triển. Vấn đề thuốc đã trở thành một trong các vấn đề nổi cộm tại hội nghị WTO ở Cancun vừa qua.

_______________________________

Kỳ trước: Bán dược phẩm lời hơn kinh doanh ôtô, dầu khí

TRANG ANH (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên