10/09/2003 13:55 GMT+7

Quĩ Tiền tệ châu Á và tương lai Á châu

GS PHẠM ĐỖ CHÍ (Phuket, Thái Lan)
GS PHẠM ĐỖ CHÍ (Phuket, Thái Lan)

Hội nghị các bộ trưởng tài chính thuộc 21 nước trong khối Châu Á- Thái Bình Dương (ngày 4 và 5-9 tại Phuket, Thái Lan) diễn ra đúng lúc vấn đề tỉ giá so với đồng đôla Mỹ đang gây sôi nổi từ các nền kinh tế phía bên này Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc chưa "thả nổi" đồng nhân dân tệ. Giữa hai con voi này, các nước Châu Á sẽ nghiêng về con voi nào?

z3RcG6i1.jpgPhóng to
Một người đàn ông Trung Quốc trước tấm bích chương thể hiện lá cờ Trung Quốc cùng những đồng tiền xu nhân dân tệ tại cuộc triển lãm công nghệ ngân hàng tại Bắc Kinh ngày 4-9-2003
Hội nghị các bộ trưởng tài chính thuộc 21 nước trong khối Châu Á- Thái Bình Dương (ngày 4 và 5-9 tại Phuket, Thái Lan) diễn ra đúng lúc vấn đề tỉ giá so với đồng đôla Mỹ đang gây sôi nổi từ các nền kinh tế phía bên này Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc chưa "thả nổi" đồng nhân dân tệ. Giữa hai con voi này, các nước Châu Á sẽ nghiêng về con voi nào?

Cái “đinh” của hội nghị là câu hỏi: “Liệu Trung Quốc (TQ) có ấn định lại tỉ giá để cho đồng nhân dân tệ lên giá hay thả nổi cho lên giá theo chiều hướng thị trường không?”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Snow đã ghé đây với cùng câu hỏi sau khi dừng chân ở Bắc Kinh và Tokyo để hợp lực với Nhật cố thuyết phục TQ thay tỉ giá để làm giảm thu xuất khẩu của họ và giúp Mỹ lẫn Nhật cải thiện cán cân mậu dịch. Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng có lời khuyến cáo tương tự khi nhận định mức dự trữ ngoại tệ ngày càng lên cao của TQ.

Cái giá của đồng nhân dân tệ

Nhưng qua những lời tuyên bố chính thức hay trong hành lang hội nghị, rõ ràng TQ chưa muốn làm ngay chuyện này. Một phần vì lý do chính trị không muốn tỏ ra bị lệ thuộc áp lực chính trị của Mỹ sau chuyến viếng thăm “xã giao” của ông Snow hay trong kỳ hội nghị APEC này.

Phần khác vì chính lý do kinh tế là sau vài tháng vừa qua thất thu ngoại tệ - nhất là về du lịch - do dịch SARS, TQ muốn giữ nguyên tỉ giá thấp này ít lâu để tiếp tục bán hàng mạnh và gây thêm ảnh hưởng chiếm lĩnh thị trường và đầu tư FDI, nhất là với các nước ASEAN.

Điều rõ rệt nhất là với chính sách này TQ lại càng là môi trường hấp dẫn FDI nhất vì ngoài các cơ hội đầu tư nước ngoài và tiềm năng xuất khẩu cao sẵn có, nay lại có thêm triển vọng thu lợi tài chính nếu đồng nhân dân tệ lên giá trong tương lai.

Và điều trớ trêu là dòng chảy tư bản càng vào nhiều thì áp lực lên giá cho đồng nhân dân tệ lại càng cao. Vòng luẩn quẩn này chỉ có lợi cho TQ: họ sẽ là con voi khổng lồ về kinh tế trong tương lai gần.

Thay vì đổi tỉ giá lúc này, TQ và các nước châu Á nhấn mạnh việc cần áp dụng ngay một “chế độ tỉ giá” mềm dẻo thích hợp để thị trường sẽ tự ấn định các tỉ giá trong tương lai giống chế độ thả lỏng của các đồng euro và yen, hay theo chế độ thay đổi linh động hơn do ấn định tỉ giá theo một “rổ ngoại tệ” (currency basket) thay vì chỉ định giá theo đôla Mỹ mà thôi.

Giữa 2 con voi

Các nước châu Á cũng đặt lên bàn việc thành lập Quĩ Tiền tệ châu Á (Asian Monetary Fund - AMF) theo mô hình hoạt động của IMF nhưng với thể thức linh động hơn và phù hợp quyền lợi của các nước trong vùng hơn IMF - vốn vẫn bị coi là nằm dưới áp lực và nhằm phục vụ các quyền lợi của Mỹ và khối Tây Âu. Nhật và TQ sẽ đặc biệt đứng sau đề án này vì họ sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn.

IMF cũng đã lên tiếng ủng hộ thay vì chống đối kịch liệt ý kiến này như trong dạo khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, với điều kiện - theo lời tuyên bố của giám đốc IMF - là AMF sẽ là cơ chế hỗ trợ thêm các phương tiện tài chính cho IMF chứ không nhằm tách riêng châu Á ra khỏi các liên lạc tài chính với khối Âu Mỹ.

Nhưng bên lề các cuộc thảo luận chính thức về tài chính, giới quan sát viên quốc tế thấy rõ mối ưu tư chung là các vấn đề kinh tế vùng và thế giới rộng lớn hơn, như tăng cường các liên lạc kinh tế vùng; vai trò của một “cộng đồng các nền kinh tế châu Á” với sức mạnh kinh tế được coi là sẽ ngang ngửa hay hơn cả Cộng đồng châu Âu trong tương lai không xa; và vấn đề hội nhập kinh tế với ảnh hưởng chính trị và quân sự “độc tôn” của con voi Mỹ đi kèm theo sự xuất hiện ngày càng rõ nét của con voi kinh tế mới TQ và các cố gắng mới gây ảnh hưởng chính trị trong vùng.

Hai vấn đề đầu trên đây cho thấy mối lưu tâm chung để đi đến việc thiết lập khối mới ASEAN (gồm mười nước) + TQ + Nhật Bản + Hàn Quốc hùng mạnh để tạo thế chân vạc với hai khối kinh tế khác trên thế giới là châu Âu và Mỹ + Canada + Mexico.

Vấn đề thứ ba mới là chuyện nhức đầu chiến lược cho chuyến họp thượng đỉnh sắp tới của APEC vào tháng mười tại Bangkok. Con voi Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mối quan tâm hàng đầu về nạn khủng bố quốc tế và thuyết phục sự ủng hộ của APEC. Trái lại, con voi TQ sẽ nức lòng về những thành công kinh tế của mình và lo xây dựng một hình ảnh lãnh tụ kinh tế vùng bên cạnh Nhật Bản. Các nước châu Á có thể sẽ tự đặt câu hỏi: nên nghiêng về voi nào lúc này, Hoa Kỳ hay TQ?

Thật ra, với nhiều nước châu Á, câu trả lời không nhất thiết phải là chọn lựa bên nào. Chính sách ngoại giao uyển chuyển khéo léo từ nhiều năm của chính nước chủ nhà Thái Lan có thể là một bài học quí. Tăng cường các mối quan hệ chính trị, kinh tế và cả quân sự với Hoa Kỳ sẽ giúp các nước châu Á có được đòn bẩy quan trọng và thế mạnh để duy trì quan hệ và ngay cả mối giao thương tốt đẹp với TQ. Nhất là sẽ giúp duy trì hòa bình và các tương quan ổn định dài lâu cho lục địa này.

Chính sách mới của Nhật Bản đặc biệt lưu tâm đến ASEAN cũng không ngoài mục đích này. Nó sẽ khiến chính Hoa Kỳ đặt lại ASEAN lên một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao vốn ngắn hạn theo chu kỳ bầu cử tổng thống của họ.

GS PHẠM ĐỖ CHÍ (Phuket, Thái Lan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên