08/02/2023 14:52 GMT+7

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng nói sẽ giảm lãi vay

Chưa có một giải pháp tín dụng rõ ràng được đưa ra tại hội nghị tín dụng bất động sản sáng nay (8-2), các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục kêu khó tiếp cận vốn, phía ngân hàng chỉ nói sẽ giảm lãi vay.

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng nói sẽ giảm lãi vay - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ chuyển 17 ý kiến của doanh nghiệp bất động sản lên Thủ tướng - Ảnh: B.NGỌC

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng một giải pháp tín dụng từ phía Ngân hàng Nhà nước, nhưng kết luận cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết các ý kiến của doanh nghiệp, ngân hàng tại hội nghị sẽ được tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức thêm một hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bà Hà Thu Giang, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:

Dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 là 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua với tỉ lệ nợ xấu 1,81%. Tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tăng nhẹ trong năm 2022 từ mức 1,67% vào cuối năm 2021.

'Room tín dụng hạn chế đẩy lãi vay bất động sản tăng cao'

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes, đề xuất xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì duy trì tỉ lệ tài sản bảo đảm như các khoản vay thông thường.

Ông Hoa nêu ra 3 vướng mắc về tín dụng bất động sản hiện nay:

- Mục đích vay vốn, liên quan đến mục đích mua bán hay đặt cọc, chuyển nhượng phần vốn góp và cổ phần trong các công ty đầu tư dự án và hoạt động M&A - các ngân hàng không tài trợ cho hoạt động này và quy vào diện cho vay mua cổ phiếu, cổ phần và bị hạn chế.

- Trong đầu tư bất động sản có nhiều chi phí phát sinh, nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng giải ngân như chi phí giải phóng mặt bằng. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tốt thì có thể huy động vốn để tài trợ cho các chi phí ban đầu này. Nhưng hiện tại việc huy động vốn qua kênh trái phiếu gặp khó, nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét.

- Về lãi suất vay vốn, theo ông Hoa, bất động sản đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200%. Nhưng bất động sản với các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì không quá nhiều rủi ro so với các ngành kinh doanh khác. Vì vậy, lãi suất cho vay cao hơn các ngành nghề khác sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khách hàng. Việc hạn chế room tín dụng cho vay bất động sản cũng bị hạn chế đẩy lãi suất cho vay tăng lên.

Cũng theo ông Hoa, vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỉ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.

Ngân hàng Nhà nước nên xem xét các dự án có đầy đủ cơ sở pháp lý thì duy trì tỉ lệ tài sản đảm bảo như các khoản vay thông thường trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoa đề nghị làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Đồng thời kiến nghị bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng.

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng nói sẽ giảm lãi vay - Ảnh 3.

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ nhiều vướng mắc trong vay vốn đầu tư kinh doanh bất động sản - Ảnh: B.NGỌC

Đại diện Novaland đề nghị cho doanh nghiệp bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ

Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Đỗ Thị Phương Nam, giám đốc phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland, cho biết tháng 11-2022 cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Novaland đã kết hợp với một hãng luật và Công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young để tiến hành tái cấu trúc.

"Khi tái cơ cấu nợ với các tập đoàn quốc tế, chúng tôi thuyết phục họ đây là "rủi ro hệ thống nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời", hay đây là "rủi ro thị trường" để tiến đến tái cơ cấu các khoản nợ, giải quyết trong êm đềm, không rơi vào tình trạng không trả được các khoản nợ đến hạn, dẫn đến vi phạm các khoản vay" - bà Phương Nam nói.

Novaland cho biết đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Đại diện Novaland cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các chủ trái phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng nói sẽ giảm lãi vay - Ảnh 4.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói nhiều doanh nghiệp bất động sản chết vì không có dòng tiền - Ảnh: B.NGỌC

Năm 2023 là thử thách sự sống còn của doanh nghiệp bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản.

Đó là thông tư 08 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước giới hạn huy động tín dụng ngắn hạn cho vay dài hạn, hiện nay là 34%, từ 1-10 tới còn 30%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm nhưng vẫn chịu bảo lãnh rủi ro khoản vay lên tới 200%.

Ông Châu nhận định năm 2023 là năm khó khăn nhất, khắc nghiệt nhất, thử thách sự sống còn của doanh nghiệp bất động sản.

Để gỡ vướng cho thị trường bất động sản, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỉ đồng trước đây.

Về room tín dụng, ông mong Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng chỉ đạo của thống đốc hồi đầu năm là tăng trưởng 14% và trường hợp cần thiết tăng lên.

Tuy nhiên, từ phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho rằng gói 30.000 tỉ cho vay bất động sản là gói tái cấp vốn trong bối cảnh rất đặc biệt, chứ Ngân hàng Nhà nước không cấp vốn cho nền kinh tế như vậy.

Doanh nghiệp bất động sản kêu khó tiếp cận vốn, ngân hàng nói sẽ giảm lãi vay - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank, cho rằng ngân hàng cũng đang rất khó khăn trong cho vay bất động sản - Ảnh: B.NGỌC

Sẽ giảm lãi vay trong năm 2023

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank, thông tin tính đến hết ngày 31-12 dư nợ bất động sản chiếm trên 20% tổng dư nợ cho vay ngân hàng.

Trong năm 2022, tín dụng cho vay bất động sản của Vietcombank tăng 17% so với năm 2021. Những dự án khả thi, người dân có nhu cầu mua nhà vẫn được ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng.

"Vietcombank cho vay bất động sản theo đối tượng khách hàng, có tới 90% khách hàng vay mua bất động sản là cá nhân, chỉ 10% cho doanh nghiệp vay" - ông Dũng nói.

Vị này cũng chia sẻ, hiện tín dụng cho bất động sản đến từ hai nguồn ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lĩnh vực bất động sản cần vốn dài hạn, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng văn phòng.

Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ riêng, đặc biệt là phát triển thị trường trái phiếu để hỗ trợ hệ thống tín dụng trong cung ứng vốn trung, dài hạn cho đầu tư bất động sản.

Ông Dũng tiết lộ: "Ngay trước cuộc họp, tôi và các ngân hàng thương mại lớn đã thống nhất với nhau việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế, trong đó có đầu tư kinh doanh bất động sản".

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank, nêu vấn đề: "Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đang ngồi trên chiếc thuyền ba lá chứ không phải thuyền lớn, nếu chèo không khéo thì lật thuyền, tất cả cùng ướt. Chúng tôi muốn cùng các anh chị vượt qua khó khăn hiện nay trong khuôn khổ pháp luật cho phép".

Đại diện VietinBank cũng khẳng định duy trì tín dụng cho vay bất động sản là sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua: "Doanh nghiệp bất động sản đang có một đống tài sản lớn, cần bán đi để cơ cấu nợ, và vấn đề các anh bán giá bao nhiêu thôi, đáng nhẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi, như vậy ngân hàng cũng sạch nợ".

Đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản phía Nam, ông Châu đáp lại rằng giờ các doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án cũng không bán được.

Doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh và nợ ra sao năm 2022?Doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh và nợ ra sao năm 2022?

Trong bối cảnh thị trường gặp thách thức, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải gồng mình cầm cự, tìm cách xoay xở dòng tiền. Bên cạnh kết quả kinh doanh sa sút, khoản nợ phải trả cũng tăng lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên