27/09/2022 05:31 GMT+7

Điều dưỡng thâm niên 10 năm lương 5,7 triệu đồng, làm sao nuôi con?

TRẦN BÌNH AN (Hà Nội)
TRẦN BÌNH AN (Hà Nội)

TTO - Tôi rất đồng cảm với các bài viết về lương thấp của đội ngũ y bác sĩ trên Tuổi Trẻ. Bản thân tôi đang công tác trong ngành y tế phải gánh gồng từng ngày để vượt qua khó khăn và thiếu hụt về kinh tế.

Điều dưỡng thâm niên 10 năm lương 5,7 triệu đồng, làm sao nuôi con? - Ảnh 1.

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tôi tốt nghiệp đại học chính quy, ngành điều dưỡng, thời gian công tác trong ngành y đến nay cũng bước sang năm thứ 10. Thật buồn khi phải chia sẻ rằng với số tiền lương vỏn vẹn chỉ 5,7 triệu đồng mỗi tháng, tôi lo đủ cho mình còn chưa xong, chứ đừng nói đến nuôi con cái. Mọi gánh nặng về kinh tế trong gia đình chỉ đành nhờ cậy vào chồng tôi.

Tôi chẳng biết chế độ lương, đãi ngộ ở các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân chứ thu nhập như tôi dù có lòng yêu nghề, nhiệt huyết tới mấy cũng rất lo, phải đủ thu nhập để chi dùng cho gia đình, chăm sóc tốt cho các con thì mới có thể nghĩ đến quá trình phấn đấu và nỗ lực được.

Y bác sĩ cũng có hàng tá hóa đơn, các khoản tiền phải chi trả mỗi tháng, và đương nhiên cũng phải ăn uống, chi tiêu như bao người. Áp lực của nhân viên y tế bây giờ không những chỉ là công việc, mà còn là áp lực về thời gian. 

Trước đây, lương thấp nhưng công việc của bác sĩ ở mức độ vừa phải nên nhiều người lựa chọn ở lại gắn bó, để có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng hiện tại, bác sĩ phải làm đêm, tăng ca liên tục không biết cuối tuần là gì hay nghỉ ngơi ra sao.

Hiện nay, mức phí để trả cho một đêm trực cấp cứu 24h cũng chỉ khoảng 115.000 đồng. Số tiền ít ỏi này chưa đủ để chúng tôi có thể ăn đủ ba bữa, mua thêm cà phê uống để tỉnh táo trực cả đêm. 

Tôi tự so sánh thì thấy công nhân khi tăng ca thứ bảy, chủ nhật còn được nhà máy xem xét tính lương gấp đôi. Bản thân tôi cứ đi trực đêm về đến hai, ba hôm sau vẫn rất mệt mỏi và căng thẳng. Và khi chưa kịp phục hồi sức khỏe lại tới ca trực mới.

Đó là chưa kể đến việc phải bỏ con nhỏ 12 tháng tuổi ở nhà để đi trực, nếu như không có ông bà hoặc người thân ở gần hỗ trợ, tôi chẳng biết phải xoay xở thế nào.

Cậu tôi là bác sĩ đi làm liên tục gần 25 năm. Cách đây 5 năm, cậu tôi đã lấy bằng tiến sĩ y khoa, hiện là trưởng khoa của một bệnh viện trung ương nhưng mức lương cứng hiện tại của cậu dưới 6 triệu đồng. 

Thu nhập hai vợ chồng cậu không đủ thuê nhà, nuôi hai đứa con, nên làm mãi vẫn không dám ra riêng, đành phải ở nhờ nhà ông bà. Để có thêm thu nhập, sau giờ làm cậu tôi phải chạy hàng chục km đến chăm sóc người bệnh tại nhà.

Sinh viên theo học đại học y dược phải mất khoảng thời gian dài gần 6 năm đào tạo trong khi phần lớn các bạn theo học những đại học khác chỉ có 4 năm. Sau khi ra trường, nếu chỉ chờ vào lương, thu nhập của bác sĩ thậm chí còn kém hơn rất nhiều ngành khác.

Tôi biết không ít y bác sĩ dù đã tận tụy cống hiến trong ngành hàng chục năm nhưng vẫn có thu nhập rất thấp, phải chi tiêu dè sẻn. Qua giai đoạn dịch bệnh, đội ngũ nhân viên y tế rất vất vả. Nhiều người đồng cảm và công nhận sự cố gắng của chúng tôi.

Tuy nhiên, ngoài sự ghi nhận ấy, chúng tôi cũng cần được chi trả một mức lương xứng đáng hơn, để không phải hằng tháng bất an vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, yên tâm cho công tác phục vụ và cống hiến.

Thu nhập không tương xứng với đóng góp của họ

Khi đọc những thông tin về mức lương rất thấp của bác sĩ, giáo viên tôi cảm thấy rất chạnh lòng. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng phải khẳng định rằng bác sĩ và giáo viên là hai nghề quan trọng, đóng góp lớn cho tiến trình phát triển của xã hội. Thế nhưng, thu nhập chưa tương xứng với những đóng góp xã hội của họ.

Tôi hiện là một bác sĩ y học cổ truyền đang công tác tại bệnh viện một tỉnh phía Nam. Thời điểm đầu khi tôi bắt đầu công tác chỉ nhận được mức lương chưa đầy 2 triệu đồng một tháng (0,85x2,34) và không có phụ cấp suốt chín tháng. Chuyên hỗ trợ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Nhiều người không tìm hiểu thực tế cứ thản nhiên cho rằng nếu lương thấp, bác sĩ có thể mở phòng mạch, giáo viên dạy thêm nên có thu nhập cao hơn, đừng viện cớ than thở lương thấp!

So với các ngành nghề khác, chỉ cần tốt nghiệp đại học rồi đi làm, người học ngành y phải mất những bảy năm rưỡi dùi mài đèn sách và đi thực tập, đôi khi chẳng có nổi một đồng phụ cấp. Người có thu nhập cao là thiểu số. Y bác sĩ trong hệ thống y tế công đang phục vụ cho hơn 80% dân số với thu nhập thậm chí không đủ sống, họ xứng đáng được đồng cảm và chia sẻ.

Nếu ai cũng vì mức lương cao mà làm, các bệnh viện công lập sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Không phải bác sĩ nào cũng có mức thu nhập tốt từ việc làm bên ngoài hoặc làm thêm giờ.

Tôi cho rằng nếu lương của đội ngũ bác sĩ cũng như giáo viên được tăng lên thì hiệu quả công việc sẽ được cải thiện. Việc trả lương đúng năng lực cho công chức sẽ giúp cho xã hội phát triển công bằng hơn, bộ máy y tế, giáo dục trong sạch hơn.

Trên thực tế, nếu chúng ta nhìn sang các nước phát triển khác trên thế giới, lương của bác sĩ luôn đặc biệt cao. Tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đa chiều, công tâm hơn với nghề y và nghề giáo thay vì cứ mê mải phê phán và chỉ trích những tiêu cực trong thái độ làm việc của một số cá nhân. (TRẦN XUÂN HIỆP)

Nhân viên y tế làm đủ nghề để... nuôi nghề Nhân viên y tế làm đủ nghề để... nuôi nghề

TTO - Là người hiểu rõ áp lực mà các nhân viên y tế đang phải trải qua, điều dưỡng Nhi chia sẻ rằng quyết định từ bỏ nghề nghiệp cống hiến bao năm không đơn giản, hẳn cũng là sự cân nhắc suy nghĩ rất lớn.

TRẦN BÌNH AN (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên