05/10/2022 14:05 GMT+7

Đề xuất cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát là do số tiền phải thu hồi rất lớn song người phải thi hành án không có tài sản hay tài sản giá trị thấp.

Đề xuất cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong - Ảnh: PHẠM THẮNG

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có báo cáo gửi các đoàn đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, cử tri TP.HCM và Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để những cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.

Cử tri tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM kiến nghị quy định khung hình phạt cho các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn; hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ. Đặc biệt cần quan tâm đến thu nhập của cán bộ không tương xứng với tài sản hiện có của họ.

Trả lời các nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề lớn trong khắc phục hậu quả các vụ án tham nhũng.

Cùng với phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản liên quan phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.

Ngoài ra khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, thiệt hại. Nhờ vậy kết quả thu hồi tài sản tốt hơn nhưng đây vẫn là một trong những hạn chế.

Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là số tiền phải thu hồi rất lớn song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu...

Ngoài ra còn có vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn...

Từ đó Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Qua đó phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh đến việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường)...

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Để việc thu hồi tài sản đạt hiệu quả, tránh tẩu tán tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng các cấp, ngành cần phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Hiện Chính phủ đã ban hành nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quyết định phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thanh tra Chính phủ đang xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia này trong phạm vi cả nước.

Thanh tra Chính phủ cho hay Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn nghiên cứu, đề xuất cơ chế xử lý hình sự với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về đề nghị xử tử hình với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về đề nghị xử tử hình với tội phạm tham nhũng kinh tế lớn

TTO - Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ luật hình sự năm 2015 đã có quy định về việc áp dụng hình phạt tử hình đối với trường hợp tham ô, nhận hối lộ với giá trị tài sản 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên