18/08/2022 14:12 GMT+7

Đăng ký xét tuyển đại học: Nhiều rủi ro khi đăng ký giờ chót

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo nếu thí sinh đợi đến hạn cuối mới "khớp lệnh" thì khả năng xảy ra rủi ro vì nguy cơ nghẽn mạng rất cao, thậm chí mất đi cơ hội xét tuyển đại học.

Đăng ký xét tuyển đại học: Nhiều rủi ro khi đăng ký giờ chót - Ảnh 1.

Giải đáp thắc mắc tuyển sinh cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm 2022 là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và đào tạo hoàn toàn theo hình thức trực tuyến. 

Số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và đào tạo cho thấy đến hôm qua 17-8, khi chỉ còn đúng ba ngày nữa là hết hạn đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, nhưng vẫn còn gần một nửa số thí sinh chưa nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Để hệ thống không bị quá tải do thí sinh tập trung đăng ký xét tuyển vào những ngày cuối và có thời gian kiểm tra, rà soát dữ liệu, thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký"

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo)

Coi chừng mất cơ hội xét tuyển

Có lẽ chưa năm nào Bộ Giáo dục và đào tạo nhiều lần yêu cầu các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo truyền thông để thí sinh chủ động đăng ký xét tuyển như mùa tuyển sinh năm nay. 

Ngày 16-8, Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục gửi công văn cho các đơn vị yêu cầu tăng cường truyền thông, khuyến cáo, nhắc nhở thí sinh thực hiện đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất đi cơ hội xét tuyển.

Theo ThS Lê Văn Hiển - phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM, thời gian qua Bộ Giáo dục và đào tạo nhiều lần khuyến cáo, thí sinh phải thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước hạn cuối 17h ngày 20-8 để tránh các rủi ro về kỹ thuật. 

Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo điều 8 của quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống).

"Sau khi đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng (trong thời gian quy định) không giới hạn số lần. Sau 17h ngày 20-8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển. Khi đó nếu thí sinh chưa đăng ký, điều chỉnh hay nhập nguyện vọng lên hệ thống thì coi như tự tước đoạt quyền lợi của mình", ông Hiển nhấn mạnh.

Trong khi TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), dưới góc nhìn chuyên môn và kinh nghiệm trong tuyển sinh - cũng cho rằng khuyến cáo của bộ là hết sức quan trọng nên thí sinh cần đặc biệt lưu ý.

"Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của bộ thay đổi qua từng năm nên có thể chưa được "thử lửa" qua những lần lượng lớn thí sinh tăng đột biến cùng đăng nhập đăng ký xét tuyển. Nếu hàng chục ngàn thí sinh đều đợi đến hạn chót mới đăng ký trên hệ thống thì khả năng xảy ra sự cố về đường truyền, gây nghẽn mạng và nhiều lỗi kỹ thuật… gây ra nhiều khó khăn cho thí sinh khi thực hiện quy trình đăng ký xét tuyển.

Năm nay, bộ bắt buộc thí sinh khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình và nộp lệ phí theo quy định. Do vậy, thí sinh không nên để sát thời hạn mới đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí, sẽ đầy rủi ro và thậm chí không được công nhận trúng tuyển dù đã đủ điều kiện trúng tuyển", ông Khang lưu ý.

Còn 3 ngày cuối, thí sinh cần làm gì?

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng thực tế trong cuộc sống, nhiều người có tâm lý hay thói quen chờ "nước đến chân mới nhảy", gây ra không ít rắc rối cho khổ chủ. 

"Trong đăng ký xét tuyển cũng vậy, không ít thí sinh nấn ná, chờ đến giờ chót mới thực hiện. Đăng ký xét tuyển trực tuyến năm nay bắt buộc thí sinh phải thực hiện đúng, đủ quy trình.

Theo yêu cầu, thí sinh phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng và ghi chính xác mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp xét tuyển… Nếu để đến sát thời gian hết hạn mới đăng ký thì rất dễ xảy ra sai sót, nhầm lẫn, ảnh hưởng kết quả xét tuyển", ông Hạ cảnh báo.

Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức thu lệ phí xét tuyển trực tuyến, nhưng hiện thí sinh vẫn chưa thấy chức năng nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống. 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết thời điểm thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đối với các nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8 (đối với các nguyện vọng theo phương thức xét tuyển khác, thực hiện theo quy định của các trường).

Đến thời điểm đó, hệ thống mới mở chức năng này để thí sinh vào nộp lệ phí. Bộ Giáo dục và đào tạo cũng quy định thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng, chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống xét tuyển chưa chấp nhận đăng ký của thí sinh.

Trong khi đó, theo bộ phận tuyển sinh các trường đại học, hiện nay nhiều thí sinh và phụ huynh nghĩ rằng sau khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển xong vẫn phải chờ đóng lệ phí xét tuyển. Do vậy có thể đợi đến lúc đăng ký nguyện vọng và nộp lệ phí cùng lúc cho tiện.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng hiểu như vậy là hoàn toàn sai vì theo quy định, sau khi thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đến 17h ngày 20-8. 

Bước tiếp theo là thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống xét tuyển của bộ, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8.

"Như vậy, sau khi thí sinh đã đăng ký xét tuyển mới có thể thực hiện bước tiếp theo là nộp lệ phí xét tuyển. Để tránh các rủi ro về kỹ thuật, thí sinh không để đến sát thời gian hết hạn mới thực hiện nộp lệ phí. Nếu chưa đăng ký nguyện vọng trong thời gian quy định thì thí sinh sẽ không được đăng ký lại nữa và coi như mất cơ hội", ông Nhân nhấn mạnh.

Thí sinh phải kiểm tra thông tin đã đăng ký, điều chỉnh

Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên sau khi đăng ký xong, thí sinh cần thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh có thể vào mục: "Tra cứu > Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển" để xem thông tin chi tiết, nếu thí sinh đăng ký đúng, cột "Thứ tự NV" sẽ hiện ra thứ tự nguyện vọng đã đăng ký.

Trên hệ thống cũng hỗ trợ thông tin để biết thí sinh đã đăng ký đúng nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển hay chưa, biết số thứ tự nguyện vọng đã đăng ký.

Infographic: Gần hết hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh lưu ý gì? Làm gì sau khi trúng tuyển? Infographic: Gần hết hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh lưu ý gì? Làm gì sau khi trúng tuyển?

TTO - Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành và nhà trường nhắc nhở thí sinh những điểm cần ghi nhớ, thực hiện đúng để tránh rủi ro dẫn tới mất cơ hội xét tuyển.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên