27/05/2023 17:37 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Tôi đăng ký visa trực tuyến cũng bị 'treo'

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho hay khi ông đăng ký visa trực tuyến, hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo nên mất rất nhiều thời gian. Ông đề nghị cần nâng cấp hệ thống tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội: Tôi đăng ký visa trực tuyến cũng bị treo - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nâng visa lên 3 tháng sẽ thu hút khách du lịch

Nêu ý kiến tại tổ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ rất ủng hộ cấp visa điện tử và đây là điều quan trọng khi đang chuyển đổi số.

"Hiện các nước cũng đang mở rộng diện cấp visa thị thực điện tử, bởi tạo điều kiện cho công dân khắp mọi miền của thế giới tiếp cận được.

Có người không có điều kiện đến các cơ quan đại diện hoặc chúng ta chưa có cơ quan đại diện thì họ có thể tiếp cận được vào để đăng ký, nhập cảnh vào Việt Nam", ông Sơn nói.

Ông cũng cho hay hiện chúng ta đang cấp visa điện tử cho khoảng 80 nước, sau khi sửa luật, thông qua, sẽ mở rộng gần như tất cả các nước.

Việc nâng thời hạn visa lên 3 tháng, có giá trị nhiều lần, tăng thời hạn cư trú đối với người nhập cảnh thuộc diện đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày, ông Sơn cho rằng rất phù hợp.

Bởi theo ông Sơn, các nước thiếu lao động, muốn thu hút khách thì bao giờ họ cũng điều chỉnh chính sách nhập cư. Ông dẫn ví dụ Canada, nếu có con học, sẵn sàng cấp visa 10 năm để đi lại nhiều lần.

Do đó, bộ trưởng cho biết khi nới thời gian lưu trú và visa thì khách nước ngoài sẽ có nhiều thời gian ở Việt Nam hơn.

Thay đổi chính sách với visa tới giờ mới làm là muộn

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng thay đổi chính sách với visa tới giờ mới làm là muộn, thay đổi sớm thì tốt hơn.

Ông nêu thực tế: năm 2019, thời điểm trước dịch, Việt Nam đạt 19 triệu khách quốc tế, trong khi đó Thái Lan là 25 triệu. Năm 2022 Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi sau dịch là 5 triệu khách quốc tế, kết quả chỉ đạt 60%. Nhưng Thái Lan đạt 11 triệu, Malaysia hơn 9 triệu khác.

"Tức là phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm. Ngay từ năm ngoái Thái Lan có nhiều chính sách gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú hay tạo điều kiện cho khách nhập cảnh qua hình thức trực tuyến… trong khi Việt Nam chưa triển khai được những việc này", ông nêu.

Ông Hùng chỉ rõ 3 tháng đầu năm, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam đạt 3,7 triệu khách, nhưng mục tiêu 8 triệu khách năm nay là thách thức.

“Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng. Tại sao du lịch Việt Nam có khoảng cách xa như vậy với các nước xung quanh?”, ông Hùng đặt vấn đề.

Dự luật giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết danh sách các nước được mở rộng thời gian lưu trú, đăng ký visa trực tuyến. Ông Hùng đề nghị “mở rộng nhiều nhất có thể các nước được áp dụng các quy định này”.

Bên cạnh đó, ông đề nghị cơ quan quản lý cải thiện hệ thống đăng ký visa trực tuyến vì công dân Việt Nam cũng gặp khó khi đăng ký.

“Ngay bản thân tôi khi đăng ký visa trực tuyến cũng gặp tình trạng hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo nên mất rất nhiều thời gian. Nên khi mở cho người nước ngoài, cần nâng cấp hệ thống tốt hơn, tránh tạo ra rào cản”, ông nói thêm.

Chính thức trình Quốc hội nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 thángChính thức trình Quốc hội nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng

Đại tướng Tô Lâm nêu rõ Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi luật để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên