05/06/2023 17:12 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: 'Nhiều đại gia đều có ngân hàng đứng sau, cần xử lý sở hữu chéo'

Cần có quy định chặt chẽ để xử lý tình trạng sở hữu chéo của ngân hàng, tránh rủi ro tiềm ẩn cho toàn hệ thống cũng như đẩy nhanh xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều đại gia đều có ngân hàng đứng sau, cần xử lý sở hữu chéo - Ảnh 1.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy nêu quan điểm về việc cần có quy định rõ hơn về xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 5-6, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra những khuyến nghị trên. 

Nhiều nguy cơ khi sở hữu chéo

Dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nhận định việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính.

“Vụ việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) diễn ra vào tháng 10 năm ngoái là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu”, ông Đồng nói và cho rằng đây là lý do cần thiết để sửa Luật Các tổ chức tín dụng.

Đi vào vấn đề cụ thể, ông Đồng nhấn mạnh sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống. Đơn cử như rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu).

“Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực, mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính”, ông Đồng phân tích.

Hay rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan, việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

“Chẳng hạn như BaoVietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc bà Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB; Tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank; nhóm cổ đông tại ACB...", ông Đồng dẫn chứng.

Hiện có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay nên ông Đồng lo ngại nếu giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án “sân sau” của mình.

“Cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt, hạn chế những vụ việc quy mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính. Đặc biệt sau sự việc SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây”, ông Đồng nêu quan điểm. 

Theo đó, ông đề nghị cần rà soát quy định về người có liên quan, tỉ lệ sở hữu cổ phần, nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với các cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài... 

Chưa có giải pháp phòng ngừa sở hữu chéo, xử lý ngân hàng yếu kém chậm 

Đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc cần phải kiểm soát sở hữu chéo trong tổ chức ngân hàng, đại biểu Đặng Ngọc Huy - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi - chỉ ra thực trạng là ngoài câu chuyện của SCB hay Vạn Thịnh Phát, có nhiều doanh nghiệp mà đằng sau đại gia là ngân hàng.

“Tôi thấy nhiều đại gia nhà mình đứng sau đều có một ngân hàng. Tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm, song Luật Các tổ chức tín dụng chưa có phòng ngừa” - ông Huy nói.

Thêm nữa, việc một số ngân hàng đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có ba ngân hàng 0 đồng, hai ngân hàng yếu kém, nhưng xử lý chậm trễ. Đơn cử như ba ngân hàng 0 đồng đã đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận nhưng quá trình chuyển giao rất chậm.

Theo ông Huy, quy định đưa ra là can thiệp đặc biệt, nếu không thì sẽ chuyển sang phá sản hoặc chuyển giao bắt buộc. “Nhưng các ngân hàng hiện tại 0 đồng có cái nào phá sản đâu. Tôi cũng đọc báo cáo đang cơ cấu sẽ cho phá sản nhưng chưa thấy phá sản" - ông Huy chỉ ra và đề nghị với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt cần áp dụng thông lệ quốc tế, tránh sự can dự sâu của Nhà nước. 

Rút tiền hàng loạt ở ngân hàng, khi nào Ngân hàng Nhà nước can thiệp?Rút tiền hàng loạt ở ngân hàng, khi nào Ngân hàng Nhà nước can thiệp?

Cần làm rõ việc tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch, cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên