06/12/2022 09:13 GMT+7

Công nhân xoay xở tìm việc cuối năm

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Tuần đầu tiên sau khi chính thức nghỉ việc ở công ty cũ, nhiều công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) đã xoay xở đi tìm việc mới. Các cơ quan chức năng cũng khẳng định đang có các biện pháp hỗ trợ cấp bách.

Công nhân xoay xở tìm việc cuối năm - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (Đồng Tháp) ngưng việc do công ty thiếu đơn hàng từ đầu tháng 12 vẫn bám trụ ở TP.HCM nhận gia công đồ chơi em bé tại nhà trọ để cải thiện thu nhập, sáng 5-12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Người đã đi làm tạp vụ tại một công ty, người thì nhận hàng làm thêm tại nhà, người đang chờ gọi vào làm công ty mới.

Căn phòng trọ nhỏ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy Dung (28 tuổi, quê Đồng Tháp) ngổn ngang với mấy thùng hàng chị nhận về nhà làm. "Mấy bữa nay tôi lấy hàng từ nhà người quen về làm để có đồng ra đồng vô. Nhưng chắc chỉ làm được 2 - 3 bữa nữa là bên đó cũng hết hàng. Tôi tính về quê ít bữa với con rồi lên tìm việc sau", Dung vừa tỉ mẩn làm hàng vừa trò chuyện.

Công ty cho nghỉ việc do thiếu đơn hàng nên mấy ngày nay Dung chạy xe từ Bình Tân qua Bình Chánh lãnh hàng là chong chóng đồ chơi treo trên nôi cho trẻ em về nhà làm. Tiền công mỗi cái là 1.000 đồng, ngày nào chăm chỉ làm từ sáng tới khuya thì được 180.000 - 200.000 đồng. 

Hai vợ chồng chị đều làm công nhân, hai đầu thu nhập coi vậy chia ra vừa khít: chị đóng tiền trọ, tiền chợ búa; anh gửi về quê cho ông bà ngoại đang nuôi giúp đứa con nhỏ 5 tuổi, gửi chút ít về cho ông bà nội. Mất việc ngoài dự kiến nên bây giờ "có gì làm nấy".

Quanh công ty cũ của Dung treo không ít băng rôn tuyển dụng của các công ty khác nhưng tìm việc mới với công nhân không dễ, nhất là dịp sắp Tết này. Như trường hợp chị T.B. (42 tuổi, quê Trà Vinh). 

"Người ta cũng tuyển nhưng chỗ thì xa, chỗ thì không đúng ngành nghề mình làm không biết có làm được không. Chồng đi làm lốp xe ở gần đây, con trai đang gửi học ở đây, đâu có chuyển vào Gò Vấp, Thủ Đức làm được. Tôi làm ở đây 15 năm rồi, đi làm chỉ đi bộ nên đâu có xe. Muốn đi làm xa phải mua xe máy, nhưng không có tiền mua", chị T.B. chia sẻ.

Công nhân xoay xở tìm việc cuối năm - Ảnh 2.

Công nhân thất nghiệp tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) làm hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, sáng 5-12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Với nhiều công nhân đã làm may lâu năm như chị B., nghỉ việc ở tuổi 40 - 50 không dễ để bắt đầu làm một công việc mới. "Việt Tiến cũng tuyển nhưng họ đâu ở gần đây, họ lại làm may áo quần, còn mình thì may da giày, máy móc đâu có giống nhau. Trước giờ tôi may là ngồi máy, giờ công ty khác tuyển thì phải đứng cả ngày, mình đã lớn tuổi không biết có đứng máy nổi không. Nên đâu phải cứ có chỗ tuyển là đi làm được", chị Trần Thị Giúp (46 tuổi) cho biết. 

Mấy ngày nay chị cùng với 2 - 3 chị em khác chung dãy trọ vào chung cư gần đó để tìm việc. "Trong đó thì làm lao công, quét dọn gì đó. Bên đó nói khi nào có việc thì gọi cho mình vào làm", chị Giúp kể.

18 năm làm ở công ty cũ, giờ công ty thiếu đơn hàng cho nghỉ, chị Giúp cũng đang cố gắng xoay xở để tính toán cho những ngày sắp tới. Cha mẹ hai bên đều lớn tuổi, vợ chồng chị phải lo gửi tiền về phụ giúp nên không thể đứt đoạn thu nhập quá lâu. "Cũng phải gói ghém dữ lắm. Phải chi có ruộng đất gì thì còn về quê. Không có ruộng thì về quê giờ đâu biết làm gì", chị Giúp than thở.

Nuôi hai đứa con nhỏ, nên khi công ty cho nghỉ đột ngột vì thiếu đơn hàng, chị Nguyễn Thị Huyền (32 tuổi, quê Tiền Giang) cũng loay hoay đi tìm việc để có tiền trang trải. 

"Chồng tôi làm hồ, hồi tháng rồi ảnh thất nghiệp ở nhà, mới đầu tháng này mới bắt đầu đi làm lại thì tới lượt tôi thất nghiệp. Hai vợ chồng nuôi hai đứa con, đứa lớp 5, đứa mới 16 tháng tuổi nên chật vật lắm. Tôi đang chờ được gọi đi làm ở một công ty khác cách đây 4 - 5 cây số. Trước giờ không đi xe máy nên giờ đi làm phải đi xe buýt", chị Huyền kể.

Kết nối tìm việc cho người lao động

Những ngày này, nhiều người lao động Công ty TNHH Tỷ Hùng đã quay lại công ty để được hướng dẫn chốt sổ bảo hiểm xã hội và làm thủ tục thất nghiệp. Nhiều cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cũng đã đến công ty để trực tiếp hướng dẫn, tư vấn thủ tục cho người lao động, đồng thời phát tờ rơi tuyển dụng, tư vấn việc làm mới.

Bà Lê Thị Kiều Phượng, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, cho biết thời gian gần đây đơn vị này đã tìm đến các doanh nghiệp cắt giảm lao động, trực tiếp đưa thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vào các công ty để có thể tuyển dụng trực tiếp, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới.

"Trung tâm cũng rà soát, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp có chính sách tốt để giới thiệu vào tuyển dụng tại các doanh nghiệp có cắt giảm lao động. Gần đây nhất 18 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đã được đưa vào một công ty ở Củ Chi có kế hoạch cắt giảm 1.400 lao động. Mặc dù đến ngày 5-12, công nhân mới kết thúc làm việc ở đây nhưng chúng tôi vẫn tổ chức kết nối trước để khi vừa nghỉ làm là công nhân có thể tìm được chỗ làm mới", bà Phượng cho biết.

Các thông tin về các sàn giao dịch kết nối việc làm do trung tâm tổ chức trong thời gian tới cũng được thông tin đến người lao động để họ có thể tham gia.

Đề xuất Chính phủ cho phép dùng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ việc làm

gioi thieu viec lam HN 1(Read-Only)

Giới thiệu việc làm trực tuyến cho lao động mới mất việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Nếu cứ cắt giảm đơn hàng, doanh nghiệp lại sa thải người lao động thì ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Bởi sau khi có đơn hàng trở lại, việc gọi công nhân quay lại sẽ khó.

Ông Phan Văn Anh (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)

Theo lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động, nguồn lực cho vay giải quyết việc làm cho người lao động cần được đẩy mạnh.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 (khoảng 3.000 tỉ đồng) để thực hiện ngay trong năm 2022.

Như vậy tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỉ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch được giao theo nghị quyết số 11). Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, tìm nguồn để tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động (chuyển nguồn kinh phí còn dư của các chính sách đã cơ bản kết thúc trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sang cho vay giải quyết việc làm).

Bên cạnh đó các sở LĐ-TB&XH địa phương cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao các trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc để rà soát, tổ chức nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, dự kiến cắt giảm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đơn vị FDI. Cơ quan chức năng cần hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN cho người lao động mất việc làm, đặc biệt là công tác tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Anh, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết dự kiến trong tuần này, chậm nhất tuần tới, Tổng liên đoàn, Bộ LĐ-TB&XH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ có cuộc họp đánh giá cụ thể tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cắt giảm đơn hàng, số người lao động khó khăn, từ đó xác định nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ, kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo ông Anh, qua báo cáo, đến đầu tháng 12-2022, có khoảng 600.000 người lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Ông nhận định diễn biến tình hình rất phức tạp, khó lường. Tổng liên đoàn Lao động đã chỉ đạo công đoàn các cấp làm việc với người sử dụng lao động tạo điều kiện cho công nhân, người lao động bị cắt giảm đơn hàng, được hỗ trợ lương, thu nhập và tính toán giải pháp nghỉ luân phiên để giữ chân lao động.

Tổng liên đoàn cũng chỉ đạo các cấp công đoàn làm việc với các địa phương, sở, ban, ngành nắm bắt doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để giới thiệu người từ đơn vị giảm đơn hàng. Vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai, số lượng lao động được tổ chức công đoàn giới thiệu làm lại khoảng 40 - 50%.

Ngoài ra, ông Anh khẳng định để hỗ trợ công nhân trong ngắn hạn, liên đoàn sẽ tổ chức mở 22 phiên chợ Tết công đoàn năm 2023 cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là ở khu công nghiệp, khu chế xuất tại 22 địa phương đông công nhân, địa bàn khó khăn. "Phiên chợ Tết công đoàn triển khai ngay từ ngày 15-12 cho đến Tết. Không có sự phân biệt TP.HCM, Đồng Nai hay Hà Nội, Hà Giang mà triển khai đồng thời toàn quốc", ông nói. (HÀ QUÂN)

Miền Tây tìm việc cho người trở về

TD-061222-Lao-dong-mat-viec-mien-tay

Tình hình lao động mất việc ở miền Tây - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không chỉ các doanh nghiệp tại địa phương gặp khó khăn đơn hàng chọn phương án cho người lao động nghỉ việc, giảm giờ làm, các cơ quan chức năng ở miền Tây còn tính toán thêm các phương án lo cho người dân mất việc từ tỉnh thành khác trở về trong dịp sát Tết.

Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh và các địa phương rà soát, nắm tình hình người dân Sóc Trăng đi làm ăn ở các tỉnh thành trở về địa phương do bị mất việc làm. Trên cơ sở này báo cáo tỉnh và đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Trước mắt Sóc Trăng đề nghị các doanh nghiệp tùy điều kiện, khả năng của mình sớm tiếp nhận lao động bị thất nghiệp từ các tỉnh, thành phố trở về vào làm việc, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 25.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tập trung tại các khu công nghiệp của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. "Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chủ động rà soát, nắm chặt tình hình để kịp thời thông tin danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đến những lao động để họ chủ động tìm việc.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn chỉ đạo các bộ phận đẩy mạnh việc giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, tăng cường triển khai các hoạt động tư vấn việc làm để người lao động sớm quay lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống" - ông Từ Hoàng Ân, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, nói về giải pháp đang làm để giúp người lao động.

Tu van lao dong An Giang 1(Read-Only)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho hàng trăm người lao động tại huyện Tri Tôn - Ảnh: MINH KHANG

Tại Đồng Tháp, ông Thái Bá Việt - trưởng Phòng lao động, việc làm, bảo hiểm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp - cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tạo mọi điều kiện cho người lao động đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời tăng tần suất tổ chức các sàn giao dịch việc làm; đề nghị các địa phương vận động người lao động tích cực tham gia tìm kiếm việc làm.

Tại Long An, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp rà soát, bố trí lại quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng cường đào tạo, đào tạo lại người lao động, sắp xếp lại tổ chức, nhân sự, chủ động duy trì thị trường hiện có và phát triển thị trường mới để khai thác đơn hàng cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp phải ngừng việc hoặc cắt giảm lao động thì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật lao động.

UBND tỉnh Long An cũng đã ra văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công, lãn công xảy ra.

"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ chỉ đạo trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục tổ chức thêm 12 điểm tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại các địa phương. Ngoài ra đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động tại doanh nghiệp nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động" - ông Châu Văn Ly, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, nêu biện pháp của địa phương.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay qua khảo sát các doanh nghiệp của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng 7.000 lao động, còn khu vực ĐBSCL cần trên 22.000 lao động. Hiện nay An Giang đang đẩy nhanh giới thiệu việc làm cho người lao động vào các công ty, doanh nghiệp.

"Tuy nhiên cái khó là người lao động ưu tiên tìm việc cũ mà họ đã từng làm. Dù địa phương có giới thiệu công việc khác lương cao nhưng họ vẫn chưa đồng ý. Nếu có nhận cũng phải đào tạo lại mà rất ít. Do đó tôi cho rằng thị trường lao động thiếu chứ không phải thừa. Về lâu dài, tỉnh An Giang sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư thêm vào các khu công nghiệp để giải quyết việc làm tại chỗ", vị này nói thêm.

B.ĐẤU - T.HUYỀN - K.TÂM - Đ.TUYẾT - S.LÂM

Ứa nước mắt cảnh công nhân nghỉ việc làm tiệc chia tay ngay trên vỉa hè Ứa nước mắt cảnh công nhân nghỉ việc làm tiệc chia tay ngay trên vỉa hè

TTO - "Thấy cảnh này mà chảy nước mắt. Cố lên, rồi cũng qua thôi", "Cầu mong cho mọi người sớm có việc làm ổn định trở lại". "Thương cho anh chị em công nhân quá. Làm việc vất vả, đến lúc chia tay cũng không có buổi tiệc cho đàng hoàng nữa"...

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên