Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ về nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết mà Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới, năng lực mới cho TP.HCM.

Năm 2017, trả lời Tuổi Trẻ khi Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lúc đó đang là phó thủ tướng Chính phủ mong muốn: "Quốc hội sẽ đồng tình thông qua nghị quyết. Vì tinh thần nghị quyết không chỉ dành cho TP.HCM, mà còn vì sự phát triển chung của cả nước".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 1.

Nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM đang được xây dựng

Sáu năm sau, cũng trước thời điểm Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua nghị quyết mới về cơ chế, đặc thù TP.HCM, trả lời Tuổi Trẻ trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục khẳng định: "Tôi tin tưởng các đại biểu Quốc hội sẽ đóng góp nhiều ý kiến, đồng thuận cao với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để sớm có những chính sách mới thực sự đột phá, vượt trội phát triển TP.HCM. Cơ sở niềm tin đó vẫn là tinh thần: TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 2.

* Sáu năm trước, Chủ tịch Quốc hội đã nói về lý do cần phải có nghị quyết 54 để tạo cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển. Những lý do đó còn đúng khi Chính phủ trình Quốc hội nghị quyết mới không, thưa Chủ tịch Quốc hội?

- Xuất phát từ vai trò TP.HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số, kinh tế - xã hội, đồng thời thể chế hóa nhiều nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã ban hành nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết 54, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả, tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. 

Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Điểm nghẽn trong phát triển thậm chí có phần nghiêm trọng hơn, nhiều nội dung triển khai nghị quyết 54 còn chậm, hiệu quả chưa cao. Điều này cũng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong chuyến thăm và làm việc với TP vào tháng 9-2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 3.

Đầu tàu kinh tế của đất nước có nguy cơ lỡ trớn, mất xung lực tiến lên nếu không có những quyết sách và hành động quyết liệt, nhất là những chính sách vượt trội so với nghị quyết 54. 

Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 31 (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo bước chuyển đột phá để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững. Không chỉ giữ vai trò đầu tàu cả nước mà sớm trở thành trung tâm về nhiều mặt của khu vực và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Như vậy, dù 5 năm trước hay bây giờ, lý do cần thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vẫn không thay đổi. Đó là kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM để đóng góp cho cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 4.

* Như vậy, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không chỉ cần thiết mà còn cấp bách?

- Đúng vậy! Sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của các vùng động lực có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Việc tạo cơ chế, chính sách đột phá, xứng đáng với vị thế, vai trò của TP.HCM rất cấp bách và là trọng trách không chỉ riêng của TP, mà còn của cả nước. 

Nghị quyết 54 sắp hết hiệu lực nhưng TP.HCM còn nhiều việc chưa làm được, nhiều việc hạn chế, còn dở dang, phải tiếp tục tháo gỡ. Nếu không có những thể chế, chính sách đặc thù, vượt trội thì các động lực, dư địa phát triển của TP.HCM sẽ suy giảm.

Nhiều đoàn nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam, hay nhiều địa phương ở các nước Mỹ Latin tôi đến thăm tháng 4-2023 vừa qua cũng quan tâm đặc biệt và mong muốn tăng cường hợp tác với TP.HCM. 

Vì vậy, mặc dù Quốc hội đã có nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023, nhưng trước yêu cầu cấp thiết của thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, TP.HCM đã nỗ lực hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua nghị quyết mới thay nghị quyết 54 theo quy trình tại một kỳ họp ngay ở kỳ họp thứ 5 này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 5.

Quốc lộ 13, đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) quá chật hẹp nhưng hàng chục năm qua chưa thể mở rộng được

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 6.

* Thời gian xây dựng nghị quyết mới không được dài, trong khi các chính sách đề xuất rất quan trọng, bao trùm nhiều lĩnh vực. Liệu có khó khăn gì trong xây dựng chính sách và thực thi chính sách sau này không, thưa Chủ tịch Quốc hội?

- Đây đúng là vấn đề rất cấp thiết, quan trọng, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn giữ nguyên tắc: Các chính sách mới phải được đánh giá kỹ lưỡng tác động về mọi mặt, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp. Không trình Quốc hội những nội dung chưa rõ, chưa chín, không bảo đảm yêu cầu về tiến độ hồ sơ tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 7.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công dang dở đoạn qua huyện Nhà Bè, TP.HCM

Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động làm việc, phối hợp với TP.HCM ngay từ khi bắt tay xây dựng dự thảo và chuẩn bị để hoàn thiện hồ sơ. Đảng đoàn Quốc hội cũng đã hai lần họp, làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, các bộ, ngành liên quan về dự thảo nghị quyết. 

Trong khoảng thời gian không dài, áp lực vô cùng lớn, chuẩn bị rất khẩn trương nhưng rất kỹ lưỡng, chi tiết, công phu, trăn trở, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù toàn diện, đánh giá kỹ tác động… để hoàn thiện bộ hồ sơ dự thảo nghị quyết (với hơn 800 trang). 

Hồ sơ tài liệu cũng được gửi sớm đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thuyết phục các đại biểu trong việc xem xét, biểu quyết thông qua.

Vì vậy, có thể nói, dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Việc ban hành sớm nghị quyết quan trọng này là rất cấp thiết, thể hiện qua sự ủng hộ, đánh giá cao của phần lớn đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 8.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 9.

* Thưa Chủ tịch Quốc hội, quan điểm để xem xét về các cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo nghị quyết như thế nào? Đâu là vấn đề được quan tâm nhiều nhất?

- Việc xem xét các cơ chế chính sách luôn bám sát vào chủ trương của Đảng, nhất là nghị quyết số 24 và 31 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.

Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là các cơ chế, chính sách đề xuất phải đảm bảo tính "đột phá", "vượt trội". Đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo bước chuyển mới mạnh mẽ, khai thác hiệu quả tiềm năng, vị trí chiến lược của TP.HCM. Qua đó thúc đẩy TP phát triển nhanh và bền vững, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP mà mang lại hiệu ứng tích cực đối với cả nước.

Kiên quyết không dùng nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc cá biệt hoặc hợp thức hóa cho những sai phạm, vi phạm hay lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 10.

Tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy trên đường ray đoạn qua TP. Thủ Đức, TP.HCM

* Sau khi thí điểm nghị quyết số 54, đâu là kinh nghiệm cho TP.HCM khi thực hiện nghị quyết mới này?

- Khát vọng, mong muốn có cơ chế để vượt lên khó khăn, kiến tạo động lực phải gắn chặt với năng lực thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự quyết tâm, tìm tòi của TP.HCM. Khi nghị quyết được thông qua nhưng chưa chắc sẽ thành công trong tương lai nếu bộ máy thực thi hạn chế về năng lực, thiếu nhiệt huyết và việc cụ thể hóa chính sách không được chuẩn bị kỹ.

Thực tiễn triển khai nghị quyết 54 cho thấy TP.HCM phải mất một năm đầu để xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, tiếp đó là hai năm dịch COVID-19 bùng phát, nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện cơ chế, chính sách. 

Chính vì vậy, TP.HCM cần rút kinh nghiệm phải có kế hoạch triển khai thực hiện ngay từ khi trình Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 11.

Để mở rộng đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần ngân sách TP chi khoảng 1.123,9 tỉ đồng để triển khai. Đây là dự án cấp bách, trường hợp ngân sách chưa thể cân đối, TP có thể tính đến phương án thực hiện theo hình thức BT trả chậm

Nghị quyết thí điểm có 5 năm thôi, mà có đến 44 chính sách nên phải chuẩn bị thật nhanh để tận dụng thời gian thí điểm. Mỗi một chính sách đều phải có van, khóa, điều kiện, xác định trách nhiệm pháp lý để thi hành. Trong đó phải xác định từng chính sách cần bao nhiêu văn bản, đề mục, ai là người làm, sản phẩm là gì, bao giờ xong và phải có kiểm tra, giám sát. 

Vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành rất quan trọng, nhất là trong điều khoản tổ chức thực hiện giao Chính phủ chỉ đạo rất nhiều việc. Do đó, ngay từ bây giờ cần xác định các danh mục và chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản để tổ chức thực hiện nghị quyết khi được Quốc hội thông qua.

Chúng ta phải nhận thức rằng, TP.HCM không cạnh tranh với các địa phương trong nước, mà là phải cạnh tranh quốc tế. Tương lai của TP.HCM cũng là tương lai của cả đất nước. Cách để dự báo tương lai là phải chủ động kiến tạo ra nó. Và việc ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM chính là cách chúng ta đang từng bước góp phần xây dựng nên tương lai của thành phố và đất nước.

* Xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đã tính kỹ về cơ chế vượt trội cho TP.HCM - Ảnh 12.
VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
QUANG ĐỊNH - GIA HÂN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0