05/06/2023 19:26 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Nghị quyết trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo ngân hàng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết 'nghị quyết trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, mạnh như thế, chứ không nói hạn chế nữa đâu'.

Chủ tịch Quốc hội: Nghị quyết trung ương nêu chấm dứt sở hữu chéo ngân hàng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 5-6, trong đó nói về vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng - Ảnh: Q.P

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi như vậy tại phiên thảo luận tổ chiều 5-6. 

Ý kiến về dự luật này, đại biểu Nguyễn Hải Nam, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lo ngại tình trạng sở hữu chéo ngân hàng và công ty tài chính.

Ông nêu thực tế có hiện tượng lách luật tỉ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vay thông qua "vốn bật tường" từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.

"Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa? Sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, nên cần biện pháp xử lý căn cơ hơn", ông nêu vấn đề.

Ông Nam nêu thực trạng: "Hệ thống ngân hàng hiện nay, sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A ‘phẩy’ hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… Việc này tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo".

Từ đó, ông kiến nghị hai biện pháp khi sửa luật, là tăng trách nhiệm cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng để có thể điều tra chống gian lận tài chính, gian lận trong sở hữu tỉ lệ cổ phần của cổ đông lớn ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: P.T.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại buổi thảo luận - Ảnh: P.T.

Trao đổi sau đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với ý kiến của ông Nam. Theo ông Vương Đình Huệ: "Quan trọng không phải 3% hay 5% mà trong luật các nước, anh có vốn sở hữu các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ báo cáo công khai hết để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng ấy".

Chủ tịch Quốc hội cho biết tuy chưa có luật về tập đoàn tài chính, nhưng thực tế đã hình thành những mô hình tổ chức như tập đoàn tài chính. Cũng có mô hình công ty mẹ con mà công ty mẹ là một tổ chức tín dụng, hoặc một tập đoàn trong đó có một ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn.

"Quan hệ các đơn vị này như thế nào, báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin, công khai báo cáo tài chính như thế nào… đáng lẽ phải có quy định", ông Huệ nhấn mạnh.

Cũng trong phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề xuất có quy định cụ thể về loại hình ngân hàng chính sách xã hội.

Nói về việc này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Có lẽ phải thiết kế một chương quy định một số điều có tính nguyên tắc giao cho Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết hơn. Hiện nay, ngân hàng chính sách hoạt động không có luật này, chủ yếu bằng nghị định. Mỗi ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển có một cái nghị định của Chính phủ".

Theo ông Huệ, dự thảo luật đã đưa vào một số nội dung về xử lý nợ xấu cho loại hình ngân hàng này, nhưng cần quy định tổ chức hoạt động như thế nào. Sau này có điều kiện tách ra thành luật về các ngân hàng chính sách xã hội.

"Nhiều nước bắt đầu cũng có cái sơ khai sau đó tách ra thành luật về tập đoàn tài chính. Mình chưa có luật thì phải có một số khuôn khổ cho việc này", ông Huệ nêu.

Xử lý nợ xấu hiện nay phải khác khi ban hành nghị quyết 42

Trao đổi thêm về vấn đề xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội cho hay nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng như một luật đặc biệt áp dụng trong giai đoạn đặc biệt. Hiện nay, nền kinh tế cơ bản trở lại bình thường nên việc xử lý nợ xấu phải ứng xử bình thường.

Ông Huệ cho hay dự luật đã tiếp thu nhiều ý kiến, nhưng cần phải làm rõ hơn. Ví dụ trước đây, theo nghị quyết 42, một khoản thu được từ xử lý tài sản sẽ ưu tiên đầu tiên cho ngân hàng thương mại, tiếp đó đến nộp thuế và trả cho các đối tượng…

Tuy nhiên trong điều kiện bình thường hiện nay, thứ tự ưu tiên sẽ phải khác chứ không thể nào như thời kỳ trước.

Đại biểu Quốc hội: Đại biểu Quốc hội: 'Nhiều đại gia đều có ngân hàng đứng sau, cần xử lý sở hữu chéo'

Cần có quy định chặt chẽ để xử lý tình trạng sở hữu chéo của ngân hàng, tránh rủi ro tiềm ẩn cho toàn hệ thống cũng như đẩy nhanh xử lý các ngân hàng yếu kém.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên