27/03/2023 08:15 GMT+7

Bước răn đe hạt nhân của ông Putin

Tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus nhằm đáp trả kế hoạch cung cấp đạn uranium nghèo từ Anh đến Ukraine được phương Tây đánh giá như một động thái leo thang căng thẳng nghiêm trọng.

Bước răn đe hạt nhân của ông Putin - Ảnh 1.

Tổng thống Putin (phải) trong cuộc gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ở dinh thự Novo-Ogaryovo (Nga) vào ngày 17-2 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, dựa trên lý thuyết trò chơi - một phương pháp tiếp cận phổ biến dùng trong việc phân tích quá trình ra quyết định hợp lý của những đối tượng trong một bối cảnh không có sự hợp tác, động thái trên của ông Putin nhằm thiết lập "thế cân bằng Nash".

Hai mục tiêu của Nga

"Thế cân bằng Nash" giúp đảm bảo không có bên nào tiến hành tấn công hạt nhân trước để tránh kịch bản tự hủy diệt lẫn nhau.

Đầu năm 2023, đối mặt với sức ép phải thực thi triệt để các lệnh trừng phạt kinh tế - thương mại - công nghệ, đồng thời tăng cường viện trợ khí tài tấn công, tầm xa và có hàm lượng uranium nghèo, các nước châu Âu có khả năng đi chệch hướng so với các tuyên bố "không phải bên trực tiếp tham gia xung đột" và "không sử dụng vũ khí hạt nhân".

Cùng lúc đó, Mỹ cũng đẩy nhanh kế hoạch "nâng cấp kho lưu trữ vũ khí hạt nhân" ở châu Âu bằng việc tăng cường bom trọng lực hạt nhân B61-12, một loại vũ khí hạt nhân chiến lược, vào tháng 12-2022 thay vì đợi đến quý 1-2023.

Đứng trước tình thế "hạt nhân hóa xung đột" và căng thẳng leo thang tiềm ẩn xung đột trực tiếp giữa Nga - NATO (khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), bước đi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của chính quyền ông Putin được cho là biện pháp hiệu quả giúp cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu.

Một là giảm thiểu các rủi ro pháp lý quốc tế. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật được thực hiện trong khuôn khổ đảm bảo:

  • (i) không chuyển giao công nghệ và quyền điều khiển cho Belarus khi phía Nga vẫn trực tiếp quản lý kho vũ khí này nên không vi phạm Hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân;
  • (ii) thực hiện triển khai sau khi Belarus đã hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý nhằm chấm dứt tình trạng quốc gia phi hạt nhân vào tháng 2-2022; và
  • (iii) Nga đảm bảo thực hiện quy trình tương tự như việc Mỹ đang duy trì kho vũ khí hạt nhân chiến lược ở các nước châu Âu.

Hai là răn đe hiệu quả thế trận tăng cường của Mỹ. Trong đó, vị trí đặt kho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus đã giúp kiềm chế khả năng Ba Lan tham gia chương trình "Chia sẻ hạt nhân" với Mỹ trong khuôn khổ NATO như nguyện vọng mà Tổng thống Andrzej Duda từng mong muốn.

Vị trí này cũng răn đe sự hiện diện quân sự tăng cường của NATO tại sườn phía đông châu Âu, đặc biệt khi 10.000 quân Mỹ vừa chính thức được đồn trú ở căn cứ Kosciuszko tại Ba Lan vào ngày 21-3 vừa qua.

Và đến cuối năm nay, khi Nga triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa SARMAT có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân với tốc độ phóng gấp 20 lần tốc độ âm thanh, điều này sẽ tạo nên áp lực tuyệt đối cho phía Mỹ theo đúng học thuyết răn đe hạt nhân của Matxcơva.

Hướng đến "thế cân bằng Nash"

Ngày càng nhiều chỉ dấu cho thấy chính quyền ông Putin muốn thiết lập một "thế cân bằng Nash", trong đó dù đối thủ của họ là Mỹ và NATO không nắm được thông tin chính xác về hoạt động của Nga vẫn không thể ra quyết định theo hướng phi lý trí để dẫn đến một kịch bản leo thang căng thẳng "không thể kiểm soát" và "không thể quay đầu".

Bước đi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus chính là một động thái nền tảng cho "thế cân bằng Nash" lần này khi cùng lúc đảm bảo được cả ba yếu tố:

  • (i) răn đe hiệu quả các bước leo thang mới có phần chệch hướng ổn định chiến lược của Mỹ và phương Tây;
  • (ii) kiện toàn thế trận "bốn mũi giáp công" làm suy giảm ý chí thực thi các lệnh trừng phạt từ châu Âu đến Nga; và
  • (iii) tạo thời cơ cho những quốc gia có mong muốn trở thành trung gian hòa giải (như Trung Quốc) trở thành tâm điểm được ủng hộ của tất cả các bên trực tiếp liên quan đến xung đột.

Trong đó, thế trận "bốn mũi giáp công" của Nga hiện bao gồm các sức ép dành cho châu Âu trong lĩnh vực năng lượng, kim loại quý, lương thực và mới nhất là vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Với một châu Âu đang suy giảm ý chí bởi sức ép từ các lĩnh vực nguyên - nhiên liệu then chốt nhưng họ không có lợi thế, đồng thời phải đối mặt nguy cơ răn đe hạt nhân tăng cường từ phía Nga, thì kịch bản leo thang căng thẳng sắp tới sẽ khó có thể diễn ra vượt quá khuôn khổ "thế cân bằng" hiện tại.

Nhìn chung, với cách tiếp cận "dùng chiến thuật đối phó chiến lược", động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đến Belarus đã đánh dấu một giai đoạn mới trong giai đoạn căng thẳng quan hệ Nga - phương Tây kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ.

Việc cả Nga và khối NATO dần sử dụng hết tất cả các "quân bài" quan trọng của mỗi bên cho thấy diễn biến tình hình chiến sự Nga - Ukraine nói riêng và xung đột Nga - NATO nói chung đều đang đi đến những bước đi cuối cùng nhằm kết lại một giai đoạn mà tất cả cùng chịu thiệt hại.

Ukraine nói gì?

Ông Oleksiy Danilov, cố vấn về an ninh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của Nga sẽ gây bất ổn cho chính Belarus.

"Đây là một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ của Belarus", ông Danilov nói và cho biết thêm rằng quyết định này làm tăng thêm thái độ tiêu cực của công chúng với Nga và Tổng thống Putin trong xã hội Belarus.

Trong khi đó, một quan chức chính quyền Mỹ tỏ phản ứng thận trọng. Vị này lưu ý rằng Nga và Belarus đã nói về thỏa thuận này trong năm qua và không có dấu hiệu cho thấy Matxcơva sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ukraine lên án Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở BelarusUkraine lên án Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Ông Oleksiy Danilov, cố vấn về an ninh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus của Nga sẽ gây bất ổn cho chính Belarus.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên