10/08/2022 13:52 GMT+7

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trước áp lực lên tiếng về vụ khám xét dinh thự của ông Trump

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Sau khi FBI khám nhà ông Trump để thu giữ tài liệu, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland trở thành đối tượng chính cho những chỉ trích của nhiều thành viên Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trước áp lực lên tiếng về vụ khám xét dinh thự của ông Trump - Ảnh 1.

Người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump vẫy cờ bên ngoài resort Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach, Florida, ngày 9-8 sau khi ông thông báo về việc bị FBI khám nhà. Biểu ngữ ghi Bộ Tư pháp, FBI là những tổ chức tham nhũng - Ảnh: REUTERS

Nhiều ý kiến cho rằng lệnh khám xét dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida của ông Trump ngày 8-8 chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt của Bộ Tư pháp.

Vì sao Bộ Tư pháp im lặng?

Cựu tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cáo buộc Bộ trưởng Tư pháp Garland “phá hoại công lý vì động cơ chính trị”.

"Đó là hành vi sai trái của cơ quan tố tụng, vũ khí hóa hệ thống tư pháp và là một cuộc tấn công của các đảng viên Dân chủ cánh tả cực đoan, những người tuyệt vọng không muốn tôi tranh cử tổng thống vào năm 2024" - ông Trump nói. 

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện, ông Kevin McCarthy ở California, cảnh báo Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland sẽ chịu hậu quả sau vụ khám nhà ông Trump. Theo đó, Đảng Cộng hòa dọa khi lấy lại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới, họ sẽ ngay lập tức giám sát Bộ Tư pháp.

Theo báo New York Times, cách phản hồi như thường lệ của ông Garland trước cơn bão chỉ trích và tấn công cá nhân trong lần này là giữ im lặng.

Bộ Tư pháp không xác nhận việc thực hiện lệnh khám nhà của ông Trump ngày 8-8. Các trợ lý của ông Garland cũng không xác nhận ông có liên quan đến quyết định này hay biết trước về vụ khám nhà của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Lịch làm việc của ông Garland trong tuần này không có bất kỳ sự kiện công cộng nào để các phóng viên có thể tiếp cận ông đặt câu hỏi.

Theo báo New York Times, ông Garland đang xử lý cuộc điều tra về các hành động của ông Trump và người ủng hộ ông sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 theo nguyên tắc “không đưa ra phát ngôn có thể ảnh hưởng đến tính chính trực của quy trình”.

Ông đã hạn chế tối thiểu việc đưa ra bình luận với công chúng, tương tự như cách công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III, cựu giám đốc FBI, cư xử trong cuộc điều tra kéo dài hai năm về cáo buộc ông Trump liên hệ với Nga trước đây.

Cách tiếp cận kín tiếng lần này của Bộ Tư pháp giúp tránh khả năng phải mở các cuộc điều tra tương đối công khai hơn như từng xảy ra với ông Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 do ông James Comey, giám đốc FBI thời điểm đó tiến hành.

Bộ Tư pháp có nên lên tiếng?

Tuy nhiên, theo New York Times, việc Bộ Tư pháp giữ thái độ im lặng trong vụ FBI khám xét dinh thự của ông Trump lần này cũng có bất lợi.

Đó là ông Trump và các đồng minh của mình sẽ thu hút toàn bộ sự chú ý của công chúng với những phát ngôn đanh thép tấn công cuộc khám xét của FBI.

Trước đây, khi ông Mueller im lặng trước những lời chỉ trích và không lên tiếng cả khi bị bôi nhọ, điều này đã tạo cơ hội cho ông Trump đưa ra những thông tin một chiều.

Nhiều người cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland nên lên tiếng để bảo vệ mình nhiều hơn.

Bà Tali Farhadian Weinstein, cựu công tố viên liên bang, cho rằng trong phạm vi luật pháp cho phép, đây là dịp giáo dục công chúng tốt hơn về cách hoạt động của ngành tư pháp của một nhà nước pháp quyền.

"Khi ông Trump gọi đây là một cuộc đột kích, tại sao lại không giải thích quy trình ra lệnh khám nhà và ý nghĩa của nó? Thông tin đó đến từ một quan chức nhà nước tốt hơn là một nhà phân tích pháp lý trên truyền hình", bà nêu.

Nhiều cố vấn của ông Trump cho biết họ không rõ chính xác lý do tiến hành lệnh khám xét của FBI, đồng thời cho rằng Bộ Tư pháp đã hành động thái quá.

Cựu phó tổng thống Mike Pence đã kêu gọi bộ trưởng tư pháp có "lời giải thích đầy đủ" về lý do tại sao lệnh khám xét được thực hiện.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng kêu gọi Bộ Tư pháp “giải thích cặn kẽ và ngay lập tức" sau khi các đặc vụ FBI đột kích vào nhà riêng của ông Trump.

Nhà Trắng không biết trước vụ khám dinh thự của ông Trump Nhà Trắng không biết trước vụ khám dinh thự của ông Trump

TTO - Quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden không được thông báo về việc khám nhà cựu tổng thống Donald Trump và chỉ biết sau khi đọc tin tức và mạng xã hội. Thực ra FBI có thể xin lệnh khám xét mà không cần báo với Nhà Trắng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ông Trump