27/03/2023 13:47 GMT+7

Bọ chét hút máu khiến gần 160 người bị viêm da dị ứng

Nhiều người dân bị bọ chét đốt dẫn đến bị viêm da dị ứng, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đang tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, tránh dịch bệnh lây lan.

Bọ chét hút máu khiến gần 160 người bị viêm da dị ứng - Ảnh 1.

Bọ chét đốt gây ngứa, mẩn đỏ dẫn đến viêm da dị ứng - Ảnh: T.H.

Ngày 27-3, ông Nguyễn Thế Phiệt - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) - cho biết đơn vị này đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da dị ứng do côn trùng gây ra.

Khoảng cuối tháng 2-2023, một số người dân ở thôn Phúc Thanh (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) bị một loại côn trùng đốt gây ngứa, gãi xây xát da, mẩn đỏ lan toàn cơ thể. Các bệnh nhân đã đi khám và điều trị tại một số bệnh viện trong và ngoài tỉnh nhưng không bớt.

Nhận được thông tin, ngành chức năng tiến hành điều tra giám sát dịch tễ, bắt và chẩn đoán sơ bộ loại côn trùng xuất hiện tại thôn Phúc Thanh. Qua điều tra ban đầu, có 64 hộ dân với 158 người bị côn trùng đốt gây ngứa, viêm da.

Những người bị côn trùng đốt đều có biểu hiện vết xước da, nổi mẩn đỏ do gãi ngứa. Một số người còn ngứa toàn cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện nhiều côn trùng bám vào đồ dùng, vật dụng trong nhà dân, một số còn bám vào quần áo, da của người dân để cắn đốt.

Kiểm tra kỹ côn trùng có màu nâu đen, thân hình nhỏ hơn hạt gạo và có 6 chân. Ngoài ra, loài côn trùng này còn được tìm thấy bám đậu trên động vật.

Bọ chét hút máu khiến gần 160 người bị viêm da dị ứng - Ảnh 2.

Ngành y tế Hà Tĩnh tiến hành giám sát dịch tễ để xác định côn trùng gây viêm da dị ứng với người dân - Ảnh: T.H.

Thủ phạm là bọ chét hút máu

Ông Nguyễn Hữu Thanh - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, cho biết qua giám sát bước đầu xác định người dân thôn Phúc Thanh bị viêm da dị ứng do bọ chét đốt.

Đây là loài bọ chét chuyên đốt và hút máu súc vật, thường ở nơi có mật độ súc vật đông đúc. Khi nguồn thức ăn thiếu, chúng chuyển sang đốt và hút máu người.

Bọ chét sống ở ngách tường, giường tủ, góc nhà, thường đốt người vào buổi tối và không ưa ánh sáng. Bọ chét đốt sẽ gây ra ngứa tại chỗ, gãi nhiều có thể gây ra bệnh viêm da bội nhiễm; hoặc có thể lây truyền các bệnh nguy hiểm như sốt phát ban, dịch hạch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đã hướng dẫn Trạm y tế xã Thạch Khê thực hiện các biện pháp phòng chống bọ chét hút máu trên người như phun hóa chất tiêu diệt bọ chét, vệ sinh môi trường. Đồng thời khuyến cáo người dân đi khám bệnh sau khi bị bọ chét đốt, đối với những người bị nặng cần nhập viện điều trị.

Theo ông Nguyễn Thế Phiệt, thời gian qua ngành y tế địa phương tập trung phun diệt côn trùng, bọ chét trong toàn thôn nơi xuất hiện ổ dịch, tổ chức khám sàng lọc cho người dân. Những người bị bọ chét đốt xuất hiện các bệnh lý ngoài da cơ bản đều đã ổn định. Hiện chưa ghi nhận thêm các trường hợp bị viêm da dị ứng do bọ chét gây ra.

Bị viêm da cơ địa cần lưu ý gì?Bị viêm da cơ địa cần lưu ý gì?

TTO - Người bị viêm da do tiếp xúc, viêm da cơ địa cần làm gì để hạn chế bệnh tái đi tái lại? Ngoài đi khám, uống thuốc, cần lưu ý gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên