21/09/2003 15:48 GMT+7

Văn học dịch: Hiện trạng đáng buồn!

LÝ ĐỢI thực hiện
LÝ ĐỢI thực hiện

TTCN (TP.HCM) - Các dịch "giả" thì cứ vô tư dịch, còn các nhà dịch (thiệt) thì lo âu báo động. Thị trường sách dịch, nhất là sách dịch văn học, đang ra sao?

Nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu:

Dịch thuật đang nằm trong tình trạng cực kỳ đáng buồn

uDAKfOLw.jpgPhóng to
Nhà nghiên cứu - dịch giả Nhật Chiêu
Khi mới nhìn vào ngăn văn học nước ngoài ở các nhà sách, nếu không am hiểu ta dễ choáng ngợp vì tưởng nó nhiều và đầy đủ; nhưng thật ra chẳng đáng vào đâu. Bởi đa phần là các tác phẩm best-seller hay tác phẩm cũ dịch lại, và thường khá thiên lệch và sao chép.

Ví như tác phẩm của Quỳnh Dao, Hemingway thì được dịch đến phát nhàm. Ví như bản Nghìn lẻ một đêm mới đây, người dịch sau phải đến xin lỗi dịch giả trước vì những cẩu thả của mình. Ví như cuốn thơ Đường mới xuất hiện, ta mừng lắm nhưng lại thất vọng ngay vì chỉ toàn những bài mà các tác giả trước đã dịch, và dịch chẳng có gì mới.

Nói chung dịch thuật đang nằm trong tình trạng cực kỳ đáng buồn; bởi nó manh mún, tản mạn và không có định hướng gì hết. Còn lâu chúng ta mới làm được một cái gì tương tự như "tủ sách văn học thế giới" mà Nga đã làm.

Theo tôi, nếu bản dịch trước còn dùng được thì không nên dịch thêm nữa, vì những tác phẩm đáng để dịch còn quá nhiều và bạn đọc cũng đang cần những bản dịch tác phẩm mới.

Tại sao dịch lại Âm thanh và cuồng nộ mà không dịch Nắng tháng tám - một kiệt tác khác của W. Faulkner. Cho nên dịch đi dịch lại có khi chưa thật cần thiết vì mặt bằng dịch thuật của chúng ta hiện còn quá thưa và yếu kém.

Nhà ngôn ngữ - dịch giả Cao Xuân Hạo:

Có những bản dịch văn học khiến người đọc băn khoăn: không biết người dịch có học qua Tiếng Việt bao giờ chưa?

yumdWFvy.jpgPhóng to
Nhà ngôn ngữ - dịch giả Cao Xuân Hạo
Đầu tiên, phải nói ngay rằng có những bản dịch văn học gần đây khiến người đọc băn khoăn tự hỏi: không biết người dịch có học qua Tiếng Việt bao giờ chưa?

Trong chuyện dịch, nhiều người hay nói đến ba chữ: "tín, đạt, nhã" và nghĩ rằng tín là dịch sát nguyên tác từng chữ. Mà dịch từng chữ ai cũng biết là có nguy cơ sai đến 50%, vì một văn bản dịch luôn có nhiều yêu cầu hơn chuyện từ ngữ.

Theo tôi, nếu bản dịch mà dở hơn nguyên tác đã là không tín - không trung thành rồi. Còn thế nào là đạt, nhã? Dịch một câu chửi tục có cần nhã không? Hình như trong cái công thức ba chữ này "tín" được quan niệm hoàn toàn sai.

Còn chuyện dịch đi dịch lại một tác phẩm nào đó thì cũng bình thường thôi, nhất là những tác phẩm kinh điển. Hoặc vì người sau không thỏa mãn với bản dịch của người trước và muốn dịch hay hơn. Hoặc vì do tình cờ mà dịch trùng nhau.

Ví dụ khi dịch Khải hoàn môn của E. M. Remarque, tôi không biết đã có bản dịch trước đó vì tên nó là Tình yêu bên bờ vực thẳm.

Còn nhớ, khi dịch Chiến tranh và hòa bình tôi mới biết bên Pháp có ông Henri Mongault chê L.Tolstoy không biết viết văn nên ông ta phải sửa lại khá nhiều khi dịch tác phẩm này. Mà sửa nguyên tác thì cũng giống như dịch qua một bản dịch khác, rất khó tránh khỏi những sai lệch và ấu trĩ .

Nhà Hán học - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan:

Phải tuân thủ tinh thần "tín, đạt, nhã"

cgjMDJ0Z.jpgPhóng to
Nhà Hán học - dịch giả Nguyễn Tôn Nhan
Theo tôi, đã là tác phẩm kinh điển, cổ điển thì có dịch nhiều lần cũng bình thường thôi; vì thường mỗi người dịch mỗi kiểu. Mà khi đã có chuyện mỗi người mỗi kiểu thì không nên có khái niệm dịch đi dịch lại (dịch nhiều không có nghĩa là dịch lại); và càng không thể có ý muốn là dịch để hay hơn hay dở hơn.

Một bản dịch (nhất là chữ Hán) đầu tiên phải thuyết minh rõ là dựa theo bản nguyên tác nào; sau nữa phải giới thuyết là dịch để phục vụ ai, vì mỗi giới có mỗi yêu cầu khác nhau (giới nghiên cứu khác giới phổ thông); cuối cùng là phải tuân thủ tinh thần "tín, đạt, nhã" (tín: đúng, đạt: gần sát nguyên tác, nhã: hay).

Có thể nói chúng ta dịch còn quá ít, cũng tác phẩm Đạo đức kinh, bản dịch bạch thoại có hàng ngàn, phương Tây có hàng trăm, chúng ta có khoảng một chục; và nhìn chung người dịch thường hay tỏ ra cao đạo, mà những ai tỏ ra cao đạo thì thường làm chẳng bao nhiêu và dịch chẳng ra gì.

Dịch giả Phạm Viêm Phương:

Chúng ta không có một nỗ lực triệt để trong vấn đề dịch thuật

ZBdyYsUs.jpgPhóng to
Dịch giả Phạm Viêm Phương
Một bản dịch hay phải chuyển tải được nội dung tác phẩm cho thế hệ hôm nay và không phản bội lại nguyên tác. Mỗi bản dịch có một thời gian và không gian sống nhất định, không thể đọc mãi được, cho nên dịch lại là tất yếu.

Còn khi dịch thì chắc chắn phải có phản, vì không có hai ngôn ngữ - hai cách nghĩ - hai nền văn hóa thật sự trùng khít nhau. Song người dịch là chiếc cầu nối, khi ngôn ngữ mẹ đẻ người đó không tốt, lại phải dịch qua bản dịch (dù bản dịch hay) thì mầm mống của thất bại đã bắt đầu và chiếc cầu sẽ tự sụp.

Nhiều người rất ngạc nhiên là tại sao chúng ta đã có một ngôn ngữ độc lập nhiều thế kỷ nhưng lại không có một nỗ lực triệt để trong vấn đề dịch thuật.

Bởi khi không có một tổ chức chung, không có một nhà xuất bản lớn đứng sau thì rất khó để giới thiệu trọn vẹn một tác giả, một vấn đề cụ thể nào. Mà khi không giới thiệu được chuyện của người, thì cũng có nghĩa là không giới thiệu được chuyện của mình; bởi ngôn ngữ vô tình đã bị ngăn cách bởi những giới hạn đơn lẻ.

LÝ ĐỢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    s\u00e1ch d\u1ecbch, nh\u1ea5t l\u00e0 s\u00e1ch d\u1ecbch v\u0103n h\u1ecdc, \u0111ang ra sao?" />