26/09/2003 11:12 GMT+7

Phát hiện kinh thành Thăng Long cổ dưới nền đất Ba Đình

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

Một khối lượng hiện vật khổng lồ với khoảng 4 triệu cổ vật: gạch ngói, cột gỗ lim, hoa văn tượng đá, tiền cổ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê... đã được các nhà khoa học phát hiện khi khai quật khu vực xung quanh hội trường Ba Đình.

eKiUBdKx.jpgPhóng to

Khai quật khảo cổ ở khu hoàng thành (nằm trong khuôn viên của dự án xây dựng nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình)

Một khối lượng hiện vật khổng lồ với khoảng 4 triệu cổ vật: gạch ngói, cột gỗ lim, hoa văn tượng đá, tiền cổ từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê... đã được các nhà khoa học phát hiện khi khai quật khu vực xung quanh hội trường Ba Đình.

Qua khảo sát số hiện vật trên, các nhà khoa học đã phát hiện 5 tầng văn hóa chồng lên nhau ở khu vực Ba Đình: văn hóa tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9), văn hóa thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn.

Lần đầu tiên người ta có thể nhìn thấy tận mắt một phần diện mạo cực kỳ phong phú của các cung điện xưa trong Hoàng Thành thời Lý, Trần, Lê. Qua 14 hố khai quật, các chuyên gia đã làm xuất lộ được nền móng của một cung điện lớn dài 62 mét, rộng 27 mét với 9 gian nhà thuộc thời Lý và thời Trần với hệ thống 40 trụ móng được người xưa xử lý chống lún rất kiên cố.

Điều đáng kinh ngạc là các nhà khảo cổ đã tìm thấy một giếng nước từ thời Lý còn khá nguyên vẹn, đường kính 68 cm, sâu 2,5 mét cùng hai giếng thời Lê. Tiếp đó là dấu tích hai nền móng cung điện thời Lý có chân tảng đá hoa sen, dài 24,5 mét, rộng 20 mét. Đây là di tích cung điện Lý duy nhất ở Thăng Long còn nguyên vẹn: chân tảng hoa sen được xếp đặt ngay ngắn trên các trụ móng cột. Ngoài ra, người ta còn phát hiện hệ thống cống thoát nước thời Lý - Trần và dấu vết rõ nét một con đường rải sỏi dài 27,5 mét.

Tổng số di vật tìm được ước tính trên 4 triệu, chủ yếu là gạch, ngói, các đồ gốm trang trí và tiền cổ. Trong số này, có những viên gạch khắc chữ "Đại Việt quốc quân thành nguyên", chỉ rõ là gạch để xây thành của nước Đại Việt thời Đinh - Lê. Những viên gạch khắc chữ "Lý gia đệ tam Long Thụy Thái Bình tứ niên đạo" cho biết đó là gạch xây cung điện thời Lý năm 1057. Ngoài ra, các di vật khác như vũ khí, các loại tiền đồng, đồ dùng sinh hoạt và đồ trang sức kim loại phản ánh đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa thời đó.

Khu vực phát hiện cổ vật cũng chính là địa điểm dự kiến sẽ xây tòa nhà Quốc hội. Bởi vậy, sẽ có ba phương án giải quyết: di dời số cổ vật trên; giữ nguyên và bãi bỏ phương án xây dựng toà nhà Quốc hội hoặc vẫn xây toà nhà Quốc hội và xây tầng ngầm để lưu trữ hàng triệu hiện vật trên.

Có nên xây dựng nhà Quốc hội ở địa điểm Ba Đình hiện nay?

Không khí phiên làm việc chiều 25-9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) chợt trầm lắng hẳn xuống khi bàn nhiệm vụ thiết kế nhà QH và hội trường Ba Đình (mới). Mặc dù Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã hơn một lần lưu ý nội dung lần cho ý kiến này chỉ tập trung vào công năng của công trình, song những thông tin mới nhất từ cuộc khai quật khu vực Ba Đình đã khiến các ủy viên thường vụ QH nặng trĩu ưu tư: xây hay không xây tòa nhà QH ở địa điểm qui hoạch hiện nay?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết tại một cuộc hội thảo mới đây, gần 20 nhà khảo cổ và sử học đã đề nghị “không xây” để bảo tồn di tích. Trên diện tích khai quật 14.000m2, sâu từ 1-3,5m, hàng triệu hiện vật đã và đang được tìm thấy (với hàng trăm di vật lần đầu tiên đào được ở nước ta). Điều đó chứng tỏ đây là trung tâm hoàng thành thời Lý (xem thêm Tuổi Trẻ ngày 25-9). “Nhưng nếu chỉ cần giữ lại một phần của khu khảo cổ, toàn bộ dự án nhà QH và hội trường Ba Đình (mới) cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng” - ông Quân nói.

Tuy nhiên, hết thảy thành viên Ủy ban thường vụ QH phát biểu chiều qua lại nghĩ khác. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ & môi trường Hồ Đức Việt, chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu đều chung quan điểm “giữ lại khu khai quật”. Theo bà Tâm Đan, hiện đang tồn tại ba phương án: 1 - chuyển tòa nhà QH và hội trường Ba Đình (mới) sang khu vực khác; 2 - chỉ xây riêng nhà QH; 3 - vẫn làm cả hai công trình như thiết kế.

“Cá nhân tôi thiên về phương án một, bởi với hai phương án sau thì chúng ta chỉ có thể giữ được cùng lắm 30% di tích, trong khi đây là di sản nghìn năm Thăng Long có một không hai ở VN. Nhất thiết cần phải bảo tồn cả một hệ hoàn chỉnh để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”- bà Đan tha thiết. Nếu vậy, nhà QH sẽ dịch chuyển đi đâu? Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Phan Quang Trung đề xuất đưa về khu vực hồ Tây, vừa lân cận quận Ba Đình vừa bảo tồn được di tích, lại có thêm không gian thiết kế thay vì chật hẹp như địa điểm hiện nay.

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An cho rằng vấn đề hệ trọng này cần xin ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ QH sẽ có dịp bàn sâu hơn khi kết quả cuối cùng của cuộc khảo cổ được công bố.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên