03/10/2003 10:25 GMT+7

Đường đến trường đại học của cô gái quét rác

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
NGUYỄN TIẾN ĐẠT

TT(Lâm Đồng) - Tin Thái Thị Ngọc Khánh, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng), đậu vào khoa y (lớp dự bị) Trường đại học Tây nguyên kỳ thi năm 2003-2004 đã làm xúc động không chỉ với thầy cô, bạn bè mà còn gây kinh ngạc đối với hàng trăm cô bác kinh doanh buôn bán tại chợ Liên Nghĩa (Đức Trọng). Năm nay mới 18 tuổi nhưng Khánh đã có “thâm niên” sáu năm theo cha quét rác ở đây...

LIowXouU.jpgPhóng to

Ngọc Khánh những ngày đầu nhập học...

TT(Lâm Đồng) - Tin Thái Thị Ngọc Khánh, học sinh lớp 12A5 Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng), đậu vào khoa y (lớp dự bị) Trường đại học Tây nguyên kỳ thi năm 2003-2004 đã làm xúc động không chỉ với thầy cô, bạn bè mà còn gây kinh ngạc đối với hàng trăm cô bác kinh doanh buôn bán tại chợ Liên Nghĩa (Đức Trọng). Năm nay mới 18 tuổi nhưng Khánh đã có “thâm niên” sáu năm theo cha quét rác ở đây...

Đi học là một mệnh lệnh...

Năm 1972, anh Thái Khắc Ba (bố Ngọc Khánh) lúc đó vừa tròn 17 tuổi, rời quê hương Tân Kỳ, Nghệ An lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện ba tháng, anh vào miền Nam chiến đấu tại trung đoàn 812, Quân khu 6, thuộc mặt trận Bình Thuận cho đến ngày thống nhất rồi phục viên.

Năm 1984 anh lập gia đình cùng chị Vi Thị Hợp, dân tộc Tày, lập nghiệp tại huyện Đức Trọng. Được Hợp tác xã Cao Thái lúc bấy giờ cấp cho 500m2 đất thổ cư và 1,5 sào ruộng nước, hai vợ chồng khởi đầu sự nghiệp bằng đôi bàn tay lao động cần cù.

Dù hết sức chịu thương chịu khó nhưng vốn liếng không có, các con còn nhỏ nên gia đình luôn lâm cảnh thiếu thốn, quanh năm không đủ ăn, đủ mặc. Để có bát cơm, manh áo cho sáu nhân khẩu trong nhà không thể trông chờ vào thửa ruộng ít ỏi, anh Ba cùng chị Hợp bươn chải khắp vùng, hễ ai kêu thuê mướn việc gì cũng làm, từ hái cà phê, cào cỏ, trồng rau màu, trộn hồ xây dựng...

Cảm thông trước hoàn cảnh vất vả của người cựu chiến binh, năm 1997 ban quản lý chợ Liên Nghĩa đã ký hợp đồng cho anh chị thu gom rác thải tại khu chợ với tiền công 400.000 đồng/người/tháng. Cũng bắt đầu từ đó, cô con gái lớn Thái Thị Ngọc Khánh mỗi ngày lại theo cha ra chợ quét dọn, phụ giúp đẩy xe ba gác, nhặt nhạnh nào là túi nilông đựng xác súc vật, lòng heo, ruột cá, rác rưởi khắp chợ đưa về nơi tập kết chờ ôtô chở đi.

Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, buổi sáng học ở trường, trưa tranh thủ nấu cơm xong là Khánh vội vàng chạy ra chợ đỡ đần cha mẹ. Buồn tủi nhất là mỗi dịp tết đến, đỉnh điểm là chiều 30, biết bao rác thải dồn dập đổ xuống, dọn chỗ này chưa xuể đã bung chỗ nọ, cật lực vẫn không kịp, mẹ phải về lo mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, để hai bố con ở lại thu dọn, “đón” giao thừa ở chợ đến 5g sáng mông một mới bước chân về...

Giữa năm 2000, người cha trụ cột của gia đình lâm bệnh nặng phải về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) mổ thận đến ba lần. Mẹ con chị Hợp trăn trở, tính toán, vì chị phải theo thăm nuôi chồng, nghỉ chợ thì tiền đâu sinh sống, ba con đứa đang học lớp 10, đứa lớp 7, đứa lớp 3, làm sao hoàn thành công việc dọn vệ sinh ngoài chợ?

SABGOh0c.jpgPhóng to

...đang quét rác tại chợ Liên Nghĩa

Ngọc Khánh xin cha mẹ cho nghỉ học vài năm, khi sức khỏe cha bình phục sẽ học tiếp, gánh vác việc cha đang làm, duy trì nguồn tiền công nuôi sống gia đình. Nhưng Ngọc Khánh đã lớp 10, nhiều năm học giỏi, là niềm hi vọng mai sau thay cha mẹ làm chỗ dựa cho đàn em! Cuối cùng anh chị đành phải bắt Khánh học tiếp, chấp nhận con trai Thái Khắc Linh, sinh 1988, học lớp 7 nghỉ, bởi phần không kham nổi tiền học, phần dành thời gian phụ chị buổi chiều quét rác ở chợ...

Ngọc Khánh hiểu đó là khoảnh khắc đau lòng của cha mẹ, của em; nhưng học tiếp với Khánh đã như một mệnh lệnh để tồn tại và hi vọng, không còn cách nào khác. Và thế là thời gian này người dân đi chợ mua sắm, bán buôn, cứ mỗi chiều khi hoàng hôn buông rủ, lại thấy hai chị em gò lưng dọn rác - đó chính là Ngọc Khánh, Khắc Linh...

Hằng ngày sau khi xong việc ở chợ, tối đến cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ xong, 21g Ngọc Khánh vào bàn học, thông thường 1-2g sáng hôm sau mới ngủ. Nghị lực, ý chí, bản lĩnh đã không phụ lòng người. 12 năm phổ thông Khánh luôn đạt loại giỏi, tiên tiến, nhiều năm thi học sinh giỏi hóa, tin học cấp huyện và ngay năm đầu thi đại học đã trúng tuyển.

Đến trường qua những tấm lòng...

Ngày Ngọc Khánh nhận giấy báo nhập học cuối tháng 8-2003, anh Ba, chị Hợp mừng nhiều, lo cũng không ít vì vỏn vẹn trong nhà còn đúng... 11.000 đồng, lấy gì cho con đến trường? May thay, một số người biết hoàn cảnh anh chị, thương cô bé nết na, chăm học chăm làm, hiếu thảo, cộng với sự quan tâm của nhà trường, Hội Khuyến học huyện, Hội Phụ huynh đã tài trợ Khánh 1,5 triệu đồng và một chiếc xe đạp.

Một người dân giấu tên tìm đến tận nhà trao cho Khánh 500.000 đồng, một cơ sở kinh doanh ở chợ tặng chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 250.000 đồng - những tài sản có thể chẳng nghĩa lý gì đối với gia đình khác, nhưng với Khánh là ước mơ, là tình thương không bao giờ phai nhạt trong ký ức hành trang vào đời.

Chiều 16-9-2003, một ngày trước khi lên xe đò đến Trường đại học Tây nguyên, tôi vẫn gặp Ngọc Khánh quét rác ngoài chợ lồng cùng người cha lam lũ và đứa em trai tội nghiệp. Tranh thủ mấy phút, tôi hỏi Ngọc Khánh tại cầu thang về nguyện vọng, dự tính của bản thân. Em trầm ngâm trả lời trong nước mắt: “Cháu đi là bố mẹ, các em thêm gánh nặng. Cháu chỉ ao ước em Linh sẽ được đến trường năm học này và lúc cháu tốt nghiệp bố mẹ vẫn bình yên. Cháu suốt đời biết ơn tất cả thầy cô, bạn bè, cô bác. Ổn định nơi ở, cháu nhất định tìm việc làm thêm để có tiền ăn học”.

Còn anh Ba thì ngậm ngùi: “Tôi cầu mong sau sáu năm con học trở về, vợ chồng còn sống để nhìn con trưởng thành, lúc đó nếu ông trời đưa đi cũng toại nguyện, yên tâm giao mấy đứa em cho cháu Khánh và nhờ cô bác đùm bọc, che chở...”.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên