07/10/2003 09:07 GMT+7

Phải cùng lo nỗi lo của dân

TRẦN QUỐC KHẢI
TRẦN QUỐC KHẢI

TT - Có nơi một sào lúa nông dân thu được 1,5 tạ thóc thì phải nộp cho Nhà nước và dịch vụ mất 1 tạ, chỉ còn lại 50kg thóc. Nhiều nơi để dễ dàng cho Nhà nước và các tổ chức dịch vụ, họ bắt nông dân nộp bằng tiền, cứ một sào lúa là 200.000 đồng, nếu tính thành thóc thì phải trên 1 tạ/sào. Ấy là chưa kể tiền học cho con trẻ và các loại đóng góp khác ở nông thôn.

x9CeZHWI.jpgPhóng to

Vừa qua, nhân hội nghị bàn biện pháp để thực hiện thu nhập 50 triệu đồng/năm trên 1ha đất canh tác ở đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình, tôi đã có dịp đi thăm một số địa phương ở trong vùng. Qua thực tế tôi thấy rằng: nhiều khó khăn của nông dân ở nông thôn ngày nay cần phải được sớm nhận biết và có biện pháp hữu hiệu giúp nông dân tháo gỡ. Nếu không tình trạng nghèo, đói ở nông thôn khó khắc phục được.

Thực tế ở nhiều nơi mức bình quân ruộng đất chỉ còn một sào (Bắc bộ), tức 360m2 cho một người. Nhiều lão nông nói rằng cách đây 50 năm mỗi khẩu còn được ba sào, nay người đẻ ra nhiều, đất lại không đẻ, nên bình quân ruộng đất cứ ngày một ít đi.

Đã vậy, ruộng đất lại manh mún, có khi một sào ba bốn mảnh cách xa nhau, càng khó khăn cho sản xuất.

Tôi hỏi nhiều nông dân thì họ nói rằng nếu mưa thuận gió hòa thì không đói, nhưng túng thiếu lắm! Gặp năm thất bát thì đói mất một, hai tháng, nhiều hộ không có tiền cho con đi học và trang trải các khoản nợ nần khác, lại chẳng có việc gì làm ra tiền, thế là trong lúc nông nhàn nhiều hộ nông dân đã phải cho con cái nghỉ học đi kiếm việc ở các thành phố.

Và bản thân người nông dân cũng phải vào các đô thị để kiếm tiền, đặc biệt là Hà Nội. Họ buôn gánh bán bưng, làm dịch vụ gánh thuê, chở thuê, trẻ con thì đánh giày, bán báo... mong kiếm lấy vài ngàn bạc để đỡ đần cho gia đình ở quê nhà. Không chỉ phải chịu cảnh vất vả kiếm sống trên đường phố, nhiều khi họ còn bị vây bắt, xua đuổi gắt gao, tịch thu các phương tiện kiếm sống.

Vì vậy, việc cần làm trước tiên là cắt giảm ngay những gánh nặng đóng góp cho nông dân ở nông thôn. Cắt bỏ ngay những khoản đóng góp sai chính sách, bất hợp lý cho nông dân, thẳng tay trừng trị và loại bỏ những cán bộ tham ô, nhũng lạm ở nông thôn.

Và việc này cần làm thường xuyên chứ không thể chỉ làm từng đợt theo phong trào và phải thành thể chế pháp lý. Đầu tư hơn nữa vào các dịch vụ, thủy lợi, làm đất, phân bón để giảm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu, giải quyết ruộng đất và việc làm cho nông dân. Ấy là kế “khoan sức dân để sâu rễ bền gốc” mà giữ lấy nước.

TRẦN QUỐC KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên