11/10/2003 06:24 GMT+7

Mặt trời đêm

KIÊN CHINH - THI NGÔN
KIÊN CHINH - THI NGÔN

TT (TP.HCM) - Bỏ quên những nhọc nhằn sau một ngày kiếm sống, các em đến với lớp học đêm. Ở đấy có bạn bè, thầy cô và biết bao kiến thức mới lạ đang chờ đón các em. Phía cuối ngày, mặt trời đêm tỏa những quầng sáng óng ánh vàng...

HmeEQchH.jpgPhóng to
Bé Lê Kim Lan khoe "đồ nghề" cho năm học mới
TT (TP.HCM) - Bỏ quên những nhọc nhằn sau một ngày kiếm sống, các em đến với lớp học đêm. Ở đấy có bạn bè, thầy cô và biết bao kiến thức mới lạ đang chờ đón các em. Phía cuối ngày, mặt trời đêm tỏa những quầng sáng óng ánh vàng...

1. Chiếc xe đạp bị mất

“Lúc trước, ba anh em con cũng có đi học phổ cập ở Trường Trưng Trắc tận P.15, Q.11. Con vừa trông em vừa đi bán vé số, hai anh ra khỏi nhà từ 4 - 5g sáng, người ra chợ làm cá cho nội, người đi bán vé số. Chiều ba anh em phụ dọn hàng cá, chà sạp, ăn chút cơm rồi đi học luôn. Nhưng bữa hôm đó ai mà ác quá chừng, lấy mất chiếc xe đạp của tụi con dựng trước chợ. Mới đầu tụi con đi bộ, nhưng mà… tới trường mồ hôi ướt áo, bụng đói, chẳng học hành gì được. Đâu được mấy ngày mệt quá không chịu nổi nên nghỉ luôn”.

Đó là câu chuyện của Phan Thị Kiều Oanh, 13 tuổi, bé choắt nhưng rất “già đời”. Số phận không may mắn hằn trên đôi mắt thâm đen vì mất ngủ của cô bé. Nhà có năm anh em, mẹ mất sớm, cha làm nghề “vặt lông gà lông vịt” lương chẳng bao nhiêu, mấy anh em nương nhau sống với bà nội. Oanh học lớp 2, người anh lớn lớp 5, anh nhỏ lớp 4. Ba anh em cùng nghỉ. Con đường học hành của anh em nhà Oanh giống như một con hẻm cụt, tù mù tối.

2. Quyển sách nhà kế bên

Lớp phổ cập của P.8, Q.11, TP.HCM khai giảng ngày 6-10-2003 với tổng số 143 học sinh lớp 1-12. Đoàn phường đã vận động đầy đủ tập trắng, bút viết, sách giáo khoa cũ… để các em có thể yên tâm đến lớp. Thầy cô là những đoàn viên giáo viên trẻ trên địa bàn tình nguyện đứng lớp.

Bạn Lê Ngọc Diễm Thúy (20 tuổi) - thủ thư của Trường tiểu học Lạc Long Quân - cho biết: “Khi tình nguyện đứng lớp phổ cập này mình cũng run lắm. Phải mượn giáo án của mấy anh chị để tham khảo, soạn ra cách dạy riêng sao cho các em dễ học, dễ tiếp thu bài”.

Lê Kim Lan, nhà ở đường Hàn Hải Nguyên, P.8, Q.11 là một trường hợp khác. Hai năm trước, Lan đang học lớp 2 và phụ mẹ rang đậu phộng. Thỉnh thoảng, khi mẹ có “sô” giặt đồ thì Lan cũng ôm thúng đậu đi bán dạo ở những quán nhậu. Nhưng từ khi cha mất, sức khỏe của mẹ sa sút, em cứ bận rộn suốt ngày với quá nhiều việc so với cái tuổi chưa đến 10 của mình. Lan học ngày càng đuối, em bỏ dần, bỏ dần rồi nghỉ hẳn…

Nhà Lan gần công viên Đầm Sen, cứ mỗi lần đi ngang là em lại tì tay lên cổng, say sưa ngắm những hệ thống trò chơi hiện đại, tròn xoe mắt nhìn những người bạn cùng trang lứa áo đẹp váy xinh tung tăng bước vào thiên đường búp bê. Ở đó không có bóng hình của Lan và những người bạn chung xóm với em…

Có một người thường nhìn thấy Lan đứng tần ngần chiều này sang chiều khác: cô Hồng. Gần nhà nên Lan thường chạy sang nhà cô Hồng mỗi khi rảnh để được học ít chữ. Cô Hồng tặng Lan quyển sách tiếng Việt để Lan ôn bài từ từ… “Cô Hồng nói nếu con không muốn làm con nhà nghèo hoài thì con phải biết chữ, phải đi học. Nếu con học giỏi, mai mốt con làm có tiền sẽ được đi chơi Đầm Sen và nhiều chỗ khác nữa…”.

3. Nặng gánh “quai tủ”

Cho tới bây giờ, nhắm mắt lại Trần Lệ Hương, nhà ở đường Thái Phiên, cũng có thể hoàn thành tất cả công đoạn để làm ra một cái quai tủ trong một cửa hàng đồ gỗ trang trí nội thất, bởi suốt mười năm nay cuộc sống Hương gắn liền với công việc này.

Hương 19 tuổi nhưng chưa đọc làu mặt chữ: “Hồi trước em học tới lớp 4, nhưng bỏ lâu quá nên quên mất”. Hương còn một người em, Trần Thái Thành, cậu bé 13 tuổi tay loang lổ màu nhang vì suốt ngày gắn chặt với việc xe nhang của gia đình. Thành một chữ bẻ đôi cũng không biết.

Dì Tư, mẹ của Hương và Thành, mới qua tứ tuần nhưng trông móm mém hom hem vì suốt ngày dang nắng ngoài chợ buôn cò bán vạc, cười buồn: “Nhà chỉ lo chạy ăn từng bữa, tụi nó làm được đồng nào hay đồng đó thôi chứ biết sao giờ…”.

4… Những học trò lấm lem bụi đời

WYfN6udM.jpgPhóng to
Bí thư Đảng ủy P.8 trao tập cho các học sinh
Nhưng tối hôm nay, ba anh em nhà Oanh, bé Lan và chị em nhà Hương... đều có mặt tại sân Trường Chu Văn An (P.8, Q.11). Các em bước vào năm học mới với 12 lớp phổ cập từ lớp 1 - 12 lần đầu tiên tổ chức ngay tại phường.

Oanh hớn hở đưa hai quyển sách giáo khoa còn thơm mùi mực, khoe: “Hai quyển sách này là mua bằng tiền con để dành nhờ bán vé số đó. Hai anh con cũng mua được sách rồi. Con sẽ ráng học giỏi”.

Bé Lan cũng vậy, ôm khư khư chiếc giỏ đệm trên người đến trường. Trong đó là cả một “gia tài” của cô bé: quyển sách tiếng Việt lớp 2 cô Hồng cho, quyển sách toán của thời còn đi học… lớp 1 và tấm bảng con được đổi bằng những bao đậu phộng rang lẫn với mồ hôi của người mẹ.

Riêng chị em nhà Hương còn hạnh phúc hơn. Cô chị đã ra dáng người lớn, cậu em trai cũng đã trưởng thành nên rất… mắc cỡ khi phải ngồi học chung với các em nhỏ hơn. Vì thế, ngày khai trường vẫn đòi mẹ “tháp tùng” vào tận lớp. “Học được chữ nào đời tụi nó bớt khổ chừng đó” - dì Tư vẫn móm mém cười tươi.

Trống đánh tùng tùng, các học trò còn lấm lem bụi đời tung tăng bước vào lớp. Tiếng đọc bài rì rầm rồi vang vang, ấm lòng…

KIÊN CHINH - THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên