27/09/2003 06:28 GMT+7

Những vì sao "Hy vọng" toả sáng

VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM
VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM

TT (Đà Nẵng) - Tin hai em của làng Hi Vọng Đà Nẵng trúng tuyển vào đại học đã gây “chấn động” ngành giáo dục Đà Nẵng. Từ đây làng Hi Vọng - tổ ấm của những trẻ thơ bất hạnh (mồ côi, khuyết tật, khiếm thính...) có thêm sức sống mới. Con đường tri thức của những trẻ thơ ở làng như được tiếp thêm những ngọn lửa để tỏa sáng...

b3nO2iu1.jpgPhóng to
Trần Văn Nhỏ đang tưới cây tại công viên của làng Hi Vọng
TT (Đà Nẵng) - Tin hai em của làng Hi Vọng Đà Nẵng trúng tuyển vào đại học đã gây “chấn động” ngành giáo dục Đà Nẵng. Từ đây làng Hi Vọng - tổ ấm của những trẻ thơ bất hạnh (mồ côi, khuyết tật, khiếm thính...) có thêm sức sống mới. Con đường tri thức của những trẻ thơ ở làng như được tiếp thêm những ngọn lửa để tỏa sáng...

Trần Văn Nhỏ: “Y như cổ tích... thầy ơi!”

Thầy Nguyễn Thuận - phó giám đốc làng Hi Vọng - kể: khi thấy tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển của Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trần Văn Nhỏ đã chạy thật nhanh về làng báo tin. Vừa chạy, Nhỏ vừa hét vang: “Y như cổ tích... thầy ơi!”.

Sinh năm 1985, ở xã Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam) trong một gia đình gồm bốn người con, chưa đầy 10 tuổi, Nhỏ đã lâm vào cảnh mồ côi. Ban ngày Nhỏ đi làm thuê, tối về thui thủi cùng với đứa em gái trong căn nhà chưa đầy 10m2. Quá thương gia cảnh của đứa trẻ làm thuê, lại thấy nó sáng dạ nên ông chủ đã nhận Nhỏ về nuôi, rồi cho em đi học.

Ngày Nhỏ thi đậu vào Trường chuyên cấp II Nguyễn Hiền (Điện Bàn) cũng là ngày em nghe tin mẹ mất. Học ở đây được một năm thì người cha đỡ đầu của em lúc ấy là thầy Nguyễn Công Quế cũng vì gia cảnh khó khăn nên đã bàn với các cấp chính quyền làm thủ tục đưa hai anh em Nhỏ về làng Hi Vọng. Năm 1997 Nhỏ chính thức trở thành thành viên của làng, khi ấy em vừa tròn 13 tuổi.

Vào làng, chẳng mấy chốc em trở thành “thầy giáo” chuyên dạy kèm cho bạn nhỏ trong làng. Sau khi thi đậu cấp II, được sự động viên khích lệ của các mẹ và các bạn, Nhỏ tiếp tục thi vào Trường trung học Thái Phiên. Lại thêm ba năm miệt mài đèn sách với tâm nguyện sau này sẽ trở thành thầy giáo trở về làng dạy học cho các em của mình.

Thi ĐH đạt 22 điểm, vượt 3 điểm so với điểm chuẩn của trường, sau niềm vui “cổ tích” ban đầu, đêm đó Nhỏ không ngủ được. Nhỏ lo lắng biết lấy đâu ra tiền để học đại học?! Nhưng rồi Nhỏ đã có cách chọn lựa “nhập học rồi mình sẽ tự đi kiếm thêm việc để làm, chẳng lẽ ăn bám làng hoài sao được”.

Nguyễn Hữu Công: “Con đã làm được điều... ngoại mơ ước”

nDcSTzkB.jpgPhóng to
Ngoài việc học và lên lớp dạy các em ở làng, Công còn tham gia phụ hồ kiếm thêm tiền chuẩn bị những tháng ngày miệt mài của quãng đời sinh viên
Cũng là quê Điện Bàn như Trần Văn Nhỏ, nhưng Nguyễn Hữu Công lại sinh ra trên mảnh đất Điện Thắng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Khi Công mới 10 tháng tuổi thì người mẹ bị bệnh tim qua đời, ngoại lật đật đưa Công về nuôi bằng nguồn sữa bò bà gom góp mua được từ tiền bán mớ rau, quả trứng. Bố Công lúc bấy giờ rơi vào tình cảnh “nửa tỉnh, nửa mê” của một người mắc chứng bệnh tâm thần, thế là em ở hẳn bên ngoại.

Công còn nhớ như in chuyện cũ. Ngày ấy Công 11 tuổi, ngoài một buổi học ở trường, buổi còn lại em có nhiệm vụ chăn dắt trâu cho ngoại. Ngoại bảo: “Lứa trâu tới ngoại sẽ dành một con, nuôi lớn thì bán trâu đi mà lấy tiền ăn học”. Nhưng nguyện vọng của ngoại đã không thành khi con trâu mà Công vẫn thường chăn giữ không may sẩy thai. Trâu chết mang theo luôn cả niềm hi vọng được cắp sách đến trường của cậu học trò nghèo. Ngoại thì ngày một già đi, trong khi Công chỉ là một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học... Quá thương cháu nhưng biết làm sao, năm 1993 ngoại đành ngậm ngùi đưa cháu vào làng Hi Vọng.

Cuối năm 1998, Công đã làm cả làng Hi Vọng hãnh diện khi kết quả thi cấp II của em đạt số điểm 58. Lên cấp III, Công càng nỗ lực trong học tập với tâm nguyện sẽ trở thành thầy giáo thực thụ, chính qui của làng.

Nhưng ý nguyện đó không thành. Năm thi đầu tiên Công thiếu 1 điểm. Không chán nản, buông xuôi, vừa ôn thi lại đại học, Công vừa đi phụ hồ, giữ xe cho các nhà hàng để kiếm tiền mua sách vở, học thêm. Những lúc rảnh rỗi, Công lại “lên lớp” kèm các em trong làng để chuẩn bị “hành trang” cho các em thi vào cấp II, cấp III.

Công cho biết: “Còn ba tháng nữa là đến ngày thi đại học, lúc ấy mình mới cắp sách về Đà Nẵng học phụ đạo”. Kết quả Công đậu vào Đại học Kinh tế với số điểm 18, cao hơn thang điểm chuẩn 3,5 điểm. Công bộc bạch: “Mình đã giúp ngoại toại nguyện ước mơ. Còn ước mơ của mình là sau này được trở lại làng. Bởi nơi đó những đứa trẻ bất hạnh như mình đang rất cần học thức”.

Chiều 25-9-2003, trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Thuận - phó giám đốc làng Hi Vọng Đà Nẵng - cho biết: “Mặc dù bước vào năm học mới này làng còn phải lo chuyện nhập học cho hơn 160 em đang ở tuổi đến trường, nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng chạy được một số tiền cho hai em Nhỏ và Công làm thủ tục nhập học. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các nhà hảo tâm để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ hai em trong thời gian tới. Có như thế cả Nhỏ và Công mới yên tâm theo học. Bởi theo đúng qui định của làng thì sau 18 tuổi, tất cả các em sẽ được trả lại cộng đồng. Nhưng áp dụng cơ chế ấy cho cả hai em thì làng không nỡ, còn giữ lại thì quả là hơi khó cho làng”.

VIỆT HÙNG - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên