17/09/2003 06:58 GMT+7

Một "Đức" bằng hai "Tiệp"

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT (Đắc Lắc) - Đó là câu nói đùa của anh em công nhân ở Nhà máy thủy điện Đrây H’Linh (Đắc Lắc) khi nói về đồng nghiệp của mình. “Đức” chính là kỹ sư Nguyễn Văn Đức - cán bộ kỹ thuật nhà máy. Còn “Tiệp”?

UohHWmq7.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Văn Đức (phải) cùng chuyên gia người Đức tại công trường Nhà máy thủy điện Đrây H'Linh

"Tiệp" chính là hai chuyên gia Tiệp Khắc - những người sẽ sang VN theo một hợp đồng ký kết với bảng lương 15.000 USD/ người/tháng nếu không có sự hiện diện của Đức.

Năm 1986 sau khi bảo vệ thành công đề tài “Điện khí hóa xí nghiệp” (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), chàng kỹ sư điện Nguyễn Văn Đức quê gốc Quảng Bình khi đó mới tròn 23 tuổi đã xung phong lên vùng sâu Cư Jút, tỉnh Đắc Lắc nhận nhiệm vụ giám sát xây dựng Nhà máy thủy điện Đrây H'Linh - thủy điện lớn đầu tiên ở Tây nguyên lúc bấy giờ, vận hành theo công nghệ Tiệp Khắc.

Gắn bó với nhà máy đến năm 1994, Đức tạm chia tay, trở về đảm trách khâu kỹ thuật của Điện lực Đắc Lắc. Nhưng anh vẫn âm thầm dõi theo “nhịp thở” Đrây H'Linh…

Theo đúng qui trình của nhà sản xuất, sau 10 năm vận hành, thủy điện Đrây H'Linh phải ngừng phát điện để tiến hành sửa chữa. Và lần này những người quản lý đã quyết định cải tạo, nâng cấp nhà máy theo công nghệ của Đức - một công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực điều tốc (bộ phận quan trọng của nhà máy thủy điện).

Khổ nỗi công nghệ mới của Đức lại phải lắp trên một “bộ xương” cũ của Tiệp Khắc nên không đồng bộ. Điều này khiến các chuyên gia người Đức đau đầu. Tính toán mãi, cuối cùng họ yêu cầu phía VN phải tìm thuê chuyên gia Tiệp Khắc - “cha đẻ” của nhà máy về thì lúc đó nhà máy mới có thể vận hành sớm được. Hợp đồng đã được lập, hai chuyên gia Tiệp Khắc sẽ sang VN làm việc trong hai tháng với mức lương 15.000 USD/người/tháng.

Nhưng kỹ sư Đức lại nghĩ khác. Từng sống chết với nhà máy suốt hơn bảy năm trời nên anh rất hiểu qui trình vận hành của các thiết bị. Trong một lần họp giao ban sản xuất, anh mạnh dạn đề xuất “xin được đảm nhận phần việc của hai chuyên gia”.

Đồng nghiệp băn khoăn nhưng Đức thì cương quyết. Sau hơn hai tháng mày mò tự đọc, dịch tài liệu đến nghiên cứu hồ sơ thiết kế, cuối cùng phương án cải tạo hệ thống mạch tự động cũ và thiết kế đấu nối giữa hệ thống tự động cũ (công nghệ Tiệp) với hệ thống tự động mới (công nghệ Đức) được Đức xúc tiến.

Sau gần sáu tuần “hụp lặn” trong hàng ngàn mạch điện lớn nhỏ, kết quả cả hai hệ thống cũ và mới trên cùng một tổ máy đã được Đức thông mạch chính xác với độ an toàn cao khiến các chuyên gia người Đức khâm phục. Số 1 rồi số 2, số 3, các tổ máy lần lượt hoạt động trở lại một cách ổn định.

Nếu chỉ tính riêng số tiền làm lợi từ việc tận dụng thiết bị cũ đến việc rút ngắn thời gian các tổ máy phát điện, số tiền mà Đức làm lợi đã ở con số không dưới 500 triệu đồng VN. Đó là chưa kể đến khoản tiền 60.000 USD phải bỏ ra để thuê hai chuyên gia Tiệp Khắc.

Một bằng khen “Lao động sáng tạo” đã được Tổng liên đoàn Lao động VN tặng cho kỹ sư Nguyễn Văn Đức.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên