25/09/2003 07:13 GMT+7

Kẹt giữa công an và tòa án!

THẾ HƯNG
THẾ HƯNG

TT (TP.HCM) - Ngày 4-6-2003, bà Mai Thị Thanh Trúc, thường trú 287 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM có thư gửi ông Võ Văn Vân, phó Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP.HCM, thắc mắc về việc “từ bỏ quyền sở hữu đối với xe đã bán mà chủ mới không chịu sang tên”.

aCf8dO9a.jpgPhóng to

Đăng ký môtô, xe gắn máy: hiều người phải ra về vì... không được đăng ký lần hai

Bà Trúc cho biết hiện không thể tìm được người mua chiếc xe mà bà đã bán cách nay nhiều năm và hiện tại bà cần có phương tiện đi làm nhưng lại không thể đứng tên chiếc xe khác được.

Bởi thế, khi đọc được hướng dẫn của ông Vân về việc “xe bán rồi, chủ mới không chịu sang tên, chủ cũ có thể ra tòa án nhân dân quận huyện để xin từ bỏ quyền sở hữu” (Tuổi Trẻ ngày 30-5-2003), bà Trúc và nhiều người có chung hoàn cảnh rất vui mừng vì nghĩ rằng từ nay có thể giải quyết được vướng mắc nêu trên.

Thế nhưng khi đến tòa án quận để hỏi rõ thêm về thủ tục xin từ bỏ quyền sở hữu này thì tòa án trả lời “chưa có văn bản hướng dẫn nên chưa thể thực hiện”, mặc dù trong Bộ luật dân sự, điều 257 có qui định: “Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện những hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo qui định của pháp luật”.

Tại sao những đề nghị của người dân về việc từ bỏ quyền sở hữu của mình theo qui định tại điều 257 Bộ luật dân sự lại không được tòa án thụ lý?

Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, bà Hà Thúy Yến, trả lời dứt khoát: “Theo qui định pháp luật hiện hành, chưa có hướng dẫn về việc thụ lý giải quyết từ bỏ quyền sở hữu theo điều 257 Bộ luật dân sự. Do đó, tòa án nhân dân các quận huyện từ chối là đúng qui định”.

Phó chánh tòa dân sự Tòa án nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Triệu cho rằng trong lúc chưa có điều luật nào điều chỉnh việc từ chối sở hữu tài sản, nên giải quyết bằng thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho người dân. Ví dụ ở cấp chính quyền thành phố có thể thành lập hội đồng để tiến hành thủ tục hủy bỏ tài sản với những xe đã bán. Hay những xe bị mất cắp có trình báo thì thuộc thẩm quyền của cơ quan công an. Bà Hà Thúy Yến thì đề xuất nên có một thông tư liên tịch giữa Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết việc này.

THẾ HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên