21/09/2003 15:44 GMT+7

Giá trị văn hóa - tài nguyên du lịch

NGUYỄN HÀNG TÌNH thực hiện
NGUYỄN HÀNG TÌNH thực hiện

TTCN - Du lịch đã góp phần làm thay đổi hình ảnh của đất nước, không chỉ qua công ăn việc làm cho nhiều người dân, giúp ngân sách quốc gia liên tục gia tăng hằng năm, mà còn mang thế giới vào VN, đưa hình ảnh VN ra thế giới. Nhưng điều gì làm nên sự “hấp dẫn VN", đem lại sự lớn mạnh cho nền du lịch, và chúng ta đã làm gì để bảo vệ sự hấp dẫn ấy? Đó là nội dung cuộc trò chuyện của TTCN với bà VÕ THỊ THẮNG - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN.

tvtQkiY6.jpgPhóng to
Múa Lục cúng hoa đăng của Đoàn múa hát truyền thống Huế tại Festival Huế 2002
TTCN - Du lịch đã góp phần làm thay đổi hình ảnh của đất nước, không chỉ qua công ăn việc làm cho nhiều người dân, giúp ngân sách quốc gia liên tục gia tăng hằng năm, mà còn mang thế giới vào VN, đưa hình ảnh VN ra thế giới. Nhưng điều gì làm nên sự “hấp dẫn VN", đem lại sự lớn mạnh cho nền du lịch, và chúng ta đã làm gì để bảo vệ sự hấp dẫn ấy? Đó là nội dung cuộc trò chuyện của TTCN với bà VÕ THỊ THẮNG - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN.

* Thưa bà, nền du lịch nước nhà đã tiến một bước dài chỉ trong một thời gian ngắn…

- … Một bước dài kỳ diệu. Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội cách đây hai khóa, có những đại biểu vẫn còn coi du lịch là một thứ ăn chơi xa xỉ, không tích cực lắm! Còn nay, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu nào cũng đòi hỏi phải quan tâm phát triển du lịch vì nó góp phần phát triển nhanh kinh tế đất nước. Đại biểu quốc hội và chính quyền các địa phương liên tục kêu gọi trung ương đầu tư cho du lịch tỉnh họ.

* Có thể coi văn hóa đã sinh ra du lịch, nuôi sống du lịch, và ngành du lịch đang thụ hưởng những giá trị văn hóa của quá khứ?

- Những giá trị văn hóa cũng chính là tài nguyên du lịch. Chẳng thế mà trong Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch có hẳn một vị thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin. VN đang sở hữu một tài nguyên du lịch quá lớn - đó là một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, những vết tích của quá khứ, một cộng đồng 54 dân tộc mà dân tộc nào cũng đầy bản sắc…

Nói chung ở VN gần như tỉnh thành nào cũng có tài nguyên du lịch. Di tích văn hóa chỉ có sức sống khi thổi du lịch vào.

* Ba năm trước khi trả lời phỏng vấn, bà than: “Nền du lịch chúng ta đang nghiêng về phía chặt ngọn mà không vun gốc”, còn bây giờ thì sao, thưa bà?

- Muốn khai thác thì phải đầu tư, chứ chặt mãi còn gì cái “cây du lịch”! Di tích chỉ mất đi chứ không có thêm. Nhờ nhận thức chuyển biến nên giờ đây tình hình “chặt ngọn” đã bớt đi nhiều; thể hiện ở khắp nơi, địa phương nào cũng tích cực nhắc đến di tích văn hóa, lo gìn giữ di tích. Những con đường vào các di tích được mở, những công trình đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích giờ đây là nhiệm vụ của không chỉ riêng ngành văn hóa mà của cả ngành du lịch.

Ví dụ thành Đồ Bàn (Bình Định) là một di sản tuyệt mỹ, có giá trị to lớn từ nhiều thế kỷ trước, vậy mà sau giải phóng bị phá hỏng. Cho đến khi không khí du lịch tạt vào thì nó mới được “sống lại”: được quan tâm, được rót tiền để trùng tu, đón khách tham quan.

* Thời gian qua ngành du lịch đã đầu tư ra sao cho việc gìn giữ các di sản văn hóa?

- Du lịch đã tác động vào các địa phương, các cơ quan, đơn vị… để gia tăng ý thức gìn giữ giá trị văn hóa của hệ thống di tích, dành nhiều tiền của hơn cho di tích. Ba năm qua ngành cũng đã đầu tư 1.000 tỉ đồng cho việc xây dựng hạ tầng du lịch, trong đó có những hạng mục liên quan đến những di tích văn hóa. Thật ra mức đầu tư hạ tầng như thế chẳng thấm vào đâu so với một khối tài nguyên du lịch khổng lồ trong cả nước vốn còn nhiều bề bộn và rất “khát” tiền.

Kế hoạch đầu tư hạ tầng của ngành cho năm 2004 ban đầu là 1.000 tỉ đồng, nhưng có thể bị hạ xuống còn 500 tỉ đồng và cũng không biết có bảo vệ được con số này không…

ePxi1WBD.jpgPhóng to
Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Võ Thị Thắng
* Cũng đang xuất hiện một thực tế: tình trạng “hàng giả” trong du lịch, tình trạng “sân khấu hóa” lễ hội truyền thống, bôi son đánh phấn lên văn hóa nguyên sơ (như mang cồng chiêng của văn hóa đại ngàn đi trình diễn trên đường phố, đưa vào các sân khấu trình diễn theo “sô” cho du khách).

- Đúng là có tình trạng này nhưng không thuộc các hoạt động do ngành du lịch quản lý. Khi có lễ hội, các đơn vị lữ hành chỉ tổ chức đưa khách đến xem vì đó là cơ hội của… du lịch. Tổng cục Du lịch không bao giờ khuyến khích hay ủng hộ việc “sân khấu hóa văn hóa” truyền thống, bởi mỗi thứ lễ hội, nghi thức văn hóa chỉ có ý nghĩa và phù hợp khi sống trong môi trường và không gian thiên nhiên nhất định.

Chúng tôi càng không muốn “đãi” khách hàng của mình những “đặc sản” kiểu đó. Tuy nhiên thi thoảng cũng xuất hiện những đơn vị làm du lịch vì không hiểu hoặc cố tình lạm dụng kiểu làm du lịch “tô son đánh phấn” cho lễ hội. Những gì đang diễn ra đáng để cho chúng tôi và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa suy nghĩ.

* Lãnh đạo một ngành mang tính hội nhập cao, đòi hỏi hiểu biết sâu rộng mọi lĩnh vực, điều gì đang làm bà trăn trở?

- Có lẽ đó là du lịch đã không phát triển đúng vị trí mũi nhọn của nó. Đã là mũi nhọn thì phải được đối xử như một mũi nhọn. Dẫu có tài nguyên du lịch dồi dào nhưng vẫn phải đầu tư thích đáng thì mới khai thác được. Với kinh phí đầu tư nhỏ giọt như hiện tại sẽ khó tạo ra sản phẩm tốt, đưa du lịch phát triển nhanh hơn, thu hút du khách mạnh hơn.

* Và một nỗi buồn cụ thể nhất là…?

- … Có những cái không tốn tiền để sửa đổi nhưng vẫn tồn tại một cách quá tệ hại: tình trạng vệ sinh, môi trường ở các điểm du lịch. Ví như Đà Lạt là một thành phố du lịch nhưng từ các điểm tham quan cho đến phố phường đều nhếch nhác, dơ bẩn, chỗ nào cũng có thể thấy bao nilông, chỗ nào cũng thấy người ta vứt rác, người ăn xin…

Không chỉ ở Đà Lạt mà đây là tình trạng phổ biến ở tất cả các tỉnh thành, miền ngược cũng như miền xuôi, phố cổ cho đến phố mới, khu dân cư cho đến khu du lịch…

* Xin cảm ơn bà.

NGUYỄN HÀNG TÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên