Hoạ sĩ Việt Hải thương thơ

NGUYỄN QUANG SÁNG 05/10/2003 20:10 GMT+7

TTCN - Đọc Tác phẩm Đặng Ca Việt mới hay té ra họa sĩ Việt Hải không chỉ vẽ tranh, làm bìa sách mà còn làm cả thơ và viết truyện ngắn nữa: 114 bài thơ, 12 truyện ngắn làm nên độ dày trên dưới 300 trang cho quyển Tác phẩm Đặng Ca Việt.

Phóng to
Tranh của họa sĩ Việt Hải
TTCN - Đọc Tác phẩm Đặng Ca Việt mới hay té ra họa sĩ Việt Hải không chỉ vẽ tranh, làm bìa sách mà còn làm cả thơ và viết truyện ngắn nữa: 114 bài thơ, 12 truyện ngắn làm nên độ dày trên dưới 300 trang cho quyển Tác phẩm Đặng Ca Việt.

Họa sĩ Việt Hải làm thơ, viết văn đâu có gì lạ, bởi VN ta có nhiều nghệ sĩ đa tài. Nhạc sĩ Văn Cao không chỉ sáng tác nhạc mà ông còn làm cả thơ, vẽ tranh và vẽ bìa sách. Có nhiều người nói ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là thơ trong âm nhạc và Trịnh Công Sơn còn vẽ cả tranh.

Điều lạ và bất ngờ đối với tôi và một số bạn bè là hoặc ít biết hoặc không biết Việt Hải có làm thơ và viết truyện. Anh làm thơ như để cho riêng anh, vợ con anh, còn truyện thì ký nhiều tên khác nhau, đố ai biết, phần đời này coi như phần “ở ẩn” của anh.

Vợ họa sĩ Việt Hải là nhà thơ Thu Nguyệt, một nhà thơ tài năng với giọng nói riêng. Nếu tôi nhớ không lầm, trong một bài điểm thơ Thu Nguyệt, nhà thơ Chim Trắng kết luận: “Tôi khâm phục!”. Nhà thơ đi trước phục tài nhà thơ đàn em là điều hiếm.

Họa sĩ Việt Hải có lần nói với bạn: “Chẳng lẽ trong một nhà có hai nhà thơ” - có sao đâu, nhưng có lẽ nhà thơ Đặng Ca Việt muốn đứng “sau lưng” nàng cho vui! Anh “ở ẩn” về thơ và văn nhưng sau khi anh ra đi thì nó phát sáng.

Tôi đang ngậm ngùi trước sự ra đi của anh thì bỗng bật cười khi đọc mấy câu thơ của anh:

"Thế kỷ hai mươi có gã điếc

Mần thơ bút hiệu Đặng Ca Việt"

Tôi bật cười vì chữ mần của anh. Bật cười vì nhớ khi tỉnh Đồng Tháp tu bổ lại con đường An Hữu đâm qua Cao Lãnh, để từ Sài Gòn về khỏi phải qua bắc Mỹ Thuận và bắc Cao Lãnh; bắt đầu từ ngã ba An Hữu đi vào hai bên đường mọc nhiều quán xá, nhiều cửa hàng dịch vụ, trong số các cửa hàng ấy có một cửa hàng của các cô “cắt móng tay móng chân”. Trước cửa hàng có treo một bảng quảng cáo viết tay “Móng tay, móng chưn - mần hết”.

Mỗi lần nhớ đến bảng quảng cáo đó là tôi bật cười; bây giờ gặp lại chữ mần trong thơ Đặng Ca Việt - đúng là tính chất con người của anh: nghiêm chỉnh, giản dị theo cách của người Đồng Tháp trong lời ăn tiếng nói và cũng “liếng khỉ” lắm, liếng khỉ cả trong ngôn ngữ, trong màu sắc và nét vẽ.

Đọc hơn 100 bài thơ của Việt Hải, có bài tôi muốn chia sẻ với anh. Trong bài Thương thơ anh luôn trăn trở về thơ; không phải “yêu” là “thương”. Không chỉ thương cho thơ của mình, thơ của vợ mình mà thương cho cả số phận của nền thơ đất nước. Bài thơ, tập thơ in nhiều nhưng thơ thì rất ít. Thơ đang thời hẩm hiu; anh là người của tấm lòng thơ.

Tôi với Việt Hải có một sự trùng hợp, nếu không nói thì không ai biết.

Vào những năm 1977-1978, tôi có việc phải đến Phòng Văn nghệ, Sở Văn hóa Đồng Tháp. Đến nơi, tôi giật mình: phòng văn nghệ Đồng Tháp chính là căn phố ngày xưa tôi đã từng ở.

Sau hơn 30 năm trở về, tôi rất dễ nhận ra căn phố này vì nó nằm cạnh bên ngôi chùa, trước sân chùa có hai cây da. Chùa có nuôi hai con vượn chuyền qua chuyền lại hai cây da suốt ngày; ai đi qua cũng dừng lại xem hai con vượn. Hai con vượn chết tự lúc nào nhưng hai cây da thì vẫn còn.

Căn phố này xưa là tiệm vàng; chủ tiệm là bạn của ba tôi mà tôi gọi là bác Chín (bác Chín Đố). Cuối năm 1945 đến đầu năm 1946, tôi đến làm công ở tiệm, với nhiệm vụ tính tiền mua bán vàng cho bác Chín. Tất nhiên tôi có một chỗ ngủ trong căn phố này.

Rồi tôi đi bộ đội; sau đó bác Chín và cả gia đình bác đã bỏ tiệm vàng đi kháng chiến. Bác là huyện uỷ viên huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, sau này bác Chín hi sinh…

Năm 1988, khi họa sĩ Việt Hải kết hôn cùng nhà thơ Thu Nguyệt, Phòng Văn nghệ đã phân cho vợ chồng anh một căn phòng khiêm tốn trong căn phố này.

Biết được chuyện, tôi với Việt Hải bỗng gần nhau hơn.

Với tôi, Việt Hải còn có một điều lạ; không phải vì anh làm thơ, viết truyện mà lạ vì anh đọc nhiều, nghe nhiều và xem nhiều. Mỗi lần gặp nhau là mỗi lần tôi được nghe anh nhận xét các tác phẩm văn thơ và cả điện ảnh rất sâu sắc.

Tôi không biết thời giờ đâu mà Việt Hải đọc nhiều đến như vậy? Buộc tôi phải hỏi một người bạn cùng báo Tuổi Trẻ của anh. “Lúc trực làm báo, Việt Hải tranh thủ đọc, đọc say mê hết tác phẩm này đến tác phẩm khác”.

Ngày 25-9 vừa qua là kỷ niệm 100 ngày mất của Việt Hải, tôi có mang đến cúng anh một chai rượu mơ - mơ Hương Tích ngâm rượu theo cách Hà Nội mà anh ưa thích.

Ba anh nói: “Để tôi rót cho nó một ly, xem nó nói đúng rượu mơ hay không”. Những nén hương trên bàn thờ anh nghi ngút, ngậm ngùi.

Đặng Ca Việt - Việt Hải một ly, chúng tôi cùng cạn chén với anh. Chúng tôi nghĩ về anh, và bên kia “cõi lạ” chắc anh cũng đang mơ, đang nghĩ về một đời người, một đời thương thơ - thơ của anh đây: trên bàn thờ trước chân dung anh và trong tay chúng tôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận