Miền Tây: Nông dân chờ lũ!

Q.V. 21/09/2003 21:09 GMT+7

TTCN - Đã trễ hơn hai tháng rồi so với mùa lũ năm trước (2002) mà nước vẫn chưa lên. Nông dân giờ đây đang trông đứng trông ngồi một mùa nước nổi để có thể mưu sinh. Chính quyền cũng mong nước nổi để tiêu thoát các chất độc trong đất và đổi lấy phù sa. Thu hoạch lúa hè thu thắng lợi rồi mà nước lũ vẫn chưa lên là coi như thắng lợi chưa trọn vẹn với nông dân miền Tây .

Phóng to
Ông Mai Bá Hòa (xã Bình Phú, An Giang ) bên mô hình nuôi tôm trong mùa nước nổi
TTCN - Đã trễ hơn hai tháng rồi so với mùa lũ năm trước (2002) mà nước vẫn chưa lên. Nông dân giờ đây đang trông đứng trông ngồi một mùa nước nổi để có thể mưu sinh. Chính quyền cũng mong nước nổi để tiêu thoát các chất độc trong đất và đổi lấy phù sa. Thu hoạch lúa hè thu thắng lợi rồi mà nước lũ vẫn chưa lên là coi như thắng lợi chưa trọn vẹn với nông dân miền Tây .

Đi dọc các cánh đồng đầu nguồn lũ của đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn quanh chuyện vì sao năm nay lũ vẫn chưa về. Họ nhớ quay quắt mùa nước lên, chờ nó đã hơn 60 ngày, không có lũ họ cảm thấy như thiếu một điều gì đó trong cuộc sống một năm.

Người dân ĐBSCL đã quen cảnh chung sống với lũ. Lũ chưa về làm họ cứ nhắc đến nó như một mùa vụ có thể kiếm được cái ăn. Nhiều nông dân cứ theo "phản xạ có điều kiện" chuẩn bị đối phó hoặc mua sắm các phương tiện cần thiết để sống chung với lũ từ đầu tháng bảy.

Phóng to
Nhà dân trong mùa lũ 2002
Năm rồi, đến thời điểm này các cánh đồng lúa dọc quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi Tri Tôn, Châu Đốc đã trắng xóa nước, lúa đã bị nước ngập lút đọt, dân đánh bắt cá đã chống xuồng ra đồng… còn bây giờ mọi chuyện đều diễn ra trái ngược.

Đến ngày 17-9, nước trên sông Tiền, sông Hậu mới bắt đầu chuyển màu đỏ quạch cố hữu của phù sa, tuy nhiên mực nước chưa cao, chỉ trên mức báo động 1- mức nước mà theo nông dân vùng châu thổ này là không đủ để rửa đồng.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm người dân, con nước lên cực điểm chỉ còn diễn ra đến cuối tháng tám (âm lịch) này, mà từ đây tới đó chẳng còn bao lâu nữa. Vả lại, các nhà dự báo khí tượng cũng cho rằng năm nay lũ sẽ nhỏ và không cầm đồng lâu.

Việc nước năm nay lên chậm hai tháng đã làm nhiều nhà sản xuất hàng phục vụ mùa lũ điêu đứng, người dân mưu sinh dựa vào lũ đứng ngồi không yên.

Phóng to
Nhân công đan lưới tại xóm lưới Thơm Rơm
Tại xóm lưới Thơm Rơm, huyện Thốt Nốt (tỉnh Cần Thơ), hàng chục hộ chuyên làm nghề lưới bán cho nông dân đánh bắt cá trong mùa lũ cứ "lúc lắc" vì ế ẩm. Hai tháng nay hàng bán không chạy, cả khu vực này thưa vắng khách một cách lạ thường.

Nhớ lại mùa lũ năm ngoái, mới đầu tháng bảy mà cả khu vực này đông như trẩy hội, nông dân và cửa hàng ngư cụ khắp vùng đồng bằng này đến tranh nhau đặt mua hàng. Hàng làm ra không kịp bán còn khiến người mua nói rằng: "Lũ lên rồi mà không lo, làm không kịp thì để năm sau bán luôn đi".

Anh Lê Lý, chủ một cơ sở đan lưới, cho biết doanh thu đã giảm 70% so với năm ngoái, lượng nhân công cũng giảm từ 200 xuống còn 50 người, bạn hàng đến mua giảm 30%. Năm trước, nhiều nông dân đến mua mỗi lần 10-15 tay lưới loại 3,5 phân để đánh cá rô, còn bây giờ họ chỉ mua 1, 2 tay. Lưới loại 4,5 phân hiện còn tồn rất nhiều.

Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, người làm công tại cơ sở này, cho biết năm trước thu nhập bình quân 40.000đồng/ngày, nay chỉ được 30.000 đồng/ngày. Giá lưới cá các loại cũng giảm 5.000 đồng/tay.

Còn tại làng lưỡi câu Mỹ Hòa (Long Xuyên), lượng lao động cũng đã giảm từ 1.000 xuống còn 600 lao động; sản lượng từ 3,5 tấn lưỡi câu các lọai đã giảm xuống còn 1,5 - 2 tấn/ngày.

Anh Nguyễn Văn Be, chủ một cơ sở lưỡi câu ở đây bảo nguyên nhân giảm sút do... lũ không về, cá ít nên người dân không tiêu thụ nhiều lưỡi câu.

Anh Ba Phước, phó bí thư xã Bình Phú (Châu Phú, An Giang), cũng bức xúc khi thấy nước vẫn chưa lên. Anh cho biết toàn xã có năm mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi, nhưng nước không lên đã gây ảnh hưởng tai hại.

Thạc sĩ VÕ TÒNG ANH, Trưởng khoa nông nghiệp Trường đại học An Giang:

Nước lũ về chậm, không cao sẽ làm cây lúa nổi ở vùng Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) - nơi duy nhất trong vùng ĐBSCL còn trồng cây lúa nổi - khó phát triển. Tỉnh và Trường đại học An Giang đang thực hiện các dự án khoa học để giúp bà con bảo tồn cây lúa nổi - đặc trưng của vùng ngập lũ. Lũ nhỏ gây ra hiện tượng ngộ độc chất hữu cơ cho cây trồng do đất bị ứ phèn, ảnh hưởng đến năng suất.

Một trở ngại khác là lũ nhỏ sẽ làm giảm lượng phù sa trong đất. Theo nghiên cứu của chúng tôi từ dự án Bắc Vàm Nao, lũ về bình thường sẽ để lại 200kg phù sa/ha. Trong tình trạng lũ như hiện nay chắc chắn nông dân sẽ phải tốn thêm tiền phân bón cho vụ đông xuân tới đây.

Các hộ nuôi cá lóc trong mùa lũ cũng giảm 30%, cá rô phi đơn tính nuôi trong ruộng lúa cũng bị thiếu oxy khi dòng nước không thông thoáng.

Anh Phước dẫn chúng tôi đến gặp ông Mai Bá Hòa - một điển hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ. Ông Hòa than như bọng: "Năm nay nước lên chậm nên một tháng đầu sau khi thả tôm post giống tôi đã phải chạy máy dầu liên tục để bơm nước vào ruộng, tốn hết 1.000 lít dầu. Nước không tràn đồng thì tôm thiếu oxy nên chậm lớn. Nguồn thức ăn cho tôm từ tự nhiên cũng không nhiều. Nếu nước không cao hơn hiện nay thì mùa này tôi sẽ thất thu 2 tấn nếu so với cùng số tôm giống thả nuôi các vụ trước". Nhìn 3ha tôm nuôi trên ruộng lúa, ông Bá Hòa thở dài: "Phải chi nước lớn hơn một chút thì 3ha tôm này tôi trúng lớn".

Đi một vòng lên Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), chúng tôi thấy nước bắt đầu tràn đê bao vào đồng. Tuy nhiên lúa hè thu đã được các địa phương thu hoạch từ trước đó rất lâu và thắng lớn, không một nơi nào bị nước chụp làm thiệt hại, sản lượng bình quân từ 4,5 - 5 tấn/ha.

Anh Huỳnh Văn Thã, phó chủ tịch UBND huyện đầu nguồn An Phú tự hào vì huyện đã thu hoạch thắng lợi vụ lúa hè thu và đang khẩn trương tôn cao và củng cố hệ thống giao thông nông thôn (phòng nước lũ tràn về), đưa người dân về các cụm tuyến dân cư đã được qui hoạch. Cũng như nhiều nơi khác, An Phú đang đứng trước câu hỏi của ngươìi dân: "Lũ không lớn thì về cụm dân cư vượt lũ làm chi, rồi gia đình sống ra sao...?".

Tại huyện Hồng Ngự, anh Nguyễn Văn Thanh phó chủ tịch xã Thường Lạc - lạc quan: "Năm rồi lũ về sớm nên địa phương khá vất vả trong việc gia cố đê bao, vận động nông dân nhanh chóng thu hoạch lúa. Còn năm nay có thể nói xã đã thắng lợi trọn vẹn. Vì cơ cấu làm lúa hai vụ nên hiện tại nông dân đã cho nước tràn đồng để lấy phù sa. Trong mấy ngày gần đây, mỗi ngày nước lên 5cm, nhưng mực nước vẫn còn thấp hơn nền các lớp học đến 80cm. Học sinh vẫn đến trường an toàn. Nước trong đồng hiện chỉ cao 1,5m, cá linh quá nhỏ, sản lượng người dân đánh bắt chỉ bằng 1/10 so với mùa trước".

Nguyễn Hoàng Việt - chủ tịch HĐND tỉnh An Giang

Nhìn chung năm 2002 là năm có diện tích sản xuất lúa vụ ba cao nhất từ trước đến nay. Về sản xuất trong lũ, nhiều hộ nông dân đã tận dụng mặt nước trồng trên 462ha rau các loại; nhiều hộ thả tôm nuôi đăng quần, thu lãi mỗi hộ từ 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ khác thả nuôi cá giống, cá thịt cũng lãi rất cao.

Việc phát triển nuôi trồng thủy sản trong lũ có 3.718 hộ tham gia và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6.000 lao động. Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động bắt ốc bưu vàng, cua, cá tạp để bán. Tính chung, năm 2002 toàn tỉnh đã thu lợi từ lũ trên 1.000 tỉ đồng.

Năm nay nếu nước lũ không cao thì người dân lao động nghèo thiệt thòi vì lượng cá tôm giảm, năng suất lao động không có, từ đó thu nhập người dân không cao và tổng thu nhập của tỉnh trong mùa nước lũ sẽ không bằng năm trước. Nói vậy không phải là tỉnh trông chờ vào lũ để phát triển kinh tế, nhưng rõ ràng lũ cũng tạo những mặt lợi nhất định.

Tuy nhiên, nếu không có lũ thì cơ sở hạ tầng không bị tàn phá, không phải đầu tư nhiều để nâng cấp các trường học, bệnh viện, công sở. Dân ở An Giang này sống bao đời nay trong mùa nước lũ, lũ lên thì họ làm ăn được. Theo tôi, An Giang chấp nhận mức lũ xấp xỉ báo động 3, mức nước cỡ này không làm hư hại cơ sở hạ tầng và người nông dân lại sống được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận