07/09/2003 22:11 GMT+7

Nguyễn Thanh Lập đã có mặt ở TP.HCM

 
 

TT (TP.HCM)- “Khi gặp lại Lập, anh em trong phòng mừng lắm vì phòng này cũng đã có nhiều người đến ở để đi thi, nhưng trúng tuyển không nhiều. Trong khi đó, Lập thi hai năm đều trúng tuyển cả. Hôm trước Tân có mượn xe của mình để đi đón Lập, không hiểu sao anh vừa đi đón thì em đã đến ký túc xá rồi”...

G6RpVE1h.jpgPhóng to

Nguyễn Thanh Lập (trái) và anh Nguyễn Thanh Tân ăn cơm tại căngtin báo Tuổi Trẻ trưa 7-9

Một người bạn ở chung phòng 316C ký túc xá Bách khoa (497 Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM) trên đường đưa chúng tôi đi tìm Tân và Lập đã kể về hai anh em họ như vậy...

Anh...

Tân kể: “Lúc đó tôi không khóc được, mà cũng không thể khóc được mặc dù tôi rất xúc động, giống như câu nói nước mắt chảy ngược vào trong vậy. Khi nhìn thấy ảnh em Lập ở trang 1 báo Tuổi Trẻ, tôi vẫn không tin là báo viết về em mình. Nhưng khi nhìn thấy ảnh mẹ bên trong thì tôi tin ngay. Hai mùa hè rồi đi chiến dịch Mùa hè xanh không về thăm mẹ được, nhìn thấy hình ảnh mẹ, tôi nhớ mẹ lắm...

TtuaOVU6.jpgPhóng to
Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Dương Thành Truyền (trái) trò chuyện cùng hai anh em Lập
Tôi vẫn luôn nghĩ về mẹ vì mẹ đã già và khổ nhiều. Phải có một người quyết tâm học, phải quyết tâm thay đổi hoàn cảnh bây giờ của gia đình, vì thế tôi đã chọn học ở TP.HCM. Trước lúc cha mất, cha có nói là sẽ cố lo cho hai anh em ăn học. Bây giờ, mẹ lúc nào cũng luôn nhắc mẹ sẽ lo cho hai con, theo đúng lời dặn của cha.

Dù như thế nào, hai anh em cũng cố gắng thực hiện tâm nguyện của cha và mẹ. Nghe tin em Lập trúng tuyển một lần nữa tôi cũng suy nghĩ lắm. Mình là anh sao lại để em trai hi sinh vì mình, mình phải hi sinh cho em chứ. Nếu không lo cho em được thì chắc tôi sẽ phải xin tạm nghỉ một thời gian...”.

Em...

“Anh Tân chỉ còn hai năm rưỡi nữa là ra trường, mình còn những 4 - 5 năm nữa thì phải dồn mà lo cho anh thôi. Nếu như khó khăn quá thì Lập sẽ phải tạm nghỉ để lo cho anh Tân. Lập đã tính rồi, mình diện hộ nghèo nên sẽ được miễn 50% học phí như anh Tân đã được miễn, vả lại vào nhập học ở Thủ Đức chắc mức sống sẽ rẻ hơn trong nội thành. Mình sẽ cố gắng tranh thủ đi dạy kèm hoặc làm thêm, học cho xong một năm sẽ bảo lưu kết quả và đi làm tiếp”.

INTmYLP5.jpgPhóng to
Tân và Lập tại ký túc xá Bách Khoa TP.HCM
Lập vào thành phố với số tiền đủ đóng học phí cho một học kỳ, đó là số tiền tình nghĩa mà những người hàng xóm, bạn bè, anh chị quen biết góp vào cho Lập. Được ở ký túc xá với giá 4.000 đồng/ngày xem như tạm ổn trong thời gian hai anh em tiếp tục hành trình đi tìm chỗ dạy để trang trải việc học. Sáng thứ bảy (6-9), sau khi đọc báo dán ở ký túc xá, Tân lẳng lặng lên phòng viết thư cảm ơn, ra Bưu điện Lữ Gia gửi về cho báo Tuổi Trẻ và sau đó tiếp tục đi kiếm chỗ dạy kèm.

Đến giờ giọng Lập vẫn đầy xúc động: “Tôi vui lắm vì đã được nhiều người giúp đỡ. Tôi mong sao những bạn có hoàn cảnh khó khăn như tôi cũng nhận được sự trợ giúp đầy nghĩa tình như thế để vững bước hơn trên đường đời...”.

Và mẹ

EJAFrrj3.jpgPhóng to
Mẹ Lập và bao nilông chất chừng vài trăm cuốn sách của Lập.
Trưa 6-9, chúng tôi trở lại nhà Lập. Trò chuyện với mẹ Lập mà cứ liên tục có những cuộc điện thoại của bạn đọc gọi vào máy di động của PV Tuổi Trẻ để tìm cách giúp đỡ Lập. Lắng nghe câu chuyện giữa PV và bạn đọc, nét mặt bà Lan rạng rỡ hẳn. Cứ nhắc mãi, nhắc mãi: “Nhờ ơn bạn đọc quá, trời có mắt mà thương thằng út nhà tui rồi...”.

Bây giờ tôi mới hay cái gia tài của bà ngoài chiếc giường gỗ mới còn có một gia sản đáng giá khác là rất nhiều... sách! Bà lễ mễ khuân ra một chiếc rương tôn và một bao nilông chất chừng vài trăm cuốn sách để khoe: “Thằng Lập nó mê sách lắm. Mà sách này nó mua được cũng không phải nhiều tiền đâu!”.

Hỏi ra mới hay sau trận lụt lịch sử năm 1999, khi ấy Lập đang học lớp 10 chuyên toán ở Trường Quốc học Huế, hàng vạn cuốn sách bị ướt được người ta... vứt đi, một phần khác được bán với giá bèo ngay lề đường.

Lập đã góp hết số học bổng còm để mua lại những cuốn sách cậu mơ ước và mang về phơi. Với số sách ấy, đến năm học lớp 12 Lập đã có thể đi dạy kèm cho các bạn khác cùng lứa đang ôn thi vào đại học !

Cũng đến bây giờ bà Lan mới kể rằng năm ngoái không đủ tiền đi học Lập có nằm khóc nhưng giấu mẹ, bà cũng chỉ biết dỗ dành: “để mạ mua vé số, thế nào trời cũng thương mà trúng được thì con sẽ được đi học thôi...”.

r2hWVzzt.jpgPhóng to

Mẹ Lập - bà Lan - làm rau sống bán gom góp từng đồng cho con

Bà nuôi niềm hi vọng ấy bằng 2.000 đồng mỗi ngày cho tờ vé số, nhưng rồi ngày nhập học của Lập đã đến mà... số vẫn chưa trúng nên Lập lại tiếp tục cầm bay đi phụ nề suốt năm ngoái. Năm nay lại hi vọng... và bây giờ hi vọng ấy đã đến với mẹ con bà từ những tấm lòng bạn đọc, tấm vé của những tấm lòng cho Lập bước vào hành trình đi tới ngày mai.

Chia tay bà Lan, đến lượt tôi nghe cay cay khóe mắt khi thấy người mẹ nghèo ấy lễ mễ khuân một cây chuối ra sân tước bẹ, phần thân chuối ấy xắt mịn đi để trộn vào các loại rau làm rau sống như cách ăn dân dã khó nghèo của người Quảng Trị. Bà tỉ mẩn tước từng bẹ, xắt rau suốt buổi chiều nay, và với mớ rau chuối ấy để kiếm được 3.000 đồng dành dụm cho thằng út yêu thương của bà!

Từ trái tim đến trái tim

* Chúng tôi cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã kịp thời đưa lên báo những thông tin bổ ích, đầy tính nhân bản. Công ty chúng tôi xin ủng hộ cháu Lập 1.000.000đ nhằm góp một phần học phí cho cháu học tập. Tôi cũng sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo miền Trung. Hồi ấy tôi làm công nhân trên khắp các công trường Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Cẩm Phả... phấn đấu vừa học vừa làm.

Đến 24 tuổi tôi là công nhân cơ khí bậc 6/7, được chọn đi du học và tốt nghiệp ĐH ở nước ngoài. Công việc sau khi về nước khá vất vả nhưng tôi vẫn thi nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án phó tiến sĩ. Khi nhận bằng, tôi đã 50 tuổi, vẫn tiếp tục cống hiến cho ngành địa chất và mang lại hiệu quả đáng kể. Các bạn chưa được vào ĐH mến, các bạn hãy yên tâm, vừa học vừa làm cũng rất tốt. Chỉ cần kiên nhẫn, vượt khó là sẽ thành đạt.

* Tôi là một người VN sống tại nước ngoài từ năm 1975, tình cờ đọc được bài viết trên Tuổi Trẻ Online vào ngày 6-9 lòng bỗng dâng lên một niềm xúc động, thương cảm cho bà Lan, một gia đình nghèo khó có con hiếu học. Tôi muốn giúp cậu học trò Nguyễn Thanh Lập để cậu yên tâm bước vào ngưỡng cửa đại học.

* Tôi muốn đóng góp để giúp cháu Lập như sau: ở miễn phí; ăn uống cùng gia đình miễn phí. Nếu không có nguồn tài trợ học phí, tôi xin đóng luôn học phí cho Lập.

* Chúng tôi rất cảm phục khi biết em Nguyễn Thanh Lập đã học tập xuất sắc trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó. Chúng tôi xin được hỗ trợ em 5 triệu đồng để trang trải học phí và việc ăn ở.

* Tôi đọc báo Tuổi Trẻ trên Internet số ra ngày 6-9-2003 thấy thông tin về em Nguyễn Thanh Lập ở Quảng Trị vừa trúng tuyển lần thứ hai ĐH Bách khoa TP.HCM. Cá nhân tôi hết sức cảm thông cho hoàn cảnh của em Lập và rất mong được giúp em phần nào trong việc học tập.

* Hiện tôi đang học tập tại Nhật Bản, tôi và vợ tôi muốn giúp đỡ Nguyễn Thanh Lập, mong tòa soạn cho biết địa chỉ liên lạc trực tiếp để chúng tôi có thể liên hệ. Xin cảm ơn.

* Lập hãy dũng cảm và vững tin vượt qua khó khăn để tiếp tục học tập, bên cháu còn rất nhiều bạn bè và những tấm lòng nhân hậu. Hơn 20 năm trước chú cũng đã gặp rất nhiều khó khăn như cháu bây giờ, và sự cố gắng không mệt mỏi đã giúp chú vượt qua. Mong rằng với truyền thống trân trọng chất xám của người VN, cháu sẽ tìm được bến đỗ bình yên.

Bạn đọc có nhu cầu giúp đỡ trực tiếp, có thể gặp anh em Lập - Tân tại KTX ĐH Bách khoa (phòng 316C) hoặc qua báo Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ chuyển lại cho Thanh Lập. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, số 161 Lý Chính Thắng, P.9, Q.3, TP.HCM; ĐT: 9316993 - 9316994.

"Biết thì lo gì..."

Cuộc điện thoại đầu tiên đã đến với chúng tôi vào lúc 5g30 sáng 6-9, ngay khi báo vừa phát hành. Tiếp sau đó, toàn bộ các đường dây điện thoại tiếp nhận thông tin của báo Tuổi Trẻ đều bị rơi vào tình trạng nghẽn mạch. Đa số bạn đọc đều khẩn thiết yêu cầu cung cấp địa chỉ của Nguyễn Thanh Lập để tìm gặp, giúp đỡ và để… đón về nhà. Từ trước đến nay đã rất nhiều trường hợp các nhân vật được giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ tìm được sự giúp đỡ từ bạn đọc, nhưng Lập là người được nhiều lời đề nghị mời về nhà nhất.

Một bác sĩ gọi đến và sắp xếp rất chu đáo: “Nhà tôi rất gần Trường Bách khoa, em Lập ở nhà tôi sẽ thuận tiện đi học. Em là con út, tôi đề nghị đón cả mẹ em vào ở cùng để cả nhà yên tâm”.

Một bạn đọc khác thì hỏi rất chi tiết về học phí, tiền đóng cho ký túc xá, tiền ăn, chi phí sinh hoạt… để “chu cấp cho Lập trọn gói từng tháng”. Anh cũng nói thêm: “Tôi biết mình không phải người duy nhất sẽ giúp cho Lập, nhưng tôi vẫn muốn lo đầy đủ. Gia đình em còn khó khăn, những khoản được giúp đỡ dư thừa em có thể gửi về cho mẹ. Không biết thì thôi, biết thì lo gì...”.

Đã hơn 20 người tìm đến ký túc xá, hàng trăm người gọi điện thoại đến Tuổi Trẻ, hàng chục thư điện tử, fax từ khắp nơi, kể cả nước ngoài gửi đến hỏi cách cấp học bổng cho Lập.

 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    L\u1eadp, anh em trong ph\u00f2ng m\u1eebng l\u1eafm v\u00ec ph\u00f2ng n\u00e0y c\u0169ng \u0111\u00e3 c\u00f3 nhi\u1ec1u ng\u01b0\u1eddi \u0111\u1ebfn \u1edf \u0111\u1ec3 \u0111i thi, nh\u01b0ng tr\u00fang tuy\u1ec3n kh\u00f4ng nhi\u1ec1u. Trong khi \u0111\u00f3, L\u1eadp thi hai n\u0103m \u0111\u1ec1u tr\u00fang tuy\u1ec3n c\u1ea3. H\u00f4m tr\u01b0\u1edbc T\u00e2n c\u00f3 m\u01b0\u1ee3n xe c\u1ee7a m\u00ecnh \u0111\u1ec3 \u0111i \u0111\u00f3n L\u1eadp, kh\u00f4ng hi\u1ec3u sao anh v\u1eeba \u0111i \u0111\u00f3n th\u00ec em \u0111\u00e3 \u0111\u1ebfn k\u00fd t\u00fac x\u00e1 r\u1ed3i\u201d..." />