Sakaya Văn Món: "Văn hóa Chăm đã bỏ bùa tôi!"

TTCN - Khoảng năm, mười năm trở lại đây trong giới nghiên cứu văn hóa Chăm xuất hiện một gương mặt mới: Sakaya Văn Món. Cái tên ấy tự tin đứng chung với những chuyên gia đầu ngành như GS Trần Quốc Vượng, PGS Chu Xuân Diên, PGS-TS Ngô Đức Thịnh… trong những công trình chung cấp quốc gia và còn đứng riêng trên bìa năm cuốn sách cộng với gần 50 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và trong các kỷ yếu, hội thảo văn hóa trong và ngoài nước…

Phóng to
Sakaya Văn Món
TTCN - Khoảng năm, mười năm trở lại đây trong giới nghiên cứu văn hóa Chăm xuất hiện một gương mặt mới: Sakaya Văn Món. Cái tên ấy tự tin đứng chung với những chuyên gia đầu ngành như GS Trần Quốc Vượng, PGS Chu Xuân Diên, PGS-TS Ngô Đức Thịnh… trong những công trình chung cấp quốc gia và còn đứng riêng trên bìa năm cuốn sách cộng với gần 50 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và trong các kỷ yếu, hội thảo văn hóa trong và ngoài nước…

Sakaya tiếng Chăm có nghĩa là món ngon, còn tên khai sinh của Sakaya là Trương Văn Món. Anh sinh năm 1967 tại Palei Hamu Crauk, tức làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận. Thuở nhỏ Văn Món đã biết phụ mẹ làm gốm, gánh gốm ra chợ bán. Chú bé thích được quây quần nghe người già trong làng kể những huyền thoại xứ sở, đọc ariya (thơ truyền thống của người Chăm)…

Sau giải phóng, thằng klu (con trai) làng gốm ấy tỏ ra ham thích những tiết học chữ Chăm ở trường. Nhờ biết chữ Chăm, năm lớp 3 Sakaya đã thuộc nằm lòng hai sử thi cổ điển của người Chăm là Glang Anak và Pauh Catwai.

Năm 1987, theo sự hướng dẫn của ông anh rể - họa sĩ Đàng Năng Thọ, Văn Món thi và đỗ vào ngành lịch sử Đại học Đà Lạt. Ở giảng đường, một cơ duyên khác đến với anh, đó là khi Văn Món được gặp và nhận được sự định hướng của GS Thành Phần và GS-TS Nguyễn Khắc Tụng để chuyển sang chuyên ngành nghiên cứu dân tộc học vì theo lời các thầy: “Em là người Chăm, em phải học để về nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm chứ!”.

"Đây là một gương mặt trẻ thuộc thế hệ mới, đã bước vào nghiên cứu và đạt được thành tựu khá sớm. Một thành tựu không dễ gì đạt được với tuổi đời như thế. Cái đáng quí ở Sakaya là anh đã vào cuộc gần như với bàn tay trắng"

Ham mê sách vở, ba năm đầu chàng sinh viên Chăm thiếu ăn nhưng không thiếu sách. Anh “bơi” trong thư viện ĐH Đà Lạt không biết chán. Và mỗi dịp về làng anh tìm đến những người lớn tuổi, có tri thức để tìm tòi, thực chứng dù có lần bị “xoa đầu”: “Mày còn nhỏ biết gì mà bày đặt nghiên cứu?”.

Ra trường, Văn Món quyết định vào Sài Gòn học hai năm Anh ngữ để chuẩn bị cho con đường dài của một nhà nghiên cứu. Rồi mày mò viết lách, bắt đầu từ những bài báo vặt thường bị các tòa soạn quẳng sọt rác; đến năm 1994, bức xúc trước một số tài liệu khoa học văn hóa Chăm quá sơ sài, anh đánh liều viết nghiên cứu.

Và thật bất ngờ, bài báo Lễ Rija Inư Cành của người Chăm của anh được trình làng trên tạp chí Dân Tộc Học. Sau đó, Văn Món về công tác ở Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm đến hôm nay.

Nhìn lại trong lịch sử nghiên cứu văn hóa Chăm, có thể kể đến những tên tuổi các nhà nghiên cứu Pháp G. Moussay, Aymonier (Từ điển Chăm - Pháp), H. Parmensier, Cabaton, G.Maspero… Sau đó là những nhà nghiên cứu người Việt như: Phan Xuân Biên, Ngô Văn Doanh, Phan Văn Dốp, Phan An, Trần Kỳ Phương…

Những người Chăm làm nghiên cứu văn hóa dân tộc mình lại còn quá khiêm tốn với các tên tuổi: Inrasara, TS Bá Trung Phụ, Phú Văn Hẳn… Để tìm một hướng đi riêng với Văn Món thật ra không dễ chút nào. Văn hóa Chăm là một mảnh đất mà đụng đâu cũng đã có người cày xới dù chưa có nhiều mùa bội thu.

Trong năm năm 1991-1996, bên cạnh việc công bố một số bài viết khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, Văn Món bắt đầu thực hiện những công trình dài hơi: Lễ hội Katê Chăm (Sở VH-TT Ninh Thuận, năm 2000), Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bàu Trúc- Ninh Thuận (NXB Văn Hóa Thông Tin, năm 2001), và trong năm 2003 anh in tiếp ba cuốn tại NXB Văn Hóa Dân Tộc: Nghề dệt cổ truyền của người Chăm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận, Lễ hội của người Chăm (390 trang), và Luật tục Chăm và Raglai (viết chung).

Trong khi đó, những công trình chung tầm cỡ quốc gia như Chào năm 2000 (NXB Đà Nẵng, 2000) và Văn hóa dân gian và vấn đề phát triển đô thị (NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, 2002) anh đều được mời tham gia viết bên cạnh những chuyên gia nghiên cứu văn hóa.

Văn Món vừa mới hoàn thành bản thảo và chuẩn bị cho in hai cuốn sách đánh dấu 10 năm nghiên cứu của anh là Ký ức văn hóa Chăm (300 trang) và Tiếp cận một số vấn đề về văn hóa Chăm (378 trang)…

“Tôi có lợi thế về tuổi trẻ, sức làm việc và đặc biệt là chính mình đang nghiên cứu về dân tộc mình. Tôi có thể vùi đầu vào sách vở suốt ngày đêm mà không biết mệt mỏi. Văn hóa Chăm đang bỏ bùa tôi. Càng đi tôi càng thấy đường dài và nhiều thú vị. Văn hóa Chăm là một viên ngọc, viên ngọc ấy phải lấp lánh!”- Sakaya Văn Món nói thế. Đã vào tuổi “băm” nhưng mải lặn lội điền dã, đọc và viết, anh quên cả chuyện lấy vợ! Thế mà người đàn ông Chăm không được cô gái nào bắt làm chồng thì dễ bị dòng họ chê bất hiếu.

Với sự lao động miệt mài, trách nhiệm, với giá trị học thuật của những công trình, anh đã tạo được một uy tín khoa học khi chưa tới tuổi 40. Gần đây, anh bắt đầu xuất hiện trong những hội nghị khoa học lớn. Đặc biệt, ngoài thời gian nghiên cứu Văn Món còn là chuyên gia hướng dẫn, giới thiệu văn hóa Chăm cho những đoàn du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu về miền đất Panduranga đầy trầm tích, nơi anh sinh ra, lớn lên và luôn tự hào về nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận