Khẳng định mới đối với doanh nhân

TƯƠNG LAI 12/10/2003 03:10 GMT+7

TTCN - Tôi đã có nhiều lần trình bày vấn đề này trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật: "Cuộc sống đã đi vào nghị quyết", "Một dấu ấn của phát triển", "Thương lái. Tại sao?" nay lại muốn được tiếp tục chủ đề đó nhân vừa có "Kết luận của Ban Bí thư" về "khuyến khích và bảo hộ việc phát triển kinh tế tư nhân" (Tuổi Trẻ 7-10-2003) .

Phóng to
TTCN - Tôi đã có nhiều lần trình bày vấn đề này trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật: "Cuộc sống đã đi vào nghị quyết", "Một dấu ấn của phát triển", "Thương lái. Tại sao?" nay lại muốn được tiếp tục chủ đề đó nhân vừa có "Kết luận của Ban Bí thư" về "khuyến khích và bảo hộ việc phát triển kinh tế tư nhân" (Tuổi Trẻ 7-10-2003) .

Từ tiếp cận xã hội học, tôi hiểu rằng ứng xử xã hội đối với một loại hình "nhân vật xã hội" tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự xác nhận về mặt pháp lý và sự xác lập về mặt thể chế.

Kết luận của Ban Bí thư lần này nêu rõ "thực hiện khuyến khích và bảo hộ bằng pháp luật cho việc phát triển kinh tế tư nhân" chính là một định hướng rất có ý nghĩa đối với việc hình thành và củng cố ứng xử xã hội đối với doanh nhân trên nền của nhận thức: "cần khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, từ đó làm cho các doanh nhân yên tâm về tư tưởng, đem hết sức mình phát triển sản xuất, kinh doanh".

Cùng với kết luận này, Ban Bí thư cũng ra kết luận về hội nhập kinh tế quốc tế. Theo tôi, cả hai vấn đền này có mối liên quan mật thiết với nhau.

Từng bước hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường để bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, sự nghiệp Đổi mới đang đứng trước những thách đố chưa có tiền lệ. Khi chủ động hội nhập, chúng ta hiểu rằng chúng ta đang bước vao một “cuộc chiến” diễn ra gay gắt và phức tạp với nhiều “trận đánh”.

Trong mỗi “trận đánh” ấy, sự sắp xếp lực lượng hai bên có thể rất khác nhau. Hoàn toàn không loại trừ một điều có thể diễn ra: chính đồng minh trong trận này lại là đối thủ trong trận sau. Vì đó là một quá trình quan hệ đối tác hợp tác và quan hệ đối phương tranh chấp đan xen nhau. Người quyết định sự thành bại trên từng tình huống này là ai nếu không phải là doanh nhân. Họ có thể là người điều hành những doanh nghiệp nhà nước, nhưng nhiều hơn sẽ là những doanh nghiệp tư nhân. Họ có thể thoát hiểm để vươn lên, nhưng cũng có thể trắng tay, phá sản!

Phải chăng, với vai trò xung kích trên mặt trận kinh tế trong bối cảnh của đất nước bước vào một cuộc thử thách mới chưa có tiền lệ ấy, doanh nhân đang có vị trí lịch sử mà họ chưa bao giờ có? Nếu như vậy thì quả là đã đến lúc phải có sự nhìn nhận về vai trò va vị thế không thể nào thay thế được của họ để có một ứng xử xã hội xứng đáng với những nhà doanh nghiệp chân chính đang đảm đương nhiệm vụ nặng nề mà có thể nhiều người trong số họ cũng chưa ý thức được đầy đủ để tự rèn luyện, hoàn thiện bản lĩnh, kinh nghiệm và phẩm cách của mình.

Khái niệm “nhà doanh nghiệp chân chính” tôi nói ở đây chỉ hàm ý là người có bản lĩnh, có tri thức và kinh nghiệm để dám đương đầu với rủi ro và thách thức, đầu tư vào sản xuất và kinh doanh để làm giàu cho mình và rồi vì vậy mà làm cho dân giàu nước mạnh, tránh khỏi nguy cơ tụt hậu, chủ động vận dụng xu thế toàn cầu hóa để cố giành được lợi thế, tránh được hiểm họa, bứt lên trong một “thế” và “lực” mới.

Cần phải nhớ lại trước khi có nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” (18-3-2002) thì vấn đề kinh tế tư nhân vẫn còn nằm trong một vùng rất nhạy cảm về mặt lý luận cũng như về thực tiễn.

"Trên thực tế vẫn còn những điều chưa thống nhất, những lệch lạc về mặt này hay mặt khác và những mặc cảm; thể hiện trong một số cơ chế, chính sách, trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và trong bản thân các nhà doanh nghiệp".

(*) Trong nhận thức của không ít người, việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân dường như là một biểu hiện của sự chệch khỏi "định hướng XHCN" mà không thấy được rằng đó chính là cách tháo gỡ những ách tắc trong quản lý kinh tế, nhằm phát huy những năng lực tiềm ẩn trong dân, giải phóng sức sản xuất để đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường văn minh theo định hướng XHCN.

Những người này không thấy được rằng phát triển kinh tế tư nhân là một xu thế chung trong việc thúc đẩy nền kinh tế của đất nước phát triển. Vì sao? Vì đó chính là quá trình tạo ra được tính năng động và sáng tạo của những chủ thể kinh tế, khắc phục một cách cơ bản nạn tham nhũng và lãng phí do không rõ ràng về trách nhiệm sở hữu dễ dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" , "lắm sãi không ai đóng cửa chùa". Vì nó thúc đẩy sự tìm tòi, hợp lý hóa qui trình và thao tác trong sản xuất, cải tiến mẫu mã, bảo vệ thương hiệu để giành được lợi thế trong cạnh tranh.

Và còn vì "đồng tiền liền khúc ruột", không phải là "tiền chùa" mà là "của đau con xót" cho nên họ phải tìm mọi cách sử dụng đồng vốn một cách tối ưu. Nhưng không phải chỉ có thế, tính cơ động xã hội cũng do đó mà được đẩy tới.

"Thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức những công thức để thành công trong ngày hôm qua hầu như chắc chắn sẽ là những công thức để thất bại trong ngày mai"** Vì thế, doanh nhân phải là người biết thích ứng một cách linh hoạt nhất, táo bạo nhất để giành lấy cơ hội khi nó xuất hiện.

Doanh nghiệp tư nhân, do đặc thù của nó, khả năng ra quyết định nhanh là một lợi thế trong hoạt động trên thương trường. Khi mà "đồng tiền liền khuc ruột" thì sự táo bạo luôn đi liền với sự thận trọng cần thiết để đưa ra quyết định nhằm chớp lấy cơ hội.

Ý thức trách nhiệm về sự thành bại của cả cơ nghiệp gắn rất chặt với những quyết định ấy. Cho nên, chính là vì để có sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tạo ra phát huy động lực xã hội mới cho sự phát triển ấy mà phải "tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân" (*).

Chính trên ý nghĩa ấy, nghị quyết về kinh tế tư nhân nói trên tạo dựng một nền tảng vững chắc cho quá trình hình thành nhận thức về một nhân vật xã hội của giai đoạn phát triển mới. Với kết luận của Ban Bí thư sau một năm thực hiện nghị quyết ấy, nhận thức ấy lại được nâng lên, tạo ra một lực đẩy mới nhằm hình thành những ứng xử xã hội đúng đắn với nhân vật xã hội mới này, giúp rũ bỏ những gánh nặng định kiến quá khứ từng đè nặng trên số phân các nhà doanh nghiệp.

Thật ra, từ nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 6, khóa IV ngày 20-9 - 1979 về tình hình và nhiệm vụ cấp bách với nội dung chính là chủ trương cho "sản xuất bung ra", chấp nhận một số yếu tố thị trường bổ sung cho cơ chế kế hoạch hóa, đã thấp thoáng có bóng dáng lờ mờ của họ .

Nhưng rồi với thời gian và sự đòi hỏi của cuộc sống, nó có “tỏ” dần lên, để với nghị quyết V xác định thật sáng tỏ: “kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa” (*). Với kết luận của Ban Bí thư lần này, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân đã có đủ cơ sở về mặt pháp lý và thể chế để nhận được một ứng xử xã hội tương thích với vai trò của họ.

____________________________

* Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá IX. NXBCTQG HaNội 2002, tr. 52, tr.59,

**Rowan Gigson Tư duy lại tương lai. NXB Trẻ 2002. Tr.175

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận