28/09/2003 10:18 GMT+7

Ngôi nhà Việt

X.TOÀN
X.TOÀN

TTCN - "House of Vietnam" (tạm dịch Ngôi nhà Việt - NNV) thật sự không phải là khái niệm mới. Từ vài năm trước, trong các kỳ hội chợ hàng VN chất lượng cao luôn có một gian hàng trung tâm được trang trí bằng các sản phẩm VN và hình như cũng được gọi là "ngôi nhà VN".

RN0Ap7yO.jpgPhóng to
Ngôi nhà chung" tại Hội chợ hàng Việt Nam chât lượng cao lần 7 - 2003 tại TP.HCM
TTCN - "House of Vietnam" (tạm dịch Ngôi nhà Việt - NNV) thật sự không phải là khái niệm mới. Từ vài năm trước, trong các kỳ hội chợ hàng VN chất lượng cao luôn có một gian hàng trung tâm được trang trí bằng các sản phẩm VN và hình như cũng được gọi là "ngôi nhà VN".

Khách hàng đến thăm hội chợ thật sự ấn tượng khi bước vào ngôi nhà ấy. Nếu như đến từng cửa hàng, khách hàng thấy những sản phẩm riêng lẻ, thì vào đây họ được giới thiệu cả một bức tranh hoàn hảo, một "giải pháp" cho nhu cầu tiêu dùng của họ.

Sự thành công của các kỳ hội chợ này minh chứng năng lực cung ứng những sản phẩm chất lượng cao của các nhà sản xuất trong nước, cũng như sự hưởng ứng tích cực, rất đáng giá của người tiêu dùng trong nước. Đây thật sự là một "lực đẩy" quan trọng cho sự phát triển của thị trường nội địa.

Tuy nhiên, rất tiếc mỗi năm hội chợ chỉ tổ chức một lần với thời gian hạn chế. Theo thông tin báo chí, TP.HCM hiện cũng đang xây dựng kế hoạch để cho ra đời một NNV ở Singapore nhằm tạo một sức mạnh tổng thể giúp các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại trên thị trường này. Đây là một kế hoạch hấp dẫn của thành phố để thúc đẩy xuất khẩu.

Nhưng chắc chắn những người lập kế hoạch cũng đã liệu trước vô vàn thử thách và khó khăn khi "đem chuông đi đánh xứ người". Chính từ ý tưởng này của thành phố, tôi lại mơ ước về một NNV trên chính đất nước chúng ta nhằm thúc đẩy thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ và tích lũy kinh nghiệm cho các mô hình tương tự ở các thị trường xuất khẩu.

NNV về bản chất là một "trung tâm thương mại thông minh" với công thức cơ bản:...................................................NNV = giải pháp tiêu dùng toàn diện + sản phẩm + dịch vụ chất lượng cao + chất lượng quản lý + hệ thống thông tin + cam kết của cộng đồng doanh nghiệp...................................................

elwxwpom.jpgPhóng to
Xin mượn tạm khái niệm giải pháp toàn diện của giới tin học để nói đến mục tiêu quan trọng nhất của mô hình này. Thật vậy, khi tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ, cái mà khách hàng thật sự tìm kiếm là "giải pháp cho một hay một tập hợp nhu cầu" nào đó.

Hiện nay, khi đến các cửa hàng bách hóa tổng hợp hay các siêu thị, khách hàng phải tự mình lựa chọn bộ phận riêng lẻ để rồi tự lắp ráp thành một giải pháp cho nhu cầu của mình. Trên thực tế, để giúp các bà nội trợ tiết kiệm thời gian mua sắm, những túi rau tổng hợp để nấu canh chua đã được lựa sẵn và đóng gói - đây là một giải pháp cho vấn đề nấu ăn khi có ít thời gian.

Sao không nghĩ đến giải pháp cho những vấn đề phức tạp hơn, yêu cầu không chỉ vài thứ rau trong một túi mà cần "n trong 1". Chẳng hạn khi vợ chồng bạn tôi dọn về một căn hộ mới, họ thật sự cần có n thứ phải mua. Tất nhiên phải có tiền, nhưng cái làm họ bận tâm hơn hết chính là làm sao cho n thứ đó thích hợp với nhau để cùng tạo nên một không gian sống tiện nghi và đẹp.

Vẫn có cái thi vị khi đi chọn từng món đồ với người mình yêu, nhưng có lẽ những nhà sản xuất - thương mại cũng cần nghĩ đến việc tạo ra những giải pháp tiêu dùng tổng thể cho khách hàng của mình khi nhu cầu của họ ngày càng phức tạp. Lúc này nhu cầu đối với những "cửa hàng một cửa" mà tại đó khách hàng đến có thể được tư vấn, lựa chọn tất cả các chủng loại sản phẩm và dịch vụ... đã thật sự trở nên bức thiết.

Viên gạch đầu tiên để xây NNV có lẽ là các sản phẩm và dịch vụ Việt chất lượng cao. Rất nhiều thương hiệu trong nước đã chiếm được sự tin yêu của khách hàng. Nhưng nếu chú ý quan sát sẽ thấy sự vắng bóng của các thương hiệu dịch vụ. Quả là lệch lạc khi chúng ta quá quan tâm đến phần sản phẩm mà rất ít quan tâm đến các dịch vụ tiện ích cho khách hàng; trong khi theo xu hướng dịch vụ tạo ra giá trị thặng dư cao hơn rất nhiều so với sản phẩm vật chất.

Một ngôi nhà ngoài các tiện nghi vật chất liệu có thể nào thiếu các dịch vụ như thông cống, sửa chữa và bảo trì các thiết bị điện, chống thấm, sơn sửa nhà cửa, dịch vụ giúp việc nhà, chăm sóc người già, đi chợ, tổ chức sự kiện gia đình (như tiệc cưới, tân gia, thượng thọ, sinh nhật), bác sĩ tại nhà...

Rồi những dịch vụ cao cấp hơn như du lịch (hiện nay đã có một số thương hiệu như Saigon Tourist, Văn Hóa Việt), đào tạo (hình như chỉ có các trung tâm tư nhân chú ý đến việc quảng bá thương hiệu, còn các trường đại học lớn của ta vẫn rất thờ ơ), y tế, vận chuyển, tài chính - ngân hàng... Rất nhiều, rất nhiều các dịch vụ đang cần đến các nhà cung cấp có chuyên môn và chất lượng cao. Hiện nay chưa thấy một trung tâm thương mại nào tại thành phố tập trung các cửa hàng cung ứng các dịch vụ loại này. Muốn mua phải tìm đỏ cả mắt mà chưa chắc có được dịch vụ vừa ý.

Thử mường tượng NNV của chúng ta có nhiều gian, mỗi gian là một nhóm giải pháp, chẳng hạn giải pháp vê nhà cửa cho phòng khách, cho phòng ngủ, nhà bếp, văn phòng làm việc; giải pháp cho giải trí; về học tập; về xây dựng; giải pháp về chăm sóc sức khỏe...

Trong mỗi gian ta có thể thiết kế những giải pháp khác nhau cho những nhóm khách hàng khác nhau về thu nhập/giới tính/sở thích/lứa tuổi. Mỗi giải pháp cụ thể phải linh động để cho phép khách hàng thay đổi các thành tố để tự thiết kế giải pháp tối ưu cho chính mình. Lúc này vai trò của máy tính và phần mềm là cực kỳ quan trọng.

Ở các gian hàng, bên cạnh việc trưng bày các giải pháp thiết kế sẵn, máy tính với cơ sở dữ liệu chi tiết về sản phẩm và phần mềm mô phỏng cho phép khách hàng tự mình thay đổi một phần hay toàn bộ thiết kế giải pháp với những sản phẩm và dịch vụ khác nhau có sẵn trong máy tính. Chẳng hạn ở giải pháp phòng ngủ, khách hàng chỉ cần nhập vào số liệu về kích thước căn phòng và một số yêu cầu về thiết kế, máy tính sẽ mô phỏng cho khách hàng một số giải pháp tối ưu. Khách hàng lựa chọn giải pháp và có thể thay đổi từng phần trong giải pháp này.

Cần xây dựng NNV thành một thứ thương hiệu chung mà khi nói đến khách hàng hoàn toàn yên tâm về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Chỉ có những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng và uy tín mới được đứng trong NNV. Quá trình chọn lọc này thật sự hết sức khó khăn.

Hiện nay chương trình "Vietnam Value Inside" cũng đang dự kiến xây dựng một thương hiệu chung của VN để quảng bá trên thị trường quốc tế. Sẽ hiệu quả hơn nếu chương trình được vận hành trước tại thị trường trong nước - nơi chúng ta có đầy đủ "thiên thời, địa lợi và nhân hòa". NNV với các sản phẩm Vietnam Value Inside sẽ thật sự là một nơi để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho một thương trường (chiến trường) thế giới.

NNV không giới hạn ở các giải pháp cho người tiêu dùng mà có thể ứng dụng cả cho những giải pháp cho thị trường khách hàng là các tổ chức, công ty hay chính phủ. Từ đây có thể mơ ước về những "văn phòng Việt", "nhà máy Việt", "công nghệ Việt". Cũng có thể mở những gian giải pháp cho khách du lịch nước ngoài với những dịch vụ giao hàng đến các địa chỉ nước ngoài. Đây cũng chính là hình thức xuất khẩu tại chỗ rất hiệu quả. Những NNV trong nước thành công sẽ chắp cánh cho những NNV ở khắp nơi trên thế giới.

Cuối cùng,nếu thiếu đi chất liệu cuối cùng nhưng hết sức quan trọng - sự cam kết và đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp trong nước cho một sự nghiệp chung. Thiếu chất keo này còn xa lắm một NNV!

Trung tâm Việt Nam tại Singapore

Từ cuối tháng bảy, kế hoạch xây dựng một Trung tâm Việt Nam tại Singapore đã được đích thân lãnh đạo TP.HCM sang tận nước này bàn thảo.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), việc xây dựng cho được các trung tâm, "nhà" VN ở nước ngoài đã được "thai nghén" từ hai, ba năm trước. Bởi không thể ngồi một chỗ mà có thể giới thiệu một cách đầy đủ về mình. Do đó chỉ có thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi các nhà đầu tư bằng cách chủ động đến tận nơi các thị trường có tiềm năng để "tiếp thị".

Ở Singapore hiện đang có sự hiện diện của 6.000 công ty đa quốc gia, trong đó có rất nhiều công ty Mỹ. Và do vậy, theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, khi đến với thị trường Singapore chúng ta không chỉ gặp và tiêp xúc làm ăn với doanh nghiệp (DN) của Singapore mà còn là thị trường của các công ty đa quốc gia. Kế hoạch thành lập Trung tâm VN đang được Cục Hỗ trợ DN Singapore và UBND TP.HCM bàn thảo trên cơ sở hợp tác.

Chức năng chính của trung tâm này khi đưa vào hoạt động dự kiến sẽ bao gồm việc quảng bá, cung cấp thông tin về tình hình đầu tư, thương mại, du lịch của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cho DN tại Singapore; trung tâm cũng sẽ là nơi hỗ trợ DN VN hoạt động tiếp cận vào thị trường Singapore như mở văn phòng đại diện, xúc tiến hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác làm ăn...

Ngoài ra, trung tâm này còn giữ một vai trò hỗ trợ việc hợp tác giữa Singapore và TP.HCM trong lĩnh vực đào tạo, khoa học kỹ thuật... giới thiệu và trưng bày các sản phẩm và hình ảnh VN tại Singapore. Trung tâm VN tại Singapore dự kiến sẽ tọa lạc trên diện tích 1.000m2. Chậm nhất vào đầu năm 2004 Trung tâm VN tại Singapore sẽ ra mắt.

X.TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên