29/09/2003 06:27 GMT+7

Chông chênh trên ghế giảng đường

NGUYỄN VÂN TRƯỜNG
NGUYỄN VÂN TRƯỜNG

TT - Mẹ bệnh tật, cha đã oằn gánh lo. Chị trúng tuyển đại học nhưng phải bỏ dở vì không có tiền đóng học phí. Bây giờ đến phiên Nguyễn Minh Tiến, đậu cùng lúc ba trường đại học, nhưng...

mPRZHZSj.jpgPhóng to
Hai chị em Kim Thi, Minh Tiến (từ phải sang) đang trò chuyện với PV tại nhà cô giáo chủ nhiệm

Chưa bao giờ thầy cô giáo Trường THPT Dưỡng Điềm lại sống trong tâm trạng vui buồn lẫn lộn như bây giờ. Mới đây, cậu học trò sinh năm 1984 “nghèo rớt mồng tơi” Nguyễn Minh Tiến đậu một lúc ba trường đại học và hai trường cao đẳng.

Đó là các trường: Đại học Y dược TP.HCM (trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm), ĐH Khoa học tự nhiên ngành hóa, trúng tuyển luôn nguyện vọng 2 vào Khoa kinh tế Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường cao đẳng Công nghiệp IV.

Trước đó, năm 1999, người chị của Tiến là Nguyễn Thị Kim Thi chưa học hết năm thứ nhất ở Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ đã phải ngậm ngùi bỏ học đi làm công nhân vì không có tiền đóng học phí. Con đường đại học của Tiến bây giờ cũng rất bấp bênh...

Vươn lên từ nghịch cảnh

Chiều 27-9, chúng tôi tìm đến nhà chị em Tiến ở ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành. Chỉ có bà nội Tiến ở nhà. Căn nhà nóng hầm hập như lò than. Một lúc sau, anh Nguyễn Văn Nguyên - cha của Tiến - khó nhọc đẩy chiếc xe đạp cà tàng chở bao lúa giống về tới. Anh nói: “Sáng giờ lên nhà thằng bạn quen hồi đi bộ đội ở Cai Lậy mua rẻ mấy giạ lúa giống về sạ vụ tới. Lo sạ lúa xong còn lo vay tiền đóng tiền học cho thằng Tiến và chị nó nữa. Mấy bữa nay tui rối như tơ vò”.

Thầy Nguyễn Văn Khánh, bí thư Đoàn trường, cho biết: “Mười mấy năm nay ba chị em Tiến chỉ sống trong tình thương yêu của bà, của cha mà thôi (em gái của Tiến là Nguyễn Thị Kim Diễn hiện học lớp 7/1 Trường THCS Dưỡng Điềm), bởi mẹ Tiến đột nhiên mắc bệnh tâm thần từ khi em Diễn mới sinh ra được 10 ngày. Kể từ ngày đó bà ngoại đưa mẹ em về xã Đông Hòa chăm sóc đến nay. Mọi chuyện ăn học của mấy chị em đều đè nặng lên đôi vai người cha. Mấy năm trước, cha Tiến phải mổ bướu cổ, sức khỏe ngày càng xuống dốc. Mười ba năm rồi, năm người thuộc ba thế hệ cùng sống hòa thuận trong căn nhà trống trước trống sau không có gì đáng giá này. Mấy công ruộng bạc màu mùa được mùa mất. Vụ lúa mới đây thu hoạch chỉ được 15 giạ/công. Bán hết cũng không đủ vốn. Nhiều năm nay Kim Thi phải bươn chải kiếm sống tận TP.HCM. Còn Tiến, ngoài giờ học phải đi vần đổi công giúp cha và làm mướn kiếm sống”.

Thầy Nguyễn Văn Trí, hiệu trưởng Trường THPT Dưỡng Điềm, còn cho biết thêm: “Từ khi vào trường đến khi tốt nghiệp THPT, Tiến không có tiền đóng học phí và mua sách. Thầy cô, bạn bè luôn cho em mượn sách giáo khoa, góp tập vở giúp Tiến đến trường. Năm học lớp 10, nhà trường vận động được 300.000 đồng mua tặng Tiến chiếc xe đạp đi học. Bộ đồng phục Tiến mặc đến sờn cả cổ áo. Vậy mà Tiến học rất xuất sắc. Em luôn dẫn đầu khối lớp của mình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2002-2003 vừa qua Tiến giành ngôi thủ khoa của trường với 56 điểm/6 môn”. Cha Tiến nói thêm: “Ngày hôm trước kỳ thi tốt nghiệp nó còn theo tôi vác lúa mướn và làm cỏ ruộng. Tôi mải lo kiếm cơm nên đâu có biết nó thi ngày nào mà nhắc”.

Thi tốt nghiệp xong, Tiến theo bạn bè cùng lớp xuống Mỹ Tho luyện thi. Vậy mà: “Mới có mấy bữa thấy nó xách giỏ quần áo về. Hỏi ra mới biết nó học lóm được mấy bữa thì mấy thầy ở trung tâm luyện thi lên tới lớp thu tiền học phí và tiền ở nội trú, hình như là 300.000 đồng tất cả. Nó đâu có tiền đóng (bạn bè cho ăn cơm) nên len lén “chuồn” ra cửa đi một mạch về tới nhà rồi theo tôi đi làm mướn tiếp” - cha của Tiến kể.

Sau này Tiến mới tiết lộ chuyện đi luyện thi với các bạn chỉ mong học lóm được ngày nào hay ngày đó. Trong thời gian chờ thi đại học, ban ngày làm mướn hoặc làm đồng giúp cha, tối về tự ôn luyện, vậy mà Tiến đã làm cho cả nhà và thầy cô mừng khôn tả khi đậu một lúc ba trường đại học và hai trường cao đẳng. Cô chủ nhiệm của Tiến suốt từ năm lớp 10 đến lớp 12 Đồng Thị Vân Lộc hãnh diện nói: “Năm 1998 trường có một học sinh đậu hai trường đại học. Năm nay trường chỉ có sáu em đậu đại học, và Tiến là người đầu tiên đậu nhiều trường như vậy”.

Nhắc đến chuyện học hành của Tiến, anh Nguyên nghẹn ngào: “Mấy bữa lên TP.HCM thi đại học, Kim Thi đạp xe chở bỏ nó ở trường thi rồi đi làm ở Khu chế xuất Tân Thuận. Chiều đi làm về, chị nó về ghé trường rước. Mấy bữa đi thi nó đều nhịn đói bữa trưa, chỉ uống trà đá lấy sức chiều thi tiếp. Tội nghiệp nó ham học mà chịu vất vả”.

Đã vậy, mới đây Kim Thi gửi giấy tờ về nhờ anh ra xã chứng giùm để đi học tiếp trung học kế toán Trường Nguyễn Hữu Cảnh. Người cha ít học, thấy con mình học hành không thua kém ai vừa mừng ra mặt, vừa đượm vẻ lo âu.

Thầy Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Kim Thi thi đỗ vào Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ năm 1999. Học gần hết năm 1, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có tiền đóng học phí học kỳ hai nên em bị cấm thi, nghỉ học và xin đi làm ở Khu chế xuất Tân Thuận từ đó đến nay. Vừa qua, Kim Thi tiếp tục nộp hồ sơ và trúng tuyển vào trung học kế toán...”.

Ra ủy ban xã chứng thực giấy tờ cho con xong, anh Nguyên viết mấy dòng gửi lên TP.HCM cho Kim Thi: “...Hai chị em con học giỏi, muốn tiếp tục việc học cha rất mừng, nhưng con hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định chuyện đi học trở lại. Ở nhà cha đã hết cách lo tiền đóng học phí cho hai đứa rồi. Chỉ có nước bán ruộng...”.

Cho đến khi chúng tôi viết bài này, người cha của hai em chưa biết được một điều: Kim Thi đã quyết định... tiếp tục đi làm công nhân chứ không đi học chỉ vì bức thư của cha. Kim Thi và Tiến tâm sự: “Nhà có mấy công ruộng để lo cho nội già yếu, lo cho cha... Tụi em có khuyên cha đừng bán ruộng. Nếu phải bán ruộng vì tụi em thì tụi em sẽ nghỉ học”.

“Em học ngành y để sau này chữa bệnh cho người nghèo...”

QILTgpcH.jpgPhóng to
Bà ngoại và mẹ của hai chị em trong "căn chòi" ọp ẹp hơn chục mét vuông
Trong căn chòi ọp ẹp, chật chội hơn chục mét vuông chỉ có một cái giường, một cái bếp của bà Phạm Thị Đua (mẹ của chị em Tiến) ở ấp Tân Trang, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, bà ngoại của Tiến vừa khóc vừa tâm sự với chúng tôi: “Mấy hôm trước thằng Tiến xuống nói với tôi là nó chuẩn bị lên Sài Gòn học trường y để mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho nội, ngoại, cha mẹ và người nghèo. Tôi bị bệnh gai cột sống đi lại khó khăn cũng chẳng có tiền mua thuốc, nên không cho cháu được đồng nào đi học xa, chỉ chúc nó cố học giỏi...”.

Mẹ của Tiến, sức khỏe giờ đã khá hơn nhiều, cũng khóc ròng khi nói đến chuyện học của con. Bà nói trong nước mắt: “Tôi bị bệnh thế này lo cho mình còn chưa nổi làm sao lo cho con được. Nghe nó đậu đại học cũng mừng, nhưng cũng buồn vì mình không làm tròn bổn phận...”.

Trong những ngày chuẩn bị lên TP.HCM nhập học, thầy cô giáo Trường THPT Dưỡng Điềm đóng góp mỗi người một ít để giúp em có tiền đóng học phí, tổng cộng được hơn 1 triệu đồng. Hội Khuyến học tỉnh nghe tin cũng gửi hỗ trợ được 500.000 đồng.

Cha của Tiến cho biết: ngày 6-9-2003 Tiến đón xe đò lên TP.HCM mang theo 2 triệu đồng, trong đó 500.000 đồng anh đi vay cho con đóng tiền học theo giấy báo... Tiến viết thư về nói đã đóng học phí hết 1,8 triệu, khám sức khỏe rồi thủ tục gì đó đứt hết 2 triệu rồi. Mỗi bữa Tiến mất hai tiếng đồng hồ đạp xe gần 20km từ Bình Chánh đến trường học và ngần ấy đoạn đường về nhà trọ. Thế là Tiến đã bước chân vào giảng đường Đại học Y dược (ngành bác sĩ đa khoa) được hai tuần. Đó cũng là thời gian chị Kim Thi của Tiến cố nén nỗi buồn không dám nghĩ đến chữ “học”. Đã từng là một học sinh giỏi đủ sức bước vào cổng trường đại học chính qui, nhưng em không vượt qua được chữ nghèo.

Sau mấy năm bươn chải vất vả với chân công nhân làm ca tại Khu chế xuất Tân Thuận, Kim Thi lại có tên ở một trường trung học, song em cũng không thể vượt qua số phận. Kim Thi tâm sự: “Nếu em đi học thì cả nhà sẽ rất khó khăn. Biết đâu Tiến cũng sẽ bỏ học giữa chừng như em thì sao. Và em quyết định tiếp tục đi làm”.

Mới bước vào cổng trường ĐH Y dược được hai tuần, nhưng trông Tiến rất hốc hác. Tiến tâm sự: “Chuẩn bị vào học chính thức rồi mà em chưa biết tính chuyện sách vở tài liệu ra sao. Hai tuần nay nhờ có người anh bà con xa đi làm công trên này mướn nhà trọ ở Bình Chánh (*) giúp em ở miễn phí. Em cũng ăn... ké tuốt luốt luôn. Mấy bữa nay em cũng dò hỏi thăm kiếm chỗ dạy kèm, nhưng mới lên lạ nước lạ cái nên chưa tìm được. Em sẽ cố gắng tìm việc gì đó làm kiếm tiền, trước hết là để không phải ăn ở ké hoài, khó coi lắm”

--------------------

(*) Khu nhà trọ không số ở tổ 3, ấp 3, xã Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

NGUYỄN VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên