11/10/2003 07:41 GMT+7

Mật ong VN mất thị trường?

ĐÌNH LONG
ĐÌNH LONG

TT - Từ đầu năm đến nay, thị trường thế giới rất thuận lợi cho xuất khẩu mật ong do nhu cầu thị trường lớn, giá cao (2 USD/kg) và nhờ đó kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước tăng gấp đôi. Thế nhưng, theo Hội Nuôi ong VN, kết quả xuất khẩu mật ong của ta lại bi đát.

QncicL2S.jpgPhóng to
VN chỉ mới xuất được 50 % lượng mật ong sản xuất
TT - Từ đầu năm đến nay, thị trường thế giới rất thuận lợi cho xuất khẩu mật ong do nhu cầu thị trường lớn, giá cao (2 USD/kg) và nhờ đó kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước tăng gấp đôi. Thế nhưng, theo Hội Nuôi ong VN, kết quả xuất khẩu mật ong của ta lại bi đát.

Đến hết tháng sáu mới xuất được 8.000 tấn, bằng 50% lượng mật sản xuất. Thậm chí có công ty chấp nhận bán giá “bèo” nhưng vẫn tồn đọng khối lượng lớn!

“Đây là hệ quả không tránh khỏi của kiểu làm ăn gian dối của một số người nuôi ong và doanh nghiệp” - nhiều thành viên của Hội Nuôi ong VN gay gắt.

TS Phùng Hữu Chính - Trung tâm Nghiên cứu ong - cho biết mật ong VN được các nước khó tính như Mỹ, Nhật, Pháp, Canada... đánh giá tốt. Do vậy, năm 2002 xuất khẩu đạt trên 14.000 tấn, trị giá 20 triệu USD và trở thành một trong 10 nước xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới. Giá mật ong tăng nhanh - từ 16.000 đồng/kg tăng lên 27.000 đồng/kg.

Thế là một số người nuôi ong đã cho ong ăn đường để ong sản xuất ra mật... nhân tạo. Tệ hơn, một số hộ tại Gia Lai, Đắc Lắc, Cà Mau... còn làm mật ong giả từ đường để bán. Rồi ngay cả những người nuôi ong lâu năm cũng pha thêm nước đường vào mật ong cho thêm phần “nặng ký”.

Một số công ty xuất khẩu mật ong lại càng làm cho tình hình tồi tệ hơn: do ký được giá xuất khẩu cao, nhu cầu thu mua mật để xuất khẩu lớn trong khi lượng mật thu được lại ít (do bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi) nên giành nhau mua mật bằng mọi giá miễn sao thu mua được nhiều mật nhất: tăng giá, cử người đến tận trại để thu mua và ngay cả khâu quan trọng nhất là kiểm tra chất lượng mật khi mua cũng bị bỏ qua.

Đã thế hệ thống kiểm tra chất lượng của cơ quan nhà nước lại mang tính hình thức nhiều hơn là thực chất để giám sát và cảnh báo!

Trước kiểu làm ăn thiếu trung thực và thiếu trách nhiệm trên, các nước nhập khẩu lập tức phản ứng: trả hàng về hoặc phạt tiền, cắt hợp đồng... đối với một số doanh nghiệp VN.

Đi theo thiệt hại về kinh tế trước mắt, theo ông Đinh Quyết Tâm (Hội Nuôi ong VN), nó còn đe dọa đến uy tín mật ong VN sau một thập kỷ được thị trường thế giới công nhận, đe dọa sự sống còn nghề nuôi ong nước ta.

“Phải dừng ngay lập tức kiểu làm ăn chụp giật này nếu không sẽ quá muộn” - Hội Nuôi ong VN “báo động đỏ”. Nhưng bằng cách nào?

Nhiều thành viên hội này quả quyết người nuôi ong và doanh nghiệp phải coi việc đảm bảo chất lượng là danh dự, là điều kiện cốt tử để nghề nuôi ong tồn tại và phát triển.

Cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra giám sát chất lượng ngay từ khâu sản xuất, trước hết tại vùng nuôi ong tập trung như Đắc Lắc, Đồng Nai, Lâm Đồng. Đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn và đầu tư nâng cấp hệ thống kiểm tra chất lượng để có thể kiểm tra dư lượng các chất tồn dư chính xác đến 0,1 phần tỉ (như ngành thủy sản hiện nay) theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đồng thời nhà nuớc phải có biện pháp ngăn chặn hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào VN để tái xuất khẩu (đã xảy ra từ 2002) với giấy chứng nhận xuất xứ từ VN.

ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên