17/10/2003 06:34 GMT+7

Tường trình từ phòng thi...đặc biệt!

NG.PHAN - H.THUẬT
NG.PHAN - H.THUẬT

TT - Đến phần thi nói, vị giám khảo hỏi tôi: “When were you born?”, không ngần ngại tôi trả lời ngay: “Designer”. Vị giám khảo trợn mắt nhìn tôi đầy kinh ngạc. Nhưng rồi ông vẫn nhẫn nại hỏi tiếp: “When were you born?”, chắc như đinh đóng cột tôi vẫn trả lời: “Designer”!

sn62Panl.jpgPhóng to
Tài liệu phát trước cho thí sinh

Thấy tôi cương quyết quá, ông lại hỏi: “What's your job?”, lần thứ ba tôi lặp lại: “Designer”. Lần này ông bảo tôi: “Go home”! Nhưng thấy tôi vẫn ngồi yên lặng, ông gằn từng tiếng: “Tôi bảo “go home” là đi về nhà, nghe chưa?”.

Lớp "luyện thi"... 1 giờ!

Theo lời chỉ dẫn, đúng 6 giờ sáng 14-9-2003, tôi có mặt tại nhà cô giáo Thùy để học ôn trước khi đi thi. Ngôi nhà nằm trong con hẻm sâu, đối diện nhà hàng Trường An, trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Cô giáo ra mở cửa và nói với giọng chẳng vui chút nào: “Cả lớp đang chờ em. Đã vào học rồi, em dắt xe vào nhà để tí nữa đi xe hơi luôn!”.

Lớp học, tính luôn cả tôi, cả thảy có bảy người. Có bốn học viên nữ và hai học viên nam, phần lớn đều đứng tuổi. Khi tôi vào lớp, cô giáo đã ôn tới câu 4 của phần nói (speaking). Phần này có tất cả 30 câu hỏi, chủ yếu các câu hỏi đơn giản như: bạn tên gì, bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa, sinh năm nào, sống ở đâu, làm nghề gì, thích xem cái gì, từ nhà đến trường mất bao nhiêu thời gian... Và theo sự hướng dẫn của Thùy thì chỉ nên trả lời ngắn gọn kiểu như: 18 tuổi, sống ở TP.HCM, thích mua sắm...

Ngồi bên cạnh tôi là một học viên chừng trên 30 tuổi. Nghề nghiệp của anh ta theo như câu trả lời với “cô giáo” là “bank” (ngân hàng) và anh ta đến từ Trà Vinh. Anh ta cẩn trọng cả một trang giấy khổ lớn, theo thứ tự câu hỏi và câu trả lời, một bên câu hỏi là tiếng Anh và một bên là câu trả lời được ký âm tiếng Việt.

Đại loại kiểu như tương ứng với câu hỏi “What kind of books do you like reading?” (bạn thích đọc loại sách gì?) thì câu trả lời anh ta ghi là “pho mai chớp” (for my job - thích đọc loại sách phục vụ cho công việc của mình); hoặc “What's your hobby?” (sở thích của bạn là gì?) thì câu trả lời là... “xốp ping” (shopping - mua sắm). Lâu lâu anh ta lại nói tự nhiên với người bạn gái bên cạnh: “Tui lo quá, nhưng nghe cô giáo nói vậy là yên tâm lắm rồi!”.

Còn cô giáo như để củng cố niềm tin với học viên cũng trấn an: “Các anh chị đừng nhìn vào giấy trả lời mà phải cố nhớ, vì các anh chị trả lời đúng sẽ được xếp loại cao hơn. Còn đã thi thì chắc chắn đậu rồi”.

Cả phòng bỗng phấn chấn hẳn lên sau câu nói đầy tự tin của cô giáo. Lúc này tôi mới bắt đầu nhận được giấy báo dự thi, số báo danh là 48, phòng thi số 13. Cô giáo bảo: “Em thi chung phòng với nhóm Đồng Tháp”. Bây giờ tôi mới hiểu mình đang ngồi học chung với nhóm Trà Vinh.

Còn hai câu nữa mới xong thì cô giáo có điện thoại. Giọng nói của Thùy cho biết có một người bị mổ ruột thừa nên không tới dự thi được. Cô Thùy cẩn thận dặn người nói chuyện với mình là hồ sơ người ấy nên để riêng ra, vì mổ ruột thừa xong anh ta sẽ đi thi đợt sau.

Buổi "luyện thi" chấm dứt chỉ sau... 1 giờ. Cả lớp đi ra đường để về điểm thi. Ngoài ấy đã có sẵn một chiếc Mercedes 14 chỗ ngồi mang biển số 84 của Trà Vinh chờ sẵn đầu hẻm...

Cán bộ coi thi = cán bộ hướng dẫn!

SQpC5z1c.jpgPhóng to
Sau buổi thi, xe ở tỉnh lại đưa thí sinh về...
Phòng tôi thi có hai giám thị, một già và một trẻ. Khá ấn tượng với vị giám thị già khi vừa bước vào phòng thi ông đã phì phèo ngay điếu thuốc trên môi. Cả trong thời gian coi thi cũng vậy, hết điếu thuốc này là ông châm điếu khác ngay.

Phòng này sau khi điểm danh có 64/65 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Lúc đầu qui định chỉ có 4 người/bàn dài và 2 người/bàn nhỏ. Nhưng sau đó vì không đủ chỗ cho TS ngồi, vậy là một bàn ngồi bao nhiêu cũng được, miễn là ngồi và viết được.

Khi giám thị điểm danh, có hơn chục TS thắc mắc số báo danh của mình, họ tên... không trùng khớp với danh sách dán ngoài phòng thi, thì vị giám thị trẻ trả lời: “Các anh chị cứ yên tâm, điều đó không quan trọng, cái quan trọng là anh chị phải ghi đúng vào hai tờ giấy mà chúng tôi sẽ phát cho anh chị. Khi cấp bằng, người ta sẽ căn cứ vào hai tờ giấy này để cấp”.

Lát sau, có một phụ nữ đưa hai TS vào phòng thi và nói với giám thị rằng: “Hai em này chưa có ảnh, tí nữa sẽ bổ sung sau...”. Vị phụ nữ này đã tỏ ra hết sức hiên ngang khi gọi một TS khá lớn tuổi, bụng bự, bàn tay có đeo nhẫn vàng điểm một hột xoàn to tướng ra ngoài để giới thiệu với vị giám thị trẻ... nhờ giúp đỡ.

Bài thi được phát. Hóa ra bước đánh đố TS đầu tiên không phải câu hỏi mà là bước điền họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi thi. Như nắm bắt được yếu tố này, vị giám thị già đằng hắng giọng: “Các anh chị chú ý, chữ full name là anh chị ghi họ và tên mình vào, chữ place of birth là ghi nơi mình sinh...”. Sau đó như đã được phân công sẵn, vị giám thị trẻ di chuyển xuống cuối lớp để chỉ cho một TS ngồi bàn cuối, còn vị giám thị già chỉ cho một người ngồi trước mặt tôi.

Một phòng thi gồm hai đề thi, đề thi số 60 và 61. Vị giám thị già phụ trách nhóm TS thi đề số 61 và vị giám thị trẻ phụ trách nhóm TS thi đề số 60. Căn dặn TS trước khi thi, vị giám thị già chỉ yêu cầu TS không được sử dụng điện thoại di động; còn vị giám thị trẻ yêu cầu TS giữ yên lặng vì “các anh chị làm bài thi bằng tay bằng mắt chứ không phải bằng miệng”! Ngoài ra, kỷ luật phòng thi không yêu cầu gì nữa. Tài liệu TS có thể thoải mái để trong túi quần, túi áo, để trên ghế... mà hoàn toàn không sợ bị tịch thu (!).

Lúc này vị giám thị già bước đến bên tôi, nhìn thấy tôi để trống phần điền vào chỗ trống, ông khẽ nhắc: “such as too”. Tôi làm bộ không biết thì ông nhăn mặt tỏ vẻ không hài lòng: “Không biết ghi thì thôi!”.

Lát sau ông quay lại và nhắc “hai anh xem bài phía trên”. Thật nhanh, anh chàng đen đen ngồi bên cạnh tôi đã chuyền tờ giấy thi lên bàn trên để một người khác ghi vào. Công đoạn ghi lại có vẻ phiền phức quá, cho nên anh chàng ngồi phía trên đã đưa cả bài thi cho chúng tôi ghi cho nhanh.

Trên bài thi đó còn có những nét chữ bằng viết chì của vị giám thị già ghi ra để TS biết mặt chữ mà ghi lại, sau đó sẽ tẩy đi. Thấy thầy chỉ bên này nhiều quá, hai anh chàng ngồi bàn trên cùng đã chuyển chỗ cho nhau. Lý do là anh chàng ngồi ngoài cửa có vẻ biết tiếng Anh nhiều hơn, dễ lĩnh hội được lời vàng ý ngọc của thầy.

Phía sau tôi là hai TS đến từ Đồng Tháp, có lẽ thân nhau lắm nên cô gái ngồi bên cạnh mới kiên nhẫn đánh vần từng tiếng cho anh bạn mình ghi: “chữ rờ, e, chữ phờ, chữ o...”. Một TS khác ngồi cùng bàn với tôi đã bị vị giám thị già gõ lên đầu vì cái tội làm “thầy bực” khi mà thầy chỉ mãi vẫn không ghi được chữ nào (!). Càng về sau, phòng thi càng sôi động bởi khắp nơi đều vang lên những tiếng gọi khẩn khoản, đầy thống thiết: “Thầy ơi, chỉ em với...”.

Nghe: không máy cassette, nói: chỉ hỏi đúng một câu!

Làm khoảng được một giờ, cả hai vị giám thị đều nhắc nhở: “Bài luận chiếm điểm rất cao, các anh chị nên tập trung vào làm bài luận, những câu khác chưa làm được cứ để đấy. Đề 60 bài luận yêu cầu “anh chị hãy nói về công việc mà mình yêu thích nhất”, còn đề 61 yêu cầu “anh chị hãy nói về công việc mà anh chị ghét nhất, vì sao?”.

Nếu các giám thị không nhắc, chắc chắn sẽ không có TS nào biết được đề bài luận sẽ phải dịch ra như thế nào. Giọng nói vừa dứt, đồng loạt các TS đều lấy từ trong túi xách, túi quần áo của mình ra một tập tài liệu. Hầu hết các tập tài liệu đều giống nhau, gồm 13 tờ giấy A4 do cô giáo phát, trong đó cứ một trang có một nửa là bài luận bằng tiếng Anh và một nửa được dịch sang tiếng Việt, để TS có thể biết nội dung bài luận tiếng Anh ấy nói gì mà chép vào.

Tôi cũng lấy tài liệu ra, để lên bàn xem, nhưng tập tài liệu đã trở nên vô dụng vì không có bài luận nào giống với đề thi. “Có ai bảo anh chị tả Huế mà anh chị đi tả chiếc nón không? - giọng vị giám thị trẻ đột ngột vang lên - Người ta yêu cầu tả công việc yêu thích mà chị lại tả thú thích đọc sách...!”. Hóa ra vì suy diễn và bí quá, cô TS nọ đã chép nguyên xi bài luận bằng tiếng Anh với tựa đề “Loại truyện tôi thích đọc”. Cuối cùng, các bài luận viết bằng tay không hiểu từ đâu chui ra và TS cứ thế vô tư, thoải mái mà... chép!

Tôi xin phép ra ngoài, vị giám thị trẻ xẵng giọng: “Anh ra mà nếu vào không kịp thì anh thiệt thòi ráng chịu, gần tới lúc làm bài thi nghe rồi”. Tôi bước ra ngoài, nhìn vào phòng thi bên cạnh (phòng thi số 14) mới thấy phòng thi này cũng có diện tích tương tự phòng thi của tôi, nhưng lại chứa đến hơn 75 TS. Bên ngoài phòng thi không khí cũng khá khẩn trương, nhiều TS từ các phòng thi tranh thủ ra ngoài đứng hút thuốc, một số TS khác cũng tranh thủ nói chuyện điện thoại thật say sưa...

Tôi vào lại phòng thi, nghe vị giám thị trẻ nói thật to: “Tất cả ngưng lại và chuẩn bị làm phần thi nghe”. Đến bây giờ tôi mới cảm nhận được rằng giọng nói của vị giám thị này chuyên nghiệp vô cùng! Cái giọng nói ấy luôn vang lên đều đều và vô cảm, chung một nhịp điệu, tần số, giống như được phát ra từ một cái máy đã được lập trình sẵn: “Các anh chị lưu ý, khi tôi bảo viết từ chữ đó trở đi thì các anh chị viết vào, chỗ nào phải thêm chữ tôi sẽ viết lên bảng, anh chị phải tập trung mà ghi, ai ghi không kịp thì ráng chịu”.

Tôi nhìn quanh quất chẳng thấy cái máy cassette nào để TS nghe cả. Và chợt hốt hoảng khi nghe vị giám thị trẻ ấy - vẫn chất giọng đều đều - nhìn thẳng vào tôi mà nói: “phóng viên”. Nhưng may quá, giọng nói “lập trình” tiếp theo đã kịp thời trấn an tôi: “Các anh chị viết từ chữ “the speaker is pressing”, viết xong các anh chị thêm chữ phóng viên là reporter vào!”. Tay cầm miếng lau bảng, viết đến đâu vị giám thị trẻ liền xóa đến đó để lau chùi dấu vết.

Năm phút sau, đợt thi nói bắt đầu. Tôi và một TS khác có nhiệm vụ khiêng hai bàn nhập chung để thi nói. Vị giám thị già bỗng nhiên trở thành... giám khảo phụ trách phần thi nói. Các câu hỏi mà tôi được nghe nhiều nhất là “When were you born? ”, “What's your job? ”, “What do you do? ”... Chưa đầy 30 giây là một TS trả lời xong phần thi nói của mình. Đến lượt tôi, vị giám khảo già cũng chỉ hỏi đúng một câu. Và khi thấy tôi vẫn kiên định trả lời... trớt quớt, ông không nén được nỗi bực dọc: “Tôi bảo “go home” là về đi!”. Thế là tôi ra về và ung dung chờ nhận bằng...

------------------

* Tin, bài liên quan:

- Những hệ thống kinh doanh siêu lợi nhuận- Thi cử = mua và bán!

NG.PHAN - H.THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên