17/10/2003 07:11 GMT+7

Ngành điện xúc phạm khách hàng?

THANH TÒNG
THANH TÒNG

TT (TP.HCM) - Nhiều khách hàng của ngành điện đột nhiên bị buộc cho cái tội "ăn cắp điện". Lý do: ngành điện phát hiện một số dấu hiệu bất thường xung quanh điện kế. Thế nhưng liệu đó có phải là chứng cứ rõ ràng để có thể ra thông báo xúc phạm đến danh dự khách hàng và xử phạt họ?

LGMQztTO.jpgPhóng to
Những tờ biên bản kiểm tra sử dụng điện không xác định được hành vi ăn cắp điện.
TT (TP.HCM) - Nhiều khách hàng của ngành điện đột nhiên bị buộc cho cái tội "ăn cắp điện". Lý do: ngành điện phát hiện một số dấu hiệu bất thường xung quanh điện kế. Thế nhưng liệu đó có phải là chứng cứ rõ ràng để có thể ra thông báo xúc phạm đến danh dự khách hàng và xử phạt họ?

Tróc vỏ, hở mép là... ăn cắp điện?

Tháng 8-1998, gia đình chị N.M.L. - em gái chủ nhà số 439F10 Phan Văn Trị, Gò Vấp, TP.HCM - được lắp đặt đồng hồ điện. Đến ngày 19-7-2003, Điện lực Gò Vấp thay đồng hồ điện.

Khi gỡ đồng hồ, nhân viên điện lực cho biết niêm chì và dây cáp điện “sai qui định của ngành điện”, cụ thể là niêm chì trên đồng hồ bị tác động lực làm mặt bị biến dạng (chưa đứt rời), một đoạn cáp Muller bị mất lớp vỏ khoảng 2cm làm hở lõi đồng.

Ngày 28-8-2003, Điện lực Gò Vấp gửi thông báo lần 1 về kết quả giải quyết xử lý vi phạm sử dụng điện cho gia đình chị L., xác định hình thức vi phạm là “phá chì nắp chụp và tróc vỏ cáp Muller” nên yêu cầu bồi thường số điện thất thoát là 1.569kW.

Chị L. kể: “Khi đến làm việc với ngành điện, chúng tôi đề nghị nên dựa vào thiết bị điện có trong nhà và khoản tiền điện chúng tôi vẫn trả hằng tháng để xem xét chúng tôi có “ăn cắp điện” hay không, song chẳng ai trả lời cho thỏa đáng.

Theo hợp đồng với ngành điện, giá bồi thường ở khung cao nhất chỉ áp dụng cho những đối tượng ăn cắp điện, tại sao không có chứng cứ mà ngành điện lại xác định và bắt tôi phải trả như vậy? Nhân viên ngành điện vẫn đến nhà ghi điện hằng tháng, tại sao không kiểm tra đồng hồ? Bỗng đùng một cái chúng tôi trở thành những người ăn cắp...”.

Không riêng nhà chị L., nhiều hộ dân ở hẻm 439 cũng bỗng trở thành... người ăn cắp như vậy.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiền mua lại căn nhà số 12, đường 14, phường Phước Long, quận 9, TP.HCM vào năm 2000. Đến đầu tháng 9-2003, ngành điện cử người tới thay đồng hồ và phát hiện có vết khoan phía trên đồng hồ nên lập biên bản xử lý hành vi vi phạm qui định ngành điện...

Anh Hiền kể: “Từ lúc mua nhà đến giờ tụi tôi không để ý đến điện kế. Trung bình mỗi tháng tụi tôi trả 350.000 đồng. Vậy mà chẳng hiểu sao ngành điện buộc tụi tôi phải bồi thường hơn 6 triệu đồng”.

Ngụ cùng khu vực với anh Hiền, nhà ông Lê Quang Trung (số 13, đường 14) cũng rơi vào cảnh tương tự vì viên chì hộp số bị hở mép và viên chì đầu dây bị soi. “Thế là ngành điện xác định tôi ăn cắp điện để xử phạt. Nếu áp đặt tôi sẽ kiện...”.

Phạt theo qui định?

Đối với “vi phạm” của gia đình chị L., một cán bộ kinh doanh của ngành điện khẳng định: “Nắp chì biến dạng chắc chắn là do có người nạy đồng hồ lên sau đó tiến hành cạo lớp vỏ bọc cáp Muller, do vậy chủ nhà không thể nói không biết (?!)”.

Vậy việc phạt dựa vào đâu?

Ông Huỳnh Long Hải - trưởng phòng kinh doanh Điện lực Gò Vấp - trả lời: “Căn cứ nghị định 45, tất cả trường hợp có dấu hiệu làm thất thoát điện tiêu thụ đều được hội đồng giải quyết vi phạm hợp đồng mua bán điện xem xét. Sau khi có kết luận, điện lực mới có thông báo về số điện năng phải đền bù. Thế nhưng chúng tôi không áp đặt mà mời khách hàng đến thỏa thuận, nếu khách hàng đồng ý mới tiến hành thu tiền phạt”.

Những khách hàng không may của ngành điện đều ấm ức. Ông Lê Quang Trung nói: “Nếu tính cho hợp tình, hợp lý thì ngành điện cần xác định chúng tôi có ăn cắp hay không. Sao lại dựa vào một vài dấu hiệu để qui kết và áp đặt như thế!”.

Ông Nguyễn Võ Tấn Huy - trưởng phòng kinh doanh Điện lực Thủ Thiêm - khẳng định: “Trường hợp nhà số 12, đường 14 do có chứng cứ rõ ràng (lỗ khoan) nên cứ theo qui định mà xử. Còn trường hợp nhà số 13 hiện mới chỉ có nhận định của đội kiểm tra. Sau khi có kết quả giám định lại niêm chì, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo nghị định 45. Ngược lại, chúng tôi sẽ thông báo giải tỏa biên bản. Trong hóa đơn tiền điện hằng tháng, chúng tôi vẫn yêu cầu khách hàng nếu có thay đổi mục đích hoặc chủ thể sử dụng điện thì phải báo cho điện lực biết”.

Song theo anh Hiền: “Tuy điện kế có lỗ khoan nhưng vì điện kế là của ngành điện nên khi mua nhà chúng tôi kiểm tra làm chi? Tại sao không đối chiếu thiết bị điện trong nhà với hóa đơn điện mà xác định tụi tôi ăn cắp điện?”.

Vẫn biết rằng lượng điện bị thất thoát không phải là nhỏ và có không ít khách hàng sử dụng nhiều thủ thuật tinh vi để trộm cắp điện (thậm chí có cả sự giúp sức của nhân viên ngành điện) nên chống thất thoát là điều hết sức cần thiết

Tuy nhiên việc chỉ dựa trên một số dấu hiệu bất thường (chưa phải là những chứng cứ rõ ràng) để qui khách hàng đã ăn cắp điện, rồi ra thông báo phạt là việc làm xúc phạm đến danh dự của nhiều cá nhân, gia đình. Ngành điện cần nghiên cứu, áp dụng những phương cách khác hợp lý và hợp pháp hơn...

THANH TÒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên