16/10/2003 10:31 GMT+7

Những xa lộ cho rùa

MINH THẮNG - VÕ HƯƠNG - Đ.TR. thực hiện
MINH THẮNG - VÕ HƯƠNG - Đ.TR. thực hiện

TT - Cùng với loạt bài phóng sự về “Những xa lộ cho... rùa”, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã tiến hành các cuộc phỏng vấn và trao đổi với những người có trách nhiệm. Họ đã nói gì về những biển báo hạn chế tốc độ, về cách hành xử tài xế khi vi phạm?

KoPUhczi.jpgPhóng to
Dù đã được nâng cấp, xây con lươn, rào chắn nhưng quốc lộ 51 vẫn giới hạn vận tốc cho... rùa - Ảnh: L.A.Đ.
TT - Cùng với loạt bài phóng sự về “Những xa lộ cho... rùa”, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã tiến hành các cuộc phỏng vấn và trao đổi với những người có trách nhiệm. Họ đã nói gì về những biển báo hạn chế tốc độ, về cách hành xử tài xế khi vi phạm?

* Cục trưởng Cục đường bộ VN Thiếu Đăng Khoa: "Sẽ chỉ cắm biển báo ở những vị trí cần cưỡng bức tốc độ"

Sau khi xây dựng cầu đường tốt hơn, loại dần các phương tiện chuyên chở cũ kỹ thì lại hạn chế tốc độ vận chuyển chỉ còn 40, 30, có nơi chỉ 20km/g liệu có nghịch lý không, thưa ông?

zp39lQG2.jpgPhóng to
Ông Thiếu Đăng Khoa
- Thời gian qua hơn 70% vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe vượt quá tốc độ an toàn cho phép, không làm chủ tốc độ dẫn tới hệ quả không xử lý kịp các tình huống phức tạp trên đường, đặc biệt khi đường tốt hơn lên thì tai nạn giao thông càng tăng.

Do vậy, việc đặt biển hạn chế tốc độ bắt buộc ở khu đông dân cư, có đường ngang giao cắt, địa hình phức tạp, tại các đường cong, tầm nhìn che khuất, nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông... là cần thiết.

Khi đặt biển báo các đơn vị quản lý đường bộ có chú ý đến ảnh hưởng của việc khống chế tốc độ lưu thông sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế?

- Chúng tôi có lưu ý cân đối hai yếu tố giảm tai nạn giao thông và phát huy đồng vốn đầu tư vào công trình hạ tầng, tức vừa kéo giảm tai nạn nhưng không làm giảm năng lực lưu thông.

Trên quốc lộ 51 từ Đồng Nai về Vũng Tàu dài 73,6km hiện có 49 biển báo, từ TP.HCM về cầu Mỹ Thuận dài 100km có 67 biển báo, theo ông, có sự lạm dụng và tùy tiện trong việc cắm biển báo hạn chế tốc độ?

- Hiện có một số địa phương thực hiện không đúng qui định về việc lắp đặt biển báo tốc độ, có nơi lạm dụng việc đặt biển hạn chế tốc độ, chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ rà soát lại tất cả biển báo trên đường để cập nhật và điều chỉnh lại chuẩn xác theo hướng đảm bảo cho người lái xe làm chủ tốc độ và lưu thông nhanh chóng, thuận tiện.

Có hiện tượng biển báo tốc độ thay đổi đột ngột từ 40 xuống 20, rồi 30km/g... khiến người lái khó tập trung?

- Chúng tôi sẽ đặt biển báo ở những vị trí cần cưỡng bức tốc độ, còn lại chỉ đặt biển báo cảnh báo nguyên nhân tai nạn để lái xe tự biết và phòng ngừa bằng việc hạn chế tốc độ. Những biển báo không phù hợp se bị gỡ bỏ.

*Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM Phạm Văn Thịnh: "Cắm biển báo tốc độ như hiện nay là bất hợp lý"

cROHnbrl.jpgPhóng to
Ông Phạm Văn Thịnh - Ảnh: T.Đ
Thưa ông, cảnh sát giao thông có thấy việc cắm biển báo tốc độ hiện nay rất lung tung, tùy tiện, bất hợp lý?

- Đúng vậy. Hệ thống biển báo tốc độ, tín hiệu giao thông hiện nay rất bất thần, bất hợp lý và khó thực hiện.

Bộ Giao thông vận tải cần căn cứ cấp độ, công năng, tính năng của mỗi con đường, tính toán cụ thể để qui định tốc độ cho từng loại ôtô, xe du lịch chạy thế nào thì vừa, xe tải chạy bao nhiêu thì đủ. Chứ cứ thực hiện như hiện nay thì rất ảnh hưởng đến lái xe, chủ xe.

Trước những bất hợp lý như vậy, cảnh sát giao thông TP.HCM có nên xử phạt một cách máy móc?

- Chúng tôi xử phạt theo đúng pháp luật. Trước mắt nếu phạt về tốc độ, cảnh sát giao thông TP đều được quán triệt biện pháp chọn lọc điểm, khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn mà tài xế lại hay phóng nhanh, ở đoạn đường này thì cảnh sát viên mới bắn tốc độ để kiểm tra, xử lý.

Mục đích chính của việc xử phạt hạn chế tốc độ là để làm giảm tai nạn giao thông ở những đoạn đường nguy hiểm. Chúng tôi cũng quán triệt xử phạt để giáo dục, không “canh phạt” để lấy số lượng, chỉ tiêu.

* Phó cục trưởng cục Đường bộ VN Nguyễn Anh Tuấn: " Loại bớt biển báo hạn chế tốc độ không cần thiết"

Ông có cho rằng dấu hiệu “lạm phát” những biển hạn chế tốc độ đang gây biết bao khó khăn cho lái xe?

- Đúng là xe chạy chậm như thế thì hiệu quả khai thác tuyến đường sẽ không cao. Được mặt này lại ảnh hưởng mặt kia. Cho nên quan trọng là làm sao phải hài hòa cả hai phía. Chúng tôi đang nghiên cứu để đạt được điều này.

Liệu quá trình điều chỉnh như ông vừa nói bao giờ mới xong?

- Chúng tôi đang làm dần dần, không thể một lúc mà hoàn thành ngay được. Ngành đường bộ sẽ cùng ngành công an, chính quyền địa phương tiến hành rà soát lại hệ thống biển báo trên quốc lộ.

Tùy thuộc nhiều yếu tố, có chỗ phải bỏ, có chỗ phải cắm thêm. Dòng chảy giao thông thay đổi không ngừng, các biển báo cũng không thể cố định mãi được. Các nước thậm chí cắm cả biển báo theo ngày chẵn, ngày lẻ.

MINH THẮNG - VÕ HƯƠNG - Đ.TR. thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên