Ở một trung tâm tư vấn cai nghiện tại Hamburg

PHẠM QUỐC AN 22/09/2003 22:09 GMT+7

TTCN - Trung tâm tư vấn cai nghiện nơi tôi tự nguyện làm việc (Humburg, Đức) có chức năng chính là tư vấn cai nghiện cho người nghiện đủ mọi thành phần, mọi loại (nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện cờ bạc). Ở trung tâm này người nghiện được ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, đổi kim chích cũ lấy mới; tất cả đều miễn phí.

Phóng to
Người nghiện đang được châm cứu
TTCN - Trung tâm tư vấn cai nghiện nơi tôi tự nguyện làm việc (Humburg, Đức) có chức năng chính là tư vấn cai nghiện cho người nghiện đủ mọi thành phần, mọi loại (nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện cờ bạc). Ở trung tâm này người nghiện được ăn uống, vệ sinh, tắm giặt, đổi kim chích cũ lấy mới; tất cả đều miễn phí.

Trung tâm mở cửa mỗi thứ hai, ba, năm, sáu từ 10g sáng đến 19g; riêng thứ tư dành để họp và giải quyết công việc nội bộ. Công việc đầu tiên của tôi ở đây là trông nom quầy bán nước giải khát của trung tâm. Quầy này không kinh doanh mà chỉ phục vụ là chính; bán cà phê, trà, coca cola, nước trái cây và nước suối với giá đặc biệt 0,3 euro/ly (giá bình thường là hơn 1euro/ly).

Bên cạnh đó quầy cũng phục vụ đồ ăn miễn phí; buổi sáng có bánh mì, bơ, mứt; buổi chiều thường có súp, bánh ngọt, trái cây. Đồ ăn và tất cả những thứ miễn phí khác trung tâm đều nhận từ Tổ chức Hamburger Tafel e.V. Tổ chức này chuyên đi thu gom đồ cứu trợ (chủ yếu là đồ sắp quá hạn từ các siêu thị) phân phát cho các cơ sở công tác xã hội.

Sau khi đã phần nào tiếp xúc nhiều với người nghiện đến trung tâm, các tư vấn viên bắt đầu cho tôi ngồi nghe (chỉ là ngồi nghe) các cuộc nói chuyện giữa họ và người nghiện. Tất nhiên sự có mặt của tôi cũng phải được sự đồng ý của người nghiện. Trong thời gian làm việc ở trung tâm, chưa lần nào người nghiện không đồng ý cho tôi ngồi nghe chuyện của họ.

Nội dung các cuộc nói chuyện rất đa dạng. Người muốn cai thì đến nhờ tìm giúp một suất cai nghiện tập trung ở một trung tâm cai nghiện thích hợp. Người đang cai gặp khó khăn đến nhờ hướng dẫn tìm cách giải quyết. Có người không viết được đơn từ cho đàng hoàng (có thể do ảnh hưởng ma túy) cũng đến nhờ tư vấn viên gợi ý hoặc chỉnh sửa giùm. Thậm chí có người nghiện muốn sửa lại phòng tắm ở nhà nhưng không có tiền, đến nhờ tư vấn viên xin nhà nước sửa miễn phí giùm. Nhiều người đến đây chỉ để nói chuyện tâm sự với tư vấn viên.

Phóng to
Nơi uống cà phê dành cho khách của trung tâm
Trung tâm này không có chức năng điều trị cai nghiện tập trung, nhưng có điều trị cai nghiện ngoại trú bằng cách châm cứu, chủ yếu là châm cứu ở vành tai và một số huyệt ở đầu. Thường một kỳ điều trị châm cứu kéo dài ba tháng, mỗi tuần 1-2 lần, có tác dụng làm giảm cảm giác thèm thuốc và giúp xoa dịu thần kinh.

Ấn tượng nhất đối với tôi là tận mắt chứng kiến những người nghiện hút chích trong phòng “an toàn sức khỏe“. Tôi như thấy họ đang hủy hoại thân thể của chính họ. Một ông “khách quen của trung tâm” chích ma túy đã lâu, mới hơn 40 tuổi mà nhìn già như đã hơn 60 tuổi, các tĩnh mạch ở tay chân đều hư hết, bây giờ phải chích vào dưới háng.

Theo một số dân nghiện mà tôi có dịp tiếp xúc ở đây, cái khó nhất không phải là bỏ được thuốc, mà là hội nhập lại với cộng đồng. Nhiều người đã bỏ thuốc ba, bốn lần mà vẫn chơi trở lại, vì sau khi bỏ thuốc họ cảm thấy cuộc đời hoàn toàn trống rỗng - không còn gia đình, không xin được việc làm, bạn bè thì chỉ còn lại những người bạn nghiện hút. Thế là lại rơi vào vòng ma túy.

Để tham khảo về công tác phòng chống ma túy ở Đức, tôi xin giới thiệu qua cơ cấu làm việc của tổ chức có tên gọi “Thanh niên giúp thanh niên” - một cơ quan thừa hành trong công tác phòng chống ma túy của thành phố Hamburg. Tổ chức này thực hiện ba nhóm chức năng chính: tư vấn cai nghiện, điều trị cai nghiện, theo dõi và hỗ trợ sau cai nghiện.

- Về tư vấn cai nghiện: có ba trung tâm; chịu trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, tư vấn hướng dẫn, điều trị ngoại trú, phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS qua việc sử dụng ma túy và giúp đỡ các vấn đề an sinh xã hội cho người nghiện.

- Về điều trị cai nghiện: có bốn trung tâm cai nghiện tập trung, trong đó có một trung tâm dành riêng cho người nghiện có con nhỏ (trong thời gian cai nghiện được sống cùng với con). Chương trình cai nghiện thường kéo dài 10 tháng. Chi phí lấy từ bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm về hưu, hoặc do kinh phí nhà nước hỗ trợ (tùy đối tượng).

- Về theo dõi và hỗ trợ sau cai nghiện: có hai bộ phận chính là “Công ăn việc làm” và “Quan tâm cả ngày“. Bộ phận “Công ăn việc làm” tư vấn hướng nghiệp và tạo công việc, thường là những công việc ngắn hạn, cho học viên sau cai nghiện.

Bộ phận “Quan tâm cả ngày” thường xuyên quan tâm theo dõi quá trình tái hội nhập cộng đồng của học viên cai nghiện, tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, văn nghệ, thể thao cùng với người bình thường.

Cả ba nhóm chức năng này làm việc chặt chẽ với nhau. Hằng tuần tư vấn viên của bộ phận "Quan tâm cả ngày” đều có giờ làm việc ở các trung tâm tư vấn cai nghiện để kịp thời phát hiện, tư vấn và giúp đỡ các học viên gặp vấn đề, hoặc chán nản trong quá trình tái hội nhập.

Ngoài ra, thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nhà nước và các tổ chức tư nhân, tổ chức này cũng thực hiện một số dự án hỗ trợ khác.

Thống kê không chính thức: có khoảng 10% học viên cai nghiện của tổ chức “Thanh niên giúp thanh niên” thật sự từ bỏ ma túy và hòa nhập lại với cộng đồng. Con số này cho thấy để đưa một người nghiện trở về cuộc sống bình thường thật không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi sự cố gắng không ngừng của xã hội nói chung và của từng người làm việc trong lãnh vực phòng chống ma túy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận