05/09/2003 10:16 GMT+7

Nhả mồi

CAM LY - A.V.
CAM LY - A.V.

TT - Trái ngược với hồi chiến tranh Iraq mới kết thúc, giờ đây người ta thấy chính quyền Mỹ đang ráo riết mở rộng vai trò của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq, hẳn là với ít nhiều tiếc nuối. Tuần tới, Mỹ sẽ trình Hội đồng Bảo an (HĐBA) một dự thảo nghị quyết LHQ mới về Iraq với những điểm chính là: thành lập lực lượng đa quốc gia dưới quyền kiểm soát thống nhất nhằm duy trì an ninh ở Iraq...

mJGZ7D6E.jpgPhóng to
Lễ chuyển giao quyền kiểm soát khu vực trung nam Iraq cho lực lượng đa quốc gia tại Babylo
TT - Trái ngược với hồi chiến tranh Iraq mới kết thúc, giờ đây người ta thấy chính quyền Mỹ đang ráo riết mở rộng vai trò của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq, hẳn là với ít nhiều tiếc nuối. Tuần tới, Mỹ sẽ trình Hội đồng Bảo an (HĐBA) một dự thảo nghị quyết LHQ mới về Iraq với những điểm chính là: thành lập lực lượng đa quốc gia dưới quyền kiểm soát thống nhất nhằm duy trì an ninh ở Iraq...

Trong dự thảo mới về Iraq này, Mỹ cũng kêu gọi 191 nước thành viên LHQ gửi quân tham gia; kêu gọi các nước thành viên đóng góp tài chính để tái thiết Iraq... Chính quyền Bush cũng đã tiến hành các cuộc thương lượng song phương với các nước thành viên HĐBA, hi vọng nhận được đủ số phiếu thuận để thông qua nghị quyết mới này trước ngày 23-9.

Tại sao lại có chuyện "nhả mồi" như thế? Theo nhật báo Washington Post, ngoài số lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq, trung bình mỗi ngày số lính Mỹ bị thương đã lên đến 10 người. Tổng số thương vong của lính Mỹ hiện đã cao gấp đôi so với thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Theo nhiều nhà phân tích, Nhà Trắng rất e ngại những con số này sẽ được khai thác để làm giảm uy tín của ông Bush trong kỳ tranh cử năm sau.

Trên thực tế, cuộc chiến tranh Iraq đã được tiến hành theo một phong cách đặc trưng Mỹ: họ quyết đánh, biết chắc sẽ thắng, nhưng không sao hình dung nổi sẽ tiếp quản điều gì sau thắng lợi chóng vánh đó. Chẳng có gì lạ khi mới đây (2-9), một báo cáo tổng kết mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ đã thừa nhận rằng giai đoạn 4 của kế hoạch tấn công Iraq (giai đoạn hậu chiến) đã không được chuẩn bị đầy đủ.

Cùng thời điểm này, Văn phòng ngân sách quốc hội cũng ra một báo cáo mới trong đó nêu rõ với chính sách quân sự hiện hành, quân Mỹ chỉ còn trụ nổi tại Iraq với toàn lực cho đến tháng 3-2004. Sau thời điểm đó, Mỹ sẽ phải chi mỗi năm đến 12 tỉ USD để nuôi một phần lực lượng quân đội tại đây.

Nhưng sự trù trừ và luyến tiếc khi phải nhả con mồi đã nằm gọn trong miệng đã khiến nảy sinh một số điều bất nhất: trong khi tìm kiếm sự đồng thuận cho một nghị quyết LHQ mới, Mỹ cũng muốn nghị quyết đó tái xác nhận quyền kiểm soát tối cao về quân sự lẫn chính trị của Mỹ. Thì ra, điều mà Mỹ thật sự muốn chỉ là giảm được chi phí quân sự và rủi ro nhân mạng... bằng cách san bớt trách nhiệm quân sự cho các quốc gia khác.

Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell nói rất rõ rằng sự san sẻ máu và tiền đó được trao đổi bằng việc "về thực chất nghị quyết mới sẽ đưa HĐBA vào cuộc chơi", nhưng ông nhấn mạnh: "Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, dẫn đầu liên minh quân sự".

Khả năng thông qua dự thảo nghị quyết mới như thế nào? Có thể Mỹ sẽ còn phải sửa đổi thêm trước khi nó được thông qua. Trước mắt, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder hôm qua đã ra tuyên bố chung nêu rõ dự thảo nghị quyết này chưa đạt được mục tiêu trọng yếu là chuyển quyền lực cho Hội đồng điều hành lâm thời Iraq.

CAM LY - A.V.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên