14/09/2003 05:00 GMT+7

Đầu năm học mới, nói chuyện "tẩm bổ"

HOÀNG NGỌC thực hiện
HOÀNG NGỌC thực hiện

TTCN - Đã qua rồi cái thời ăn cơm độn bắp, độn bo bo. Trước đây cha mẹ đã khổ nhiều, giờ chỉ mong cho con cái luôn được miếng ngon miếng lạ. Nhất là hiện nay, con cái chạy sô suốt ngày vì chuyện học. Chính vì điều này các bậc phụ huynh ra sức bồi bổ cho con cái, bắt phải ăn cho nhiều các thứ được tiếp thị là bổ béo bán tràn lan trên thị trường. Đúng hay sai? TT trao đổi với Bác sĩ Đào Thị Yến Phi- TT Dinh dưỡng TPHCM đã nói về vấn đề này.

ZmQ4Hr0i.jpgPhóng to
Tẩm bổ cho cho các em quá nhiều cũng không tốt!
TTCN - Đã qua rồi cái thời ăn cơm độn bắp, độn bo bo. Trước đây cha mẹ đã khổ nhiều, giờ chỉ mong cho con cái luôn được miếng ngon miếng lạ. Nhất là hiện nay, con cái chạy sô suốt ngày vì chuyện học. Chính vì điều này các bậc phụ huynh ra sức bồi bổ cho con cái, bắt phải ăn cho nhiều các thứ được tiếp thị là bổ béo bán tràn lan trên thị trường. Đúng hay sai? TT trao đổi với Bác sĩ Đào Thị Yến Phi- TT Dinh dưỡng TPHCM đã nói về vấn đề này.

* Rất nhiều phụ huynh cho con em mình ăn rất nhiều trứng. Như vậy thì món trứng, nhất là lòng đỏ, được xem như là một món bổ dưỡng. Một thực đơn “toàn trứng” như thế ý nghĩa gì đối với trẻ em từ lứa tuổi tiểu học đến trung học?

- Trẻ con thường thích ăn trứng, nhất là những trẻ... lười nhai vì trứng vốn mềm, dễ nuốt. Phụ huynh cũng thích cho trẻ ăn trứng vì tiện lợi, dễ chế biến và trẻ có thể ăn nhanh, ít mất thời gian hơn nhai thịt cá. Thật ra trứng (cùng với sữa)là loại thức ăn được xem là hoàn hảo vì thành phần chất đạm đầy đủ, cân đối.

Nhưng một thực đơn “toàn trứng” thật ra không có lợi cho sức khỏe của trẻ, vì ăn toàn trứng sẽ thiếu những chất dinh dưỡng khác từ cá, thịt, đậu... Đó là chưa kể nếu bữa ăn của trẻ đã đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết, thêm vào hai lòng đỏ trứng có khi làm thừa chất béo và chất đạm, chỉ có tác dụng làm tăng nguy cơ thừa cân và tăng công việc cho hai quả thận của trẻ mà thôi.

Cách tính đơn giản nhất để xác định có hay không bị béo phì:

Cách tính thông dụng nhất là tính theo cân nặng trẻ theo chiều cao

Một vài chỉ số mốc như sau: Trẻ 1 tuổi cao khoảng 75-76cm, cân nặng khoảng 9-10kg. Trẻ 2 tuổi cao khoảng 85-87cm, cân nặng khoảng 12-13kg. Trẻ 3 tuổi cao khoảng 92-95cm, cân nặng khoảng 14-15kg. Trẻ 4 tuổi cao khoảng 100-103cm, cân nặng khoảng 16-17kg. Mỗi năm sau đó trẻ tăng trung bình 5-6cm và 2-3kg mỗi năm cho đến tuổi dậy thì.

Nhìn chung trẻ trên 2 tuổi nếu cứ tăng mỗi 400g cân nặng cần tăng thêm 1cm chiều cao. Nếu tăng cân nặng nhiều hơn tăng chiều cao liên tục trong sáu tháng thì nên đem trẻ đến khám tại các khoa dinh dưỡng để xác định thừa cân nếu có, đừng để đến lúc “hình như con em bị béo phì rồi” mới mang đến bác sĩ thì có khi đã muộn.

* Mỗi tuần ăn lượng trứng bao nhiêu là vừa cho một trẻ em dưới 10 tuổi, trên 10 tuổi? Nên tẩm bổ các em như thế nào khi không thiếu những thức ăn chế biến sẵn và cả những thức ăn gia đình đã nấu nướng?

- Trung bình mỗi tuần có thể an tâm cho trẻ ăn 3-4 trứng gà, trẻ nhỏ hơn có thể 2-3 trứng. Tuy nhiên có một số trẻ trong một giai đoạn ngắn nào đó không thích ăn thứ gì khác ngoài trứng thì có thể cho ăn mỗi ngày một trứng, nhưng nên khéo léo cho thêm các món ăn khác kèm theo.

Tẩm bổ cho trẻ bằng một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ chất, nhiều món khác nhau thay đổi hằng ngày hằng tuần, thành phần cân đối giữa chất bột, thịt cá, rau quả, chất béo... Một tô phở có bánh phở, thịt bò, rau giá, nước béo là đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ mà không cần thêm trứng vào.

* Ngược lại, trong điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, tối thiểu trẻ em phải ăn (uống) sáng những gì trước khi đến trường?

- Một chén cơm chiên cộng với một trái chuối; một tô mì gói có thêm một muỗng thịt bằm, rau, giá; một gói xôi đậu xanh có đủ dừa, mè, đậu phộng; một cái bánh tét hay bánh chưng nhỏ; một củ khoai lang hay khoai mì chấm muối mè, đậu phộng cộng thêm một ly sữa đậu xanh hay đậu nành... hoàn toàn có giá trị dinh dưỡng tương đương một tô phở bò hay một tô hủ tiếu Nam Vang đặc biệt. Chuyện cho trẻ ăn sáng là bắt buộc, còn cho trẻ ăn gì (mắc tiền hay rẻ tiền) lại không phải là chuyện cần gượng ép “ráng mua cho con ăn” cho bằng được.

*Khoảng sau 10g sáng, cỡ 15g trở đi, các em hay ngủ gục hoặc không còn tập trung nghe giảng được nữa. Có phải do đã tiêu hao hết năng lượng nạp vào ban sáng hoặc ban trưa? Nếu đúng thế thì phải làm gì cho các em?

- Đúng là vào những thời điểm đó trẻ cần “nạp” thêm năng lượng mới có thể học tốt được. Cơ thể trẻ là cơ thể cần năng lượng vừa cho hoạt động (học hành, vui chơi...) vừa cho tăng trưởng (tăng cân nặng, chiều cao) nên cần nguồn năng lượng cao hơn so với người lớn vốn chỉ cần “ăn để sống”, trong khi hệ tiêu hóa của trẻ cũng nhỏ tương ứng với cơ thể trẻ.

Vì vậy thực đơn ăn uống trong ngày của trẻ thường cần đến 5 - 6 bữa cách nhau 3-4 giờ mới phục vụ đủ nhu cầu năng lượng của trẻ, không như người lớn chỉ cần ba bữa mỗi ngày. Tốt nhất phụ huynh nên chuẩn bị cho trẻ một món ăn gọn nhẹ để trẻ ăn vào giờ ra chơi. Tức là trong cặp trẻ khi đi học ngoài “chiếc bút chì” còn phải có “một mẩu bánh mì con con” nữa!

* Riêng đối với học sinh lớp chiều, không được ngủ trưa, phải ăn cơm trưa sớm để kịp đến trường, dễ uể oải hơn. Có thể sắp xếp giờ ăn ngủ, thức dậy, ôn bài, đi học của các em như thế nào cho tối ưu?

- Nhu cầu trung bình về giấc ngủ ở trẻ em vào khoảng 8 -10 giờ/ngày. Trẻ ngủ đêm thường khoảng 8-9 giờ nên ban ngày cần thêm khoảng 1 giờ nữa là đủ. Đối với trẻ học buổi chiều, tốt nhất nên cho trẻ ngủ sớm vào buổi tối (khoảng 21g), thức dậy tập thể dục và ôn bài vào buổi sáng sớm khoảng 5g - 5g30, ăn sáng khoảng 7g, sau đó học tại nhà đến khoảng 9g30 thì cho trẻ ăn một bữa nhẹ và đi ngủ khoảng một giờ. Sau giấc ngủ này trẻ có thể đủ tỉnh táo để đến trường sau một bữa trưa ngon miệng.

* Hiện nay sản phẩm nước uống tăng lực được quảng cáo là uống vào sẽ tăng lực, và cả nước ngọt cũng thế. Cái “được” và cái “không được”, có nguy hiểm không khi các em uống các loại nước này ? Có thể thay thế bằng thức uống gì trong trường hợp ở nhà?

- Nước tăng lực thực chất là loại nước ngọt... ngọt hơn các loại nước ngọt khác! Đối với trẻ em, chuyện ăn ngọt, uống ngọt nhiều không được khuyến khích vì tăng nguy cơ sâu răng, nguy cơ béo phì và cả nguy cơ suy dinh dưỡng, đó là chưa kể vài ý kiến cho rằng nước ngọt cũng gây nghiện chẳng kém cà phê.

Nước giải khát có đường được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp calori rỗng, tức là chỉ có năng lượng từ đường chứ không có các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Trẻ béo phì vốn có tâm hồn và khả năng ăn uống rất tốt, nên vài chai nước ngọt mỗi ngày sẽ làm tăng thêm năng lượng cung cấp ngoài bữa ăn chính vốn đã dư thừa năng lượng.

Trong khi đó trẻ suy dinh dưỡng chỉ vài ngụm nước ngọt là đã no ngang, chẳng chịu ăn bữa ăn chính làm càng suy dinh dưỡng hơn. Trong mọi trường hợp, nước uống tốt nhất cho trẻ là nước lọc và một ly nước trái cây tươi mỗi ngày.

* Nếu đã lỡ là béo phì rồi hoặc gần đến ngưỡng béo phì thì có còn tiếp tục “tẩm bổ” nữa hay không? Nguy cơ sau này nơi các trẻ em béo phì là gì? Làm gì để các em bớt béo phì?

- Khi trẻ đã lỡ thừa cân hay béo phì, cần nghiêm túc tránh chuyện “tẩm bổ” cho trẻ (kể cả việc trẻ tự tẩm bổ) vì đó có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bệnh lý nguy hiểm liên quan đến trẻ béo phì khi đã thành người lớn như tăng nguy cơ bệnh lý mãn tính (tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch...), tăng nguy cơ rối loạn về tâm lý, khả năng hòa nhập xã hội... Tốt nhất nên tập cho trẻ thói quen ăn uống điều độ, cân đối, đa dạng, và cần thiết thu xếp để trẻ có thời gian vận động sau thời gian ngồi học ở trường rồi ở nhà bằng một môn thể thao nào đó.

* Thế còn sức khỏe tâm thần? Có thể làm gì cho các em (thể thao, thể dục...)? Thời khóa biểu học tập hằng ngày bao nhiêu là vừa? Ngày cuối tuần?

- Thể dục thể thao luôn là loại thuốc bổ tốt nhất cho tâm thần trẻ. Mỗi ngày thời gian học của trẻ không nên quá 6 - 8 giờ. Nên thu xếp cho trẻ vận động ít nhất một giờ mỗi ngày. Cuối tuần nên cho trẻ nghỉ ngơi, đi du lịch, dã ngoại, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội hay chơi các môn năng khiếu... để trẻ có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

* Thế có phải cho các em uống thêm vitamin gì không? Nếu có thì liều lượng ra sao? Kể cả để bổ mắt?

- Trong các thời điểm học nặng, căng thẳng khiến trẻ giảm ăn uống cũng có thể dùng thêm các loại đa sinh tố (một viên hay một muỗng cà phê mỗi ngày). Tuy nhiên cần nhớ là thuốc bổ không thay được bất kỳ bữa ăn nào. Thuốc bổ thật ra có đầy rẫy trong các loại thực phẩm hằng ngày như rau, trái cây tươi, cá, thịt... nên cũng không cần thiết phải uống thêm nếu trẻ ăn uống đầy đủ chất, ăn đa dạng, nhiều rau trái và tình trạng dinh dưỡng của trẻ bình thường.

HOÀNG NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên