09/02/2023 16:22 GMT+7

Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP.HCM đã xin trung ương áp dụng trước một số cơ chế bảo vệ cán bộ

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết nhiều lần đề xuất trung ương thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. TP cũng đã xin Ban Tổ chức Trung ương thí điểm áp dụng trước một số cơ chế bảo vệ cán bộ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.H.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.H.

Sáng 9-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng hai phó bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Hồ Hải và Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Nguyễn Phước Lộc chủ trì hội thảo về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đảng bộ mạnh dạn bảo vệ để cán bộ tự tin, dám làm

Tham luận tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đánh giá hiện nay trong nội bộ Đảng vẫn còn tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai, bởi sai sẽ bị xử lý theo cả dây chuyền, không rõ ai trách nhiệm chính.

Việc này đại biểu Quốc hội cũng từng có ý kiến "chẳng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử".

Bà Thảo cho rằng mỗi vụ việc nếu có sai phạm cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính, chứ không phải xử lý theo dây chuyền hết. Đảng bộ cần mạnh dạn bảo vệ cán bộ để đội ngũ nhìn vào đó tự tin, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Việc xử lý sai phạm phải rất đúng người, đúng việc và tâm phục, khẩu phục.

Cùng ý kiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng muốn cán bộ không vướng vấp sai phạm, ngoài cơ chế lãnh đạo của Đảng, phải phát huy quyền làm chủ của dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách thực chất.

"Lưới trời lồng lộng, người ta biết hết nhưng sợ liên lụy tới bản thân. Không có cơ chế để bảo vệ người phản ánh thì họ kệ, được tới đâu hay tới đó", ông chỉ ra hạn chế và đánh giá việc giám sát cán bộ, đảng viên chưa đủ.

Ông Đảm đề nghị: "Nâng lên một bước là giám sát phải có đánh giá, nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm, còn chỉ tập hợp kiến nghị sẽ không ăn thua. Ai tín nhiệm dưới 50% nên xem xét lại, thế mới thúc đẩy, chứ cứ góp ý thì đâu cũng vào đó hết".


Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.H.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội thảo - Ảnh: T.H.

Kế hoạch một phần, biện pháp mười, kiểm tra, uốn nắn hai mươi

Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận thời gian qua cũng có những hạn chế, yếu kém, sai phạm. Nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật có tư tưởng suy thoái, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tâm tư tình cảm của nhân dân.

Ông Nên cho rằng trong công tác chỉnh đốn Đảng cần đặt năm trụ cột lên hàng đầu: tư tưởng đạo đức; kiểm soát chặt các mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức; chăm lo giáo dục cán bộ đảng viên để có quan điểm lập trường, mục tiêu, lý tưởng; coi trọng triển khai giám sát (tự giám sát và giám sát) và không nên xa rời quần chúng, quan liêu, xa dân…

Theo đó, đảng bộ, hệ thống chính trị phải tăng kiểm tra, giám sát, uốn nắn, gắn với chương trình hành động cá nhân, khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm minh. "Đảng có câu kế hoạch một phần thì biện pháp mười, kiểm tra, uốn nắn hai mươi để kịp thời phát hiện, giảm đi những sai phạm nguy hiểm", ông Nên nói.

Về cơ chế bảo vệ cán bộ, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết đã nhiều lần đề xuất trung ương thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. TP cũng đã xin Ban Tổ chức Trung ương thí điểm áp dụng trước một số cơ chế trong bảo vệ cán bộ để thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo trong nội bộ Đảng, chính quyền.

Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương này của Bộ Chính trị.

Đảng không có chủ trương vận động cán bộ ra khỏi quy hoạch

Trong buổi hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo có phản ánh việc cháu của một cán bộ cấp cao được mời làm việc để vận động "hãy làm đơn xin ra khỏi quy hoạch". Nguyên nhân là người này sắp hết tuổi công tác.

Theo bà Thảo: "Quy hoạch là để đào tạo chứ không phải bổ nhiệm. Làm vậy có máy móc quá không? Người ta có xin vào quy hoạch đâu mà kêu người ta xin ra khỏi quy hoạch", bà đặt vấn đề và cho rằng thủ tục này nhiêu khê, chạm đến tình cảm, nỗi đau của cán bộ. Đây là việc nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến sự phấn đấu của cán bộ.

Trao đổi việc này, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói Đảng không có chủ trương vận động cán bộ ra khỏi quy hoạch vì bất cứ lý do gì, nếu tồn tại là do năng lực người đứng đầu kém.

Theo ông Nên, quy hoạch cán bộ là khâu thường xuyên của Đảng nhằm phát hiện sớm người có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển để lên kế hoạch đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

"Việc đâu đó vận động cán bộ ra khỏi quy hoạch không phải chỉ đạo của Thành ủy cũng như của Đảng, mà nằm ở tổ chức, cá nhân nào đó. Do phương pháp chưa thuộc bài, hoặc người đứng đầu yếu kém, muốn làm một việc cho dân chủ, khách quan, nhưng không biết làm thế nào", ông lý giải và khẳng định đây là trường hợp cá biệt, không phải phổ biến.

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm?Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm?

Năm 2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên