30/01/2023 09:12 GMT+7

9 triệu lượt khách nội địa du xuân, du lịch kỳ vọng bùng nổ

Kỳ nghỉ Tết Quý Mão kéo dài một tuần cùng với thời tiết thuận lợi, người dân đi du xuân tăng gần 50% so với Tết năm ngoái.

9 triệu lượt khách nội địa du xuân, du lịch kỳ vọng bùng nổ - Ảnh 1.

Bạn trẻ chụp ảnh trước chợ Bến Thành, TP.HCM - điểm check-in mới trong dịp Tết năm nay - Ảnh: DUY HIỆU

Ước cả nước có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa đã lên đường du xuân, chưa kể hàng trăm ngàn lượt khách xuất ngoại, mang đến không khí mới cho ngành du lịch sau một năm nhiều trầm lắng.

Nhộn nhịp mùa Tết

Kết thúc mùa kinh doanh Tết, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành ước đạt 85 - 100% kế hoạch. Thời gian nghỉ Tết bảy ngày cùng với thời tiết thuận lợi, du khách không chỉ chờ mùng 1, mùng 2 Tết mới khởi hành như trước. 

Nhiều gia đình chọn đi du lịch ngay những ngày cuối tháng chạp năm Nhâm Dần và đón giao thừa ở các điểm đến du lịch. Trong đó phải kể đến một lượng lớn khách Việt kiều về quê ăn Tết và du xuân sau hai năm đại dịch.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist, cho biết mùa Tết năm nay công ty đón khoảng 1.000 lượt khách cá nhân, gia đình đi du xuân trong và ngoài nước. 

"Đây là một kết quả rất sáng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Chúng tôi xem mùa kinh doanh Tết là cơ sở để lên kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, vốn dự đoán sẽ có rất nhiều biến động và diễn biến thị trường nằm trong sự chuẩn bị của các doanh nghiệp", ông Mẫn nhận định.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị và truyền thông của Saigontourist, cho biết khách Việt kiều đã góp phần làm thị trường du lịch nội địa sôi động. 

Trong đó khách phía Nam ưa thích các tour tuyến ra Bắc kết hợp khám phá Đông - Tây Bắc mùa xuân. 

Ngược lại, du khách từ miền Bắc chọn đón Tết ấm áp cùng miền Tây sông nước. Riêng các du khách lựa chọn tour ngắn ngày ưu tiên các hành trình nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí tại Phú Quốc, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt...

"Mùa kinh doanh Tết năm nay của hãng tăng 7% so với kế hoạch ban đầu, phục vụ hơn 21.000 lượt khách, gồm ba mảng khách nội địa, khách Việt xuất ngoại và đón khách quốc tế. Nhờ có kế hoạch chuẩn bị và dự phòng từ trước nên các dịch vụ cung cấp vẫn được đảm bảo", bà Trà cho biết.

Nhận định về tình hình kinh doanh Tết, ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho rằng các hãng lữ hành đã xây dựng nhiều tour du lịch Tết, trong đó tập trung nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết các điểm đến, đa dạng hóa dịch vụ, trải nghiệm nhằm tăng doanh thu dịp Tết.

Đặc biệt không có tình trạng "cháy" phòng hay 'chặt chém', công tác phục vụ khách du lịch tốt, không xảy ra các tai nạn, sự cố đáng tiếc. 

Trong khi đó, nhiều địa phương đã chủ động làm mới sản phẩm du lịch, trang hoàng, chỉnh trang khu, điểm du lịch, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc thu hút du khách, làm nổi bật đặc trưng văn hóa của từng địa phương.

Cũng trong dịp Tết vừa qua, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với dịp Tết dương lịch 2023, đặc biệt với việc Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại từ ngày 8-1 giúp thị trường du lịch quốc tế sôi động, nhộn nhịp hơn. 

Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30 - 40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết.

9 triệu lượt khách nội địa du xuân, du lịch kỳ vọng bùng nổ - Ảnh 3.

Đông nghẹt du khách du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) những ngày Tết - Ảnh: MAI VINH

Khách Việt chi tiền tỉ xuất ngoại du xuân

Thị trường du lịch năm nay thêm phần nhộn nhịp nhờ các sản phẩm tour xuất ngoại, đóng góp chính là doanh thu của thị trường. 

Xu hướng du lịch "ngắt kết nối" cũng được du khách ưa chuộng. Một lượng không nhỏ khách nội địa lựa chọn các tour outbound đi các nước khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... thay vì lựa chọn du lịch trong nước.

Có thể nói đây là mảng sáng nhất của thị trường Tết năm nay. Sở Du lịch TP.HCM ước tính có khoảng 18.000 lượt khách Việt đi tour nước ngoài qua các công ty du lịch, lữ hành ở TP.HCM trong dịp Tết năm nay, đem về doanh thu cho các đơn vị khoảng 432 tỉ đồng. Đây là con số khủng so với 23.000 lượt khách đi du lịch các tỉnh thành, doanh thu khoảng 148 tỉ đồng.

Bà Trần Thị Phương Linh, giám đốc tiếp thị và công nghệ thông tin của BenThanh Tourist, cho biết du xuân đón Tết trên những chuyến du lịch giờ đây đã trở thành xu hướng của nhiều gia đình. 

Các gia đình này khởi hành ngay trước thời điểm giao thừa hay sáng mùng 1 Tết, trong khi mọi năm mùng 2 mới là ngày đẹp khởi hành sau khi đã đón Tết ở TP.

"Năm nay không ít gia đình dành trọn bảy ngày nghỉ Tết, cả nhà cùng nhau đón năm mới hanh thông, tràn đầy năng lượng và may mắn. 

Chúng tôi ghi nhận lượng du khách đặt tour du lịch nước ngoài cao hơn nhiều so với tour du lịch trong nước, tỉ lệ lên tới 70%. Các tour Tết du lịch nước ngoài của công ty phần lớn kín chỗ rất sớm", bà Linh thông tin.

Theo một số công ty du lịch, những diễn biến ở thị trường Tết năm nay là tín hiệu tích cực phản ánh hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hai năm dịch bệnh, kỳ vọng một năm sáng sủa cho ngành du lịch. 

Tuy vậy, sức mua giảm 30% so với năm ngoái, buộc các doanh nghiệp phải có những chiến lược phù hợp, linh hoạt trong tính toán giữ vé máy bay, dịch vụ cho các kỳ nghỉ sắp tới trong năm 2023.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho rằng mặc dù du lịch có sự trở lại phục hồi mạnh mẽ nhưng động lực tăng trưởng chính vẫn là thị trường du lịch trong nước với kinh doanh vượt thời điểm 2019 từ 20 - 30%. 

Mảng du lịch nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, tình hình kinh doanh mảng này chỉ xoay quanh 60 - 65% so với thời điểm 2019.

"Trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng nhiều chính sách mới được ban hành sẽ hỗ trợ ngành du lịch cất cánh sau nhiều năm gặp khó", bà Hoàng chia sẻ.

9 triệu lượt khách nội địa du xuân, du lịch kỳ vọng bùng nổ - Ảnh 4.

Du lịch miền Tây "hốt bạc" dịp Tết

Trong những ngày Tết Quý Mão, các tỉnh miền Tây đã đón lượng khách du lịch lớn. Ông Phan Văn Thông, giám đốc khu du lịch Cồn Phụng, cho biết khu du lịch này đón hơn 3.000 lượt khách mỗi ngày, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch tỉnh Bến Tre, từ 30 tháng chạp đến mùng 5 Tết, các điểm du lịch đón khoảng 64.000 lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sở Du lịch Kiên Giang cho biết trong tám ngày Tết (từ 29 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng), địa phương này đón hơn 339.600 lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, khách quốc tế đạt 15.113 lượt, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2022, tổng thu ước đạt 374 tỉ đồng.

Riêng TP Phú Quốc ước đón hơn 185.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 13.851 lượt khách, tăng 184,5% so với cùng kỳ 2022, tổng thu hơn 266 tỉ đồng.

An Giang cũng đón trên 500.000 lượt khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn và cúng viếng tại các khu, điểm du lịch.

Lượng xe cộ tấp nập về vùng Bảy Núi liên tục tăng. Trong đó, khu du lịch núi Sam đón 105.000 lượt khách, khu du lịch núi Cấm đón 87.000 lượt khách, điểm du lịch đồi Tức Dụp đón 30.000 lượt khách...

M.TRƯỜNG - B.ĐẤU - C.CÔNG

9 triệu lượt khách nội địa du xuân, du lịch kỳ vọng bùng nổ - Ảnh 6.

Người dân về TP.HCM tại ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất chiều 29-1 - Ảnh: TỰ TRUNG

Chật vật bay sau Tết

Số khách đi máy bay bùng nổ dịp Tết, con số ngành hàng không công bố cho thấy lượng khách đi lại cao hơn cả trước đại dịch. Con số khách đông dẫn tới tình trạng các khách bay trải qua nhiều vất vả.

Không chỉ lo kẹt ở dưới đất mà nhiều chuyến bay phải bay lòng vòng nhiều giờ liền để chờ tới lượt hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Delay từ sáng đến sáng hôm sau!

Đặt chuyến bay liên danh của Vietnam Airlines - Pacific Airlines lúc 9h ngày 30-1 với hành trình Đà Nẵng - TP.HCM, gia đình (bốn người) chị Thảo Nguyên bất ngờ được hãng thông báo "cáo lỗi với quý khách", chuyến bay bị delay từ 30-1 chuyển sang 20h ngày 31-1.

Chị Nguyên cho biết đã liên hệ nhiều nơi để đặt mua vé mới bởi chiều 30-1 có dự cuộc họp quan trọng đầu năm nhưng các đại lý đều cho biết phải chờ tới hai ngày sau mới có vé.

"Giờ tôi cũng không biết làm sao. Gia đình đi có con nhỏ. Mua vé khác trong ngày mai, có tiền cũng không có vé.

Delay tận hai ngày như thế này thiệt tình tôi không trở tay kịp để sắp xếp công việc", chị Thảo Nguyên than. Không riêng gì gia đình chị Thảo Nguyên, nhiều khách hàng của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways cũng bị ám ảnh với tin nhắn delay 1 - 3 tiếng, thậm chí đổi chuyến bay từ buổi sáng đến chiều.

Chị Thu Trang mua vé Vietnam Airlines - Pacific Airlines cho cả gia đình đi từ Đà Nẵng vào TP.HCM lúc 9h sáng 26-1 nhưng sau mấy lần bị hoãn, vé của gia đình chị đã bị hoãn đến 2h sáng 27-1.

Cả gia đình chị, có hai em bé, đã vật vờ thức trắng cả đêm, đáp TP.HCM lúc 5h sáng mà không nhận được lời xin lỗi hay bồi thường tiền vé, dù giá vé khung giờ khuya rẻ hơn rất nhiều so với giá vé sáng lúc chị mua.

Chưa hết, hàng trăm chuyến bay hướng đến Tân Sơn Nhất cũng phải bay lòng vòng trên trời cả tiếng để chờ hạ cánh do quá tải đường băng.

Chị Nguyễn Quỳnh Vy đi chuyến bay VJ639 tối 28-1 chặng Đà Nẵng - TP.HCM cho biết dù khởi hành đúng 21h nhưng từ lúc tiếp viên phát loa thông báo "khách gấp bàn ăn, dựng thẳng lưng ghế, chuyến bay sắp hạ cánh trong ít phút nữa", hành khách phải chờ đến 40 phút vẫn chưa hạ cánh.

Mãi đến hơn 23h05, máy bay mới đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. "Xuống máy bay, tôi tra cứu hành trình bay của chuyến bay VJ639 mới thấy bay lòng vòng tại khu vực biển ở Bình Thuận xuống tận Cần Thơ rồi mới bay về Tân Sơn Nhất.

Không chỉ chuyến bay này mà trên hệ thống còn xuất hiện hàng chục chuyến bay xếp hàng ở trên trời chờ hạ cánh", chị Vy nói.

Máy bay xếp hàng chờ hạ cánh

Thực tế cho thấy hàng loạt máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết phải bay lòng vòng trên trời 20 phút, có khi đến một tiếng để xếp hàng chờ hạ cánh.

Theo một phi công của Vietnam Airlines, chỉ cần một chuyến phải bay lòng vòng chờ quá lâu trên trời sẽ làm chậm giờ của chuyến tiếp theo, hành khách sẽ phải nhận thông báo "trễ chuyến vì máy bay về muộn".

Lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam cho biết do tần suất khai thác cao, máy bay dồn về cùng một thời gian nhưng năng lực thông quan có giới hạn của hệ thống đường cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu phải kéo dài thời gian bay trong vùng trời tiếp cận sân bay (như bay vòng chờ tại chỗ, bay theo mạch phương thức dích dắc hình chữ U và hình vòng cung...).

Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết do số lượng chuyến bay được tăng cường xuyên đêm, trải đều từ sáng đến tối cũng góp phần giảm áp lực cho nhà ga ban ngày.

Cảng chủ động phối hợp với hãng bay, dịch vụ mặt đất, các hãng vận tải đảm bảo đủ sức phục vụ khách trong dịp Tết. Mùng 8, lượng khách có tăng, nhìn chung không ùn tắc như mọi năm.

"Ngày hôm nay có thể "chốt hạ" cao điểm Tết, lượng khách và tần suất bay những ngày sau sẽ giảm dần", vị này thông tin.

Ùn tắc khu vực đón xe công nghệ

Theo ghi nhận ngày 29-1, hành khách đổ dồn vào làn xe công nghệ bên trong tòa nhà để xe TCP Tân Sơn Nhất. Dù có hai làn xe D1 và D2 dành riêng cho GrabCar, BeCar và GoCar nhưng vẫn diễn ra tình trạng quá tải.

Anh Khoa (hành khách đáp chuyến bay từ Hà Nội) than phiền quá mệt mỏi khi bên trong nhà xe chật chội, tài xế và khách hàng mãi không tìm được nhau. Các tài xế cũng than thở rất cực khi đón khách ở sân bay. Nhiều người lo khó đặt xe nên bật app đặt xe trong khi đang chờ lấy hành lý.

CÔNG TRUNG

Người TP.HCM chi hơn 430 tỉ du lịch nước ngoài dịp TếtNgười TP.HCM chi hơn 430 tỉ du lịch nước ngoài dịp Tết

Ước tính có khoảng 18.000 lượt khách Việt đi tour nước ngoài qua các công ty du lịch, lữ hành ở TP.HCM trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên