14/10/2003 05:30 GMT+7

Những cái "thắng ngầm" trên xa lộ

VÕ HƯƠNG
VÕ HƯƠNG

TT - Chiếc xe khách chất lượng cao vừa đỗ xịch vào bến, một bà lão nhìn thẳng mặt tài xế hậm hực: “Xe chất lượng cao mà chạy như rùa, trễ hết công việc tôi”. Anh tài xế trẻ cúi đầu tiu nghỉu: “Bác thông cảm, mấy anh CSGT “săn” dữ quá đâu dám chạy nhanh. Cháu còn phải kiếm cơm nuôi cả gia đình”...

3SM9WwXl.jpgPhóng to
Ảnh: T.T.D.
TT - Chiếc xe khách chất lượng cao vừa đỗ xịch vào bến, một bà lão nhìn thẳng mặt tài xế hậm hực: “Xe chất lượng cao mà chạy như rùa, trễ hết công việc tôi”. Anh tài xế trẻ cúi đầu tiu nghỉu: “Bác thông cảm, mấy anh CSGT “săn” dữ quá đâu dám chạy nhanh. Cháu còn phải kiếm cơm nuôi cả gia đình”...

Xe... rùa, chạy 100 cây... chuối/giờ

Chúng tôi theo một chuyến xe chất lượng cao từ TP.HCM về Cần Thơ. Xuất bến xe chạy từ từ, và rồi tốc độ như vậy vẫn được duy trì trong những đoạn đường vắng. Hành khách sốt ruột. Bác tài nói như than: “Công an “bắn” dữ quá không dám chạy nhanh. Tốc độ cho phép tối đa chỉ 50km/g. Bị bắn tốc độ một lần là nhịn đói một tháng vì tiền phạt”. Cho nên các bác tài đã chạy “trừ hao” mà vẫn còn sợ.

KMEMh4eZ.jpgPhóng to
Xa lộ Hà Nội (đoạn Đồng Nai) chỉ cho phép lưu thông 10km/giờ, liệu có xe nào chịu chạy... rùa như vậy?
Qua địa phận mỗi tỉnh đều có nhiều chốt cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát. Thỉnh thoảng tự dưng thấy các xe nối nhau thành một đoàn chạy như... rùa. Thì ra cách đó vài cây số có một nhóm CSGT đang làm nhiệm vụ. Mang danh xe chất lượng cao nhưng giờ đây phải mất gần 6 giờ cho tuyến đường TP.HCM - Cần Thơ chỉ dài khoảng 170km!

Giống tuyến TP.HCM - Cần Thơ, tuyến Cần Thơ - Cà Mau cũng gặp những tình cảnh tương tự. Mặc dù không phải lụy phà, qua cầu nhưng thời gian làm một cuộc hành trình về miền đất “cuối trời mây trắng bay” sao mà lắm vất vả, gian nan vì... hạn chế tốc độ.

Ra khỏi nội ô thành phố Cần Thơ là “đụng” ngay tuyến đường điểm “an toàn giao thông” hạn chế tốc độ 40km/g. Đến địa phận tỉnh Sóc Trăng có đoạn xuống còn 30km/g. Riêng đoạn ngang qua khu vực dân cư ngã ba An Trạch, biển báo hạn chế tốc độ 20km/g, nhưng hết khu đông dân cư lại không cắm biển báo hết hiệu lực. Xe hơi chạy chậm còn hơn... xe đạp. Trước “thảm cảnh” như vậy, có người thốt lên: “đường tốt, xe tốt mà chạy trăm cây... chuối một giờ”.

Coi chừng bị... “bắn”

qTvM11ki.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông với súng bắn tốc độ
Cả năm lần đi tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh khứ hồi tôi đều nghe những lời than thở giống nhau của cánh lái xe về chuyện CSGT sử dụng ôtô có gắn camera để “bắn tốc độ” trên quốc lộ 1A. Đoạn bị bắn “rát” nhất là khi xe chạy qua thị xã Ninh Bình xuôi về Hà Nội.

Đoạn đường này khá rộng nên cánh lái xe thường phóng tốc độ 70-80 km/g. Theo lời một lái xe khách: “Nguy hiểm ở chỗ họ (CSGT) đậu xe... ngay trước mắt mình, cách chừng 1-1,5 km, mình vừa phát hiện đã phải phanh dúi dụi để giảm tốc độ (biển đường đề hạn chế dưới 40km/g) thì xe sau cũng phải phanh kít theo. Tôi chưa bị “hôn” (đâm đuôi xe) lần nào nhưng rất ớn”. Theo lái xe này, sợ nhất là việc CSGT giấu xe sau bụi cây hay một quán nước để “bắn tốc độ”. Để đối phó với việc giấu xe, cánh lái xe thường xuyên phải “chào hỏi” với xe đối diện (thông báo cho nhau biết có CSGT hay không) bằng... đèn pha khi cùng chạy trên đường.

Lái xe Hãng Hoàng Hà tuyến Thái Bình - Hà Nội hôm chở tôi về Hà Nội nói: “Nháy đèn hoặc thò tay ra vẫy để hỏi xem trước mặt mình có bị “bắn” không. Nếu không “bắn” chúng tôi phải chạy bù, còn có thì chạy... lù rù, 10-15 km “bò” trên đường cho đến khi gặp CSGT mới thôi”.

Cánh lái xe từ Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn lại “ớn” đường 5, đoạn rẽ đi Hải Dương, Móng Cái. Biển hạn chế tốc độ khu vực này từ 30-40 km, trong khi đường đẹp, xe “tít” lên 110-120 km/g rất khó mà hãm được khi gặp CSGT”.

Quốc lộ 51: “liên khúc” biển báo tốc độ

Buổi trưa đường vắng, vừa xuống hết chân cầu Sài Gòn chiếc xe từ TP.HCM đi Vũng Tàu đang ngon trớn thì đột ngột giảm tốc độ, mấy người trên xe giật mình nhìn tài xế, chỉ thấy tài xế cười... cầu tài đưa tay chỉ tấm bảng tròn nền trắng được viền đỏ, chính giữa hiện lên con số 20 thật to, rồi nói: “Chỉ cho chạy 20 km/g thôi, chạy quá tốc độ dễ bị vịn lắm...”.

Qua khỏi ngã ba An Phú, tốc độ cho phép 30 km/g. Chạy khoảng 50m xuất hiện bảng hết hạn chế cho xe chạy tốc độ 80km/g, tài xế nhấn ga, xe vừa chồm lên thì sựng lại vì biển báo 5km/g đặt cách trạm thu phí khoảng 50m. Từ trạm thu phí cứ khoảng 100m đến 1km là có biển báo tốc độ, hết giới hạn tốc độ, tốc độ cho phép lưu thông 20 lên 30 rồi xuống 20, loạn cả lên.

Trải dài tuyến đường xuyên Á từ địa phận Thủ Đức đến phần giáp ranh địa phận Tây Ninh tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 22 dài trên 50km gần như không có biển báo về tốc độ.

Đặc biệt, tuyến đường từ ngã tư bến xe An Sương đến Hóc Môn, các đoạn đi qua khu dân cư đông đúc, khu bến xe, khu chợ không có biển báo tốc độ, thay vào đó là khá nhiều biển cấm, biển báo nguy hiểm, chủ yếu là biển giao nhau với đường không ưu tiên; một vài biển báo người đi bộ cắt ngang, người đi xe đạp cắt ngang hoặc biển trẻ em, biển báo đường được ưu tiên, biển quay đầu xe...

Có những đoạn chỉ khoảng 1km có đến năm biển báo nguy hiểm nhưng không có biển báo vận tốc cho đoạn này.

Qua khỏi nghĩa trang TP, tài xế cả mừng khi thấy biển báo hết hạn chế tốc độ, chiếc xe lập tức chồm lên khiến mọi người nhẹ cả người, được chừng vài cây số đột nhiên bác tài đạp lút thắng, người trong xe nhào về phía trước, chưa kịp định thần... “may quá không có xe đằng sau, không có “ông” nào đứng hết...”. Chỉ có tấm bảng 10km/g hiện rõ bên đường...

Qua khỏi ngã ba Vũng Tàu chừng 50m, biển báo qui định tốc độ 60 to đùng nằm sát vệ đường, bác tài chưa kịp tăng ga thì cách đó chừng 100m một biển báo khác qui định chỉ còn 40, rồi lại tăng lên 60, rồi hết hạn chế. Các bác tài cứ thế mà căng người ra để đối phó với các... biển báo tốc độ.

Giăng bẫy?

Đoạn xa lộ từ TP.HCM - Đồng Nai đã được nâng cấp, mở rộng. Suốt tuyến này cơ quan chức năng vẫn cho cắm những biển tròn báo hạn chế tốc độ với giới hạn 30km/g. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi đến đoạn xa lộ xuyên qua phường Tân Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) - khu vực đông đúc nhất trên tuyến xa lộ từ TP.HCM ra TP Biên Hòa - lại hiện diện những tấm bảng hạn chế tốc độ ở con số 40 (?). Anh tài xế lái xe tải chở chúng tôi lắc đầu, cười và nói đùa: “đường vắng chạy chậm, đường đông được phép chạy nhanh!”.

Đoạn quốc lộ từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) ra Bình Thuận có vẻ qui củ hơn với các biển báo tốc độ 40 hoặc 60km. Nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những biển báo hạn chế tốc độ 30km/g một cách đột ngột như ở địa bàn Thuận Nam, Thuận Bắc (Bình Thuận). Theo một tài xế, đây là cái bẫy để CSGT “bắn” tốc độ mà không một tài xế nào chuẩn bị kịp.

Quốc lộ 20 từ ngã ba Dầu Giây lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng nhiều chuyện không kém. Mặc dù vẫn được chạy với tốc độ cho phép 40-80km/g tùy từng loại xe, nhưng đoạn đường này liên tục bị hạn chế bởi những biển báo chỉ ở mức 20km/g, có chỗ chỉ được phép chạy 15km/g. Điều đáng nói là quốc lộ 20 cắm gần 100 biển hạn chế tốc độ mà chỉ có vài biển xóa hạn chế tốc độ.

Thế đấy, các bác tài đang “đầy ắp” nỗi khổ bởi những xa lộ cho... rùa với cả rừng biển báo tốc độ rối loạn đến mức khó hiểu...

Nếu cứ còn mãi nhữngcon đường luôn bị hạn chế tốc độ...

Cái nếu thứ nhất:

Nếu cánh lái xe đều nghiêm chỉnh điều khiển xe theo đúng tốc độ ghi trên các biển báo tốc độ thì điều gì sẽ xảy ra?

Với tôi, điều trước hết là tôi và nhiều người Hà Nội sẽ không đủ tiền mua chôm chôm hay xoài miền Nam, các bạn ở TP.HCM sẽ không được ăn vải thiều miền Bắc nữa. Lý do đơn giản là khi đó xe tải phải mất gần một tuần mới đi được hết quãng đường Hà Nội - TP.HCM. Nếu cứ chở bằng đường bộ thì khi đến nơi hoa quả sẽ hỏng hết nên người ta sẽ chở bằng máy bay, mà cước máy bay lại cao. Tới lúc đó những loại hoa quả miền Nam sẽ trở thành đặc sản dành riêng cho những người lắm tiền Hà Nội và ngược lại.

Nếu cánh lái xe tải cứ nhắm mắt phóng ào ào thì sao? Chúng ta có thể dự đoán rằng tới một ngày nào đó, tài xế xe tải sẽ trở thành của hiếm. Đơn giản vì phần lớn trong số họ bị phạt và thu bằng lái.

Nhiều năm trước, người ta nói về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế. Tới bây giờ chúng ta đã có nhiều con đường mới, nhưng tốc độ giao thông thì không được thay đổi theo cho phù hợp. Vậy chúng ta xây mới những con đường để làm gì?

Cái nếu thứ hai:

Chúng ta đều biết sự có mặt của công an, cảnh sát có sức răn đe rất lớn. Chẳng ai dám vi phạm luật khi có mặt lực lượng này. Nếu CSGT đứng “lộ thiên” ngay nơi họ được phân công làm nhiệm vụ thì chẳng ai dám vi phạm và tai nạn sẽ không xảy ra. Vì vậy, theo tôi, những CSGT đang phục kích là có lỗi.

Úc là một nước có mức độ tai nạn giao thông rất cao. Các quảng cáo của Chính phủ Úc để hạn chế tai nạn giao thông trên tivi nhìn rất thật và khủng khiếp hơn cả phim Mỹ. Vậy mà tại nước này, một người lái xe quá tốc độ đã được tòa xử thắng khi kiện vì cảnh sát đã bắn tốc độ khi đang phục kích. Với họ, biện pháp đó không công bằng và nguy hiểm. Công việc trước hết của CSGT là đảm bảo giao thông an toàn chứ không phải là không ngăn chặn, để các xe vi phạm luật gây mất an toàn giao thông rồi thực hiện xử phạt.

Bản chất của giao thông là động, khả năng ứng phó của cánh tài xế cũng rất nhanh nhạy, vậy mà CSGT chỉ đứng một chỗ để “phục kích”. Nếu các xe của CSGT được dùng để tuần tra, bắt xe vi phạm từ phía sau, tại quãng đường bất kỳ, chắc hẳn là cánh tài xế chẳng còn cơ hội để thông báo cho nhau nữa. Khi đó tôi chắc là ít ai dám đánh liều mà đi ẩu.

VÕ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên